Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc
Sáng 24/3, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023).
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023). |
Phát biểu Lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, qua quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn luôn nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cũng chính vì vậy mà cha ông ta đã luôn luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức.
Nhắc lại câu ghi trên tấm bia ở Quốc Tử Giám: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao; nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp", Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của nhân tài, trí thức trong công cuộc làm hưng thịnh cho đất nước, điều đó rất tự hào nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức của nước nhà đã không ngừng phấn đấu hy sinh, hăng hái tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ngay từ khi mới thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã nói, nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc.
Nửa đầu thế kỷ XX, nhiều tổ chức của trí thức Việt Nam đã được thành lập và phát triển rộng khắp, đã góp phần tích cực vào việc mở mang dân trí, giải phóng dân tộc, chấn hưng đất nước.
Ngay sau ngày hòa bình lập lại, năm 1954, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, tạo mọi điều kiện để nhiều hội nghề nghiệp được thành lập. Năm 1963, Hội Phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật Việt Nam, là tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ngày nay đã được thành lập, nhằm tập hợp quy tụ các nhà khoa học, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, để đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật trong quần chúng nhân dân.
Ngày 26/3/1983 tại Thủ đô Hà Nội, 15 tổ chức hội thuộc các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật đã tiến hành đại hội thành lập Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam).
Đại hội đã bầu Thiếu tướng, Anh hùng lao động, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa làm chủ tịch.
“Việc thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam đã đáp ứng đúng nguyện vọng của đông đảo đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, mong muốn có một tổ chức chung để tập hợp đoàn kết, điều hòa, phối hợp các hoạt động phong phú, đa dạng để nói tiếng nói thống nhất, đề đạt nguyện vọng và ý kiến chung của giới trí thức đối với Đảng và Nhà nước”, Tổng Bí thư khẳng định.
Trải qua 40 năm phát triển, đến nay Liên hiệp Hội Việt Nam đã có 156 hội thành viên, gồm 63 Liên hiệp Hội ở các địa phương, 93 hội ngành toàn quốc, gần 600 tổ chức khoa học và công nghệ, hình thành một mạng lưới tổ chức thành viên trực thuộc rộng khắp cả nước đa ngành, đa lĩnh vực.
Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp thu hút được khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức trong cả nước.
“Cùng với sự phát triển của dân tộc ta thì đội ngũ trí thức cũng ngày càng trưởng thành, phát triển không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, nhờ tích cực tham gia xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Liên hiệp Hội Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, được Đảng và nhà nước đánh giá cao,
Trong đội ngũ đó có rất nhiều tấm gương sáng, có nhiều đóng góp lớn lao cho đất nước và dân tộc, như GS.VS, anh hùng Trần Đại Nghĩa, GS Tôn Thất Tùng, GS Tạ Quang Bửu, GS Hà Ngọc Trạc, GS.VS Vũ Tuyên Hoàng…
Liên hiệp Hội cần làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu, tư vấn, phản biện
Trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn các tổ chức KHCN, đội ngũ trí thức KHCN nước ta, đặc biệt là trí thức, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam cần nỗ lực phấn đấu, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa, có hiệu quả cao hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963 - 18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983 - 26/3/2023). Ảnh: Nguyễn Hải. |
Liên hiệp Hội Việt Nam cần chủ động tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác vận động trí thức trong tình hình mới, thể hiện rõ vai trò chủ công của mình trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết và phát huy tối đa tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Liên hiệp Hội Việt Nam và đội ngũ trí thức cần tiếp tục làm tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực. Phối hợp chính quyền, đoàn thể, mặt trận thực hiện tốt các nghị quyết về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật với các chỉ tiêu cụ thể. Thu hút, trọng dụng, sử dụng đãi ngộ và tôn vinh tri thức, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức không ngừng lớn mạnh, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, có cơ cấu phù hợp, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ hội nhập.
Liên hiệp Hội Việt Nam cần có kế hoạch bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức một cách hợp lý; có chính sách thu hút trí thức trẻ được đào tạo chính quy thực sự có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức tham gia hoạt động trong các viện nghiên cứu, nhà trường và doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Liên hiệp Hội Việt Nam từ Trung ương tới địa phương tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức hoạt động và đóng góp cho sự phát triển đất nước. Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn và các cấp ủy Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho trí thức truyền bá kiến thức, hướng dẫn quần chúng nhân dân tiến quân vào khoa học và công nghệ để giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường...
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Lễ Kỷ niệm. |
Làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, giáo dục tư tưởng đối với đội ngũ trí thức để anh chị em nhận thức sâu sắc hơn nữa vinh dự và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với nhân dân; nỗ lực đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành thật tốt trọng trách của mình; tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trí thức; động viên anh chị em có nhiều đóng góp tâm sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc sự bình yên của nước nhà.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư gửi lời chúc tới các trí thức, các nhà khoa học sức khỏe dồi dào, thành công trong công tác, hạnh phúc trong cuộc sống. “Và xứng đáng là nguyên khí của quốc gia - những người làm hưng thịnh cho đất nước, làm rạng rỡ cho dân tộc và làm vẻ vang cho giống nòi”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.