Thủ tướng sẽ quyết danh sách nhà thầu cao tốc Bắc - Nam

Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trước khi Bộ GTVT thực hiện chỉ định thầu.

Sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025), Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai nối thông tuyến cao tốc này.

Nhiều cơ chế đặc thù nhưng phải… tiết kiệm

Theo đó, dự thảo nghị quyết của Chính phủ cho phép Bộ GTVT và các địa phương được thực hiện chỉ định thầu trong năm 2022-2023 đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư; chỉ định thầu xây lắp các dự án thành phần kèm theo yêu cầu tiết kiệm 5% giá trị dự toán gói thầu. Riêng với các gói thầu xây lắp, Bộ GTVT phải báo cáo Thủ tướng chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu trước khi thực hiện chỉ định thầu.

Thu tuong se quyet danh sach nha thau cao toc Bac - Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ hầm Núi Vung thuộc thành phần dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ảnh: TTXVN

Để giải quyết việc thiếu vật liệu làm chậm dự án, nghị quyết Chính phủ cũng dự kiến cho phép các bộ, ngành, địa phương được áp dụng cơ chế đặc thù như giai đoạn 1 của dự án này. Cạnh đó, không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cấp giấy phép môi trường khi quyết định nâng công suất nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.

Với các khu vực khoáng sản mới nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, các địa phương chỉ cấp cho nhà thầu thi công thực hiện dự án. Trong năm 2022-2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản và được khai thác mỏ khoáng sản đến khi hoàn thành dự án.

Về công tác GPMB, dự thảo nghị quyết giao Bộ GTVT hoàn thành việc cắm mốc trước ngày 30-6 để giao cho địa phương thực hiện việc thu hồi đất. Các địa phương được phép triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện việc thu hồi đất, tái định cư… đảm bảo bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20-11 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II-2023.

Thận trọng lựa chọn nhà thầu

Đại diện Bộ GTVT cho biết việc chọn được nhà thầu mạnh, có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia thực hiện dự án là yếu tố quan trọng, quyết định đến tiến độ, chất lượng công trình. Do vậy, Bộ GTVT sẽ tổ chức đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu và báo cáo Thủ tướng.

Về việc chỉ định thầu tư vấn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định ngành giao thông có bài học từ dự án cải tạo và nâng cấp các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài nên tự tin việc chỉ định thầu tư vấn không ảnh hưởng gì đến dự án.

“Chúng ta chỉ định thầu nhưng đưa ra “hàng rào kỹ thuật” đó là hồ sơ yêu cầu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các tư vấn. Tư vấn nào đáp ứng được sẽ đưa vào danh sách để lựa chọn và ngược lại... Nên tôi khẳng định chỉ định tư vấn không thua đấu thầu mà còn rút ngắn thời gian và đảm bảo các yêu cầu…” - ông Thể nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng cho biết hiện nay Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước đang bám sát với Bộ GTVT từ khâu lập dự án, đấu thầu đến thi công để đảm bảo chất lượng các công trình. Vì vậy không có đơn vị nào dám làm ẩu, vì người làm ẩu không ngủ được, cho dù dự án hoàn thành sau 10-15 năm vẫn phải chịu trách nhiệm.

“Ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn đều đã được họp quán triệt, phải làm nghiêm túc. Chất lượng từng lớp đường phải đảm bảo quy trình. Hiện nay công tác giám sát gồm nhiều đơn vị, chúng tôi cũng giao cho ban quản lý dự án, tư vấn trách nhiệm nặng nề để giám sát chặt chẽ…” - ông Thể nói.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng, hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về các đề xuất của Bộ GTVT.•

Ngày 11-1, Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. Theo đó, dự án đi qua địa phận 12 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) với chiều dài khoảng 729 km

Theo VIẾT LONG/PLO

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN