Tìm đến dịch vụ vì sự nghi ngờ
Cuối tháng 2.2023, vì nghi ngờ chồng mình có mối quan hệ bên ngoài, do không biết sử dụng điện thoại thông minh, nên bà N.T.P (Hoài Đức, Hà Nội) đã nhờ cháu gái là chị N.D.L (Hà Đông, Hà Nội) tìm cách đọc trộm tin nhắn của chồng. Chị L đã lên mạng tìm được một tài khoản có tên Nguyễn Văn Đạt và liên hệ qua zalo.
Chị L cho biết: “Ban đầu, họ ra giá 1.500.000 đồng, tôi mặc cả xuống 700.000 đồng, nhưng sau đó người cung cấp dịch vụ tăng thêm 200.000 đồng để mua công cụ phá bảo mật 2 yếu tố trong tài khoản đọc trộm. Do muốn đọc tin nhắn nhanh chóng, tôi đồng ý”.
Sau khi ra giá thành công, chị L được yêu cầu chuyển khoản trước nhưng vừa thanh toán thành công thì tài khoản Nguyễn Văn Đạt đã chặn mọi liên lạc của chị L từ zalo qua số điện thoại.
Còn anh L.C (Thanh Trì, Hà Nội) tìm đến tài khoản Hồng Đức để có thể đọc trộm được tin nhắn của người yêu mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dịch vụ, tài khoản Hồng Đức đã đăng nhập vào toàn bộ facebook và zalo của anh L.C để vay tiền khắp nơi. Khi nhận thấy hành vi bất thường anh L.C đã phản hồi ngay nhưng tài khoản Hồng Đức không thừa nhận và chặn lại anh L.C.
Sau khi bị lừa, ngoài việc công khai thông tin tài khoản trực tiếp lên mạng xã hội thì những nạn nhân đều không biết tìm ai để giải quyết. Thậm chí, có người còn sẵn sàng bỏ thêm tiền để hậu tạ cho ai tìm được chủ tài khoản lừa đảo. Chị K.V (Hà Nội) đăng dòng trạng thái kèm hình ảnh tài khoản lừa đảo lên nhóm cảnh báo: “Hello chủ tài khoản, 1-2 triệu đồng không thành vấn đề, kêu chuyển khoản xong mới làm, nếu ai biết số tài khoản báo dùm, có hậu tạ. Sẵn sàng bỏ số tiền để tìm ra mặt mũi tên lừa đảo này”.
Đủ loại chiêu trò lừa đảo
Chỉ cần nhập dòng chữ “đọc trộm tin nhắn” trên công cụ tìm kiếm, người có nhu cầu sẽ được đưa đến hàng chục nhóm với hình thức công khai và bán công khai. Những hội nhóm này với số lượng thành viên khá lớn, có nhóm lên đến 100.000 thành viên. Để được vào nhóm, người tham gia sẽ phải trả lời câu hỏi liên quan đến quy tắc giao dịch. Trong quá trình mua - bán, hai bên sẽ phải thông qua quản trị viên. Đáng nói, tuy cung cấp "dịch vụ đọc trộm tin nhắn" riêng tư nhưng các đối tượng lại quảng cáo công khai trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, zalo, Telegram... với cam kết dịch vụ “bảo mật, an toàn, uy tín”.
Để người có nhu cầu dễ dàng tìm đến mình, có tài khoản nhận đọc trộm tin nhắn còn trang bị thêm đường dây nóng.
Trong vai người có nhu cầu, PV liên hệ trực tiếp với tài khoản facebook có nick name HQV. Tài khoản này giới thiệu phương thức đọc trộm tin nhắn thông qua phần mềm, ngắt hết cảnh báo khi đăng nhập nên đảm bảo an toàn. Người này cho hay: “Tài khoản bị đọc trộm vẫn sử dụng bình thường mà không bị phát hiện, làm xong sẽ có tài khoản và mật khẩu cho bạn đăng nhập. Việc hack dò chỉ để biết mật khẩu hiện tại chứ không phải đổi mới”. Thậm chí, khi liên hệ với một tài khoản khác có tên HĐ, dịch vụ không chỉ dừng lại ở việc đọc trộm tin nhắn mà còn có thể đổi luôn tài khoản của người khác thành của mình với giá 2 triệu đồng bằng mật mã riêng, không sợ bị phát hiện. Mức giá chung là 500.000 đồng, cao cấp sẽ là 1 triệu đồng. Tùy vào độ khó, sẽ cần thời gian từ 5 - 7 giờ để thực hiện.
Phía cung cấp dịch vụ cho biết: “Facebook cá nhân có trên 100.000 người theo dõi và tài khoản tích xanh không thể can thiệp nhưng nếu số lượng người theo dõi là ảo, vẫn có thể đọc trộm bình thường”.
Để khách hàng tin tưởng, không ít tài khoản ảo được lập ra để tự quảng cáo tên tuổi cá nhân với nội dung giới thiệu phổ biến: “Ai cần hỗ trợ gì hãy liên hệ ngay với anh… cam kết giá rẻ uy tín 100%”. Nếu "khách hàng" còn lưỡng lự, tài khoản cung cấp dịch vụ liên tục đưa ra cảnh báo lừa đảo, bóc phốt tài khoản khác: “Nếu qua chỗ khác làm thì hãy né những cái tên và số điện thoại sau đây kẻo tiền mất tật mang...” - tài khoản HQV chia sẻ.
Xâm phạm bí mật đời tư
Luật sư Dương Lê Ước An (Chủ tịch Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát) cho biết: “Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Việc thu thập, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Người thuê đọc trộm tin nhắn xâm phạm quyền bí mật đời tư là vi phạm pháp luật”.
Đối với hành vi trực tiếp thực hiện các công cụ công nghệ để can thiệp đọc trộm tin nhắn mà không được sự đồng ý, người vi phạm có thể bị phạt hành chính với mức phạt lên đến 20 triệu đồng theo Điều 102, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 2.2.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin quy định.
“Đối với hành vi lừa đảo tiền cọc Nghị định 167/2013/NĐ-CP sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm” - luật sư An cho biết.