Thượng tướng Lê Chiêm lên tiếng về phát ngôn 'cán bộ chia lương khô cứu trợ'

Bên hành lang Quốc hội chiều 23/10, Thượng tướng Lê Chiêm giải thích rõ hơn phát ngôn “một số cán bộ cơ sở chia nhau lương khô cứu trợ làm quà”. Theo ông, đây là lời nói chung chứ không phải địa phương nào, để tất cả hàng hóa của nhân dân, Nhà nước, quân đội phải được chuyển tới người bị thiệt hại đang cần chứ không phải cấp cho người khác.

“Đây là cảnh báo”

Thưa ông, phát ngôn “một số cán bộ cơ sở chia nhau lương khô cứu trợ làm quà” của ông vừa qua được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh cả nước đều đang hướng về miền Trung, ủng hộ miền Trung vượt qua mưa lũ. Ông có thể giải thích rõ hơn?

Tôi là dân miền Trung, việc cứu hộ, cứu nạn ở địa bàn miền Trung tôi trực tiếp theo dõi, chỉ đạo rất nhiều cấp, từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp quân khu và Bộ Quốc phòng. Các lần giải quyết nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn sau những đợt bão lụt, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là quân đội đã tham gia tích cực, từ cơ sở vật chất đến lực lượng, con người, phương tiện có mặt kịp thời để tham gia cùng lãnh đạo chính quyền địa phương và các đơn vị để cả hệ thống chính trị tham gia cứu hộ cứu nạn, giúp nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả.

Cái này được nhân dân đánh giá rất tốt. Nhưng vấn đề rút ra là việc đưa hàng cứu trợ đến người dân có nơi có lúc không tổ chức chặt chẽ, không đến nơi đến chốn, hàng không đến người dân, thời gian chậm, chất lượng thấp. Hai là sử dụng hàng hóa ở một số địa phương là không đúng mục đích. Sử dụng đưa vào kho dự trữ rồi sau hết đợ lũ lụt đó mới đưa ra, lúc đó không hiệu quả, không có tác dụng, đồng thời hàng hóa xuống cấp. Cấp phát cho dân thế là không tốt.

Vấn đề nữa là có nơi một số người đi làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn sử dụng hàng đó không đúng mục đích, ví dụ lấy một số hàng hóa chuyển đến nơi không đúng đối tượng, sử dụng cho đối tượng khác cho lực lượng đó. Ví dụ lương khô sử dụng cho cán bộ làm quà, bánh kẹo sử dụng cho các nhiệm vụ khác. Rồi hàng cao cấp không được chuyển đến nơi cần nhất là người dân bị thiệt hại. Cái này cần khắc phục.

Qua khảo sát của chúng tôi, hiện hàng hóa ứ đọng lại rất nhiều, đặc biệt là hàng hóa của các địa phương khác đưa tới Quảng Trị, Quảng Bình. Hàng hóa ứ đọng không vận chuyển được đến nơi người dân cần, lý do không có phương tiện và phương pháp thực hiện không khoa học, các tổ chức của các địa phương chưa có lực lượng tiếp nhận, phân phối hàng kịp thời.

Thời gian tới đề nghị địa phương chú ý, dân cần nhất là nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt, thuốc men phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm đời sống lâu dài cho họ, đó là nhà cửa, phương tiện đi lại, đảm bảo thóc giống và các vật nuôi, cây trồng để đời sống nhân dân nhanh chóng được khôi phục. Đặc biệt không để dịch bệnh xảy ra với người và gia súc, gia cầm ở địa phương.

Chuyện lấy lương khô cứu trợ chia, làm quà cho cán bộ cơ sở, cụ thể ở địa phương nào?

Tôi là người tham gia khắc phục hậu quả lũ lụt ở nhiều cấp, nhiều năm, tình trạng đó xảy ra là có. Tôi không nói cụ thể địa phương nào vì tôi làm nhiệm vụ khắc phục từ khi còn là cán bộ tỉnh, quân khu và khi ra Bộ Quốc phòng.

Đây là vấn đề cảnh tỉnh và chấn chính ngay đối với cán bộ cơ sở, kể cả lực lượng vũ trang, chứ không riêng gì lực lượng vũ trang. Đây là tôi nói chung chứ không phải địa phương nào để tất cả hàng hóa của nhân dân, Nhà nước, quân đội phải được chuyển tới người bị thiệt hại đang cần chứ không phải cấp cho người khác.

Tại thời điểm mưa lũ năm nay đã xảy ra hiện tượng như trên chưa?

Đến bây giờ chưa phát hiện ra, nhưng đây là cảnh báo. Chúng tôi cũng rút ra bài học sau các đợt lũ lụt đều có tình trạng đó, bớn xén chế độ, hàng cứu trợ. Cho nên đây là lời cảnh tỉnh, cho nên lãnh đạo các địa phương phải có trách nhiệm ngăn chặn ngay để hàng hòa phải đến người dân được hưởng.

Trực thăng sẵn sàng chuyển hàng cứu trợ

Trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng đã sử dụng trực thăng. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả cứu trợ qua các chuyến bay này?

Hiện hàng hóa biện trợ đang được chuyển lên máy bay để sẵn sàng cứu trợ ở những nơi cần thiết. Ở sân bay Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Nghệ An, trực thăng của Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng để làm nhiệm vụ đó. Lực lượng quân đội lúc nào cũng sẵn sàng, nhưng trực thăng cứu trợ phải trong điều kiện thời tiết cho phép, còn khi thời tiết phức tạp thì rất khó.

Với các địa bàn hiện còn bị cô lập do nước lũ, phương án đưa trực thăng tiếp cận để chuyển hàng cứu trợ được Bộ Quốc phòng tính toán như thế nào?

Chúng tôi chưa thống kê hết các địa bàn bị cô lập, nhưng các địa phương nắm rất chắc. Vẫn còn nhiều nơi trong tình trạng này, như hôm qua ở Tây Giang (Quảng Nam) còn 3 xã chưa tiếp cận được, rồi Nghệ An, Hà Tĩnh mỗi tỉnh còn 4-5 xã.

Trong mưa lũ chỉ có thể tiếp cận bằng đường hàng không, nhưng nếu thời tiết không tốt cũng không dám bay. Trong khi đó, tàu thuyền chạy cũng rất khó khăn, phải đảm bảo an toàn mới tiếp cận được.

Hôm nay (ngày 23/10 - PV) thời tiết có nắng nên tất cả phương tiện có thể sẽ tiếp cận được vùng bị cô lập. Trong ngày hôm nay có 4-5 chuyến máy bay tiếp cận, đưa hàng viện trợ để kịp thời cung cấp lương thực thực phẩm, đảm bảo người dân không bị đói, rét.

Theo Luân Dũng/Tiền Phong

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN