Tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn châu Á - Thái Bình Dương sẽ ổn định trong năm con Hổ 2022 này, theo đánh giá của Tập đoàn nghiên cứu tài chính Moody’s (Mỹ).
Muốn làm kinh tế phải mở cửa
Theo trợ lý phó chủ tịch của Moody’s - nhà phân tích Nishad Majmudar, sự phục hồi dần dần về mức sản lượng trước đại dịch ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ phản ánh sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế. Điều này đạt được nhờ tổng hòa các yếu tố: Tỉ lệ tiêm chủng tăng, việc duy trì hỗ trợ về tiền tệ hoặc tài khóa, nhu cầu chi tiêu mạnh từ các hộ gia đình, dự trữ hàng tồn kho, tăng chi tiêu vốn toàn cầu.
Theo đánh giá của Moody’s, chênh lệch tăng trưởng trong khu vực và giữa các lĩnh vực sẽ vẫn còn rõ rệt với sự khác biệt trong quản lý đại dịch, tỉ lệ tiêm chủng và xu hướng dài hạn của mỗi quốc gia.
Mức tăng trưởng và các điều kiện tín dụng sẽ phụ thuộc vào năng lực của các quốc gia trong việc kiểm soát các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và thích ứng khi COVID-19 trở thành bệnh dịch đặc hữu. Những điều này cũng phụ thuộc vào khả năng của các nhà hoạch định chính sách trong việc duy trì hỗ trợ tiền tệ hoặc tài khóa giữa áp lực lạm phát và vào mức độ phục hồi du lịch quốc tế.
Ngân hàng Thế giới ước tính kinh tế Myanmar khả năng chỉ tăng trưởng 1% trong năm tài khóa 2022, sau khi mất 18% trong năm tài khóa 2021, lý do chính vì đại dịch và chính biến. Ảnh: MODERN DIPLOMACY
Nước nào mở cửa trước nước đó có lợi thế
Lợi thế kinh tế sẽ được xây dựng thông qua việc kết nối với thế giới, thúc đẩy tăng trưởng và xây dựng khả năng phục hồi trong nước. Đây là nhận định của GS Mireya Solís - chuyên gia về chính sách kinh tế đối ngoại, chính sách thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong bài viết trên trang web Brookings.edu của Viện Chính sách Brookings (Mỹ). Bà Solís hiện là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á, thành viên cấp cao trong chương trình Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings.
Theo GS Solís, các cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ chỉ có thể định hình trật tự kinh tế khu vực theo hướng mong muốn khi vẫn duy trì được mạng kinh tế sôi động tạo ra cơ hội tăng trưởng cho chính mình và những nước khác. Các nước cũng cần có khả năng khai thác sự cởi mở để nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời xây dựng khả năng chống chịu các cú sốc bên ngoài.
Bà cho rằng “lá bài chiến thắng” giúp các nước vượt qua cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này là phải có sự lãnh đạo sáng suốt, bỏ qua tư lợi hẹp hòi, khôi phục chuỗi cung ứng, cung cấp hàng hóa công cộng. Đây là những yếu tố rất có sức nặng trong cuộc chạy đua giành ưu thế kinh tế đang diễn ra và kết quả vẫn chưa được quyết định.
Cũng theo GS Solís, vào thời điểm không chỉ các biên giới mà tầm nhìn của hầu hết các nước vẫn nghiêng về hướng đóng cửa thì thật khó để có thể chỉ ra trường hợp cởi mở nào ở châu Á - khu vực năng động nhất thế giới đã và đang quay cuồng với hai năm đại dịch chưa có hồi kết.•
Vẫn còn nhiều rủi ro hậu đại dịch
Theo Moody’s, rủi ro từ đại dịch và các xu hướng dài hạn khác sẽ vẫn còn. Với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, bất kỳ sai lầm chính sách nào trong nỗ lực của nước này nhằm kiềm chế tác động của suy thoái khu vực bất động sản và giải quyết bất bình đẳng về thu nhập và xã hội có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế của nước này, kéo theo những hệ lụy đối với kinh tế khu vực, Moody’s cảnh báo.
Bên cạnh đó, tự động hóa, cấu hình lại chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị ở các vùng trong khu vực sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực công nghệ và sản xuất. Chuyện tăng cường tập trung vào việc trung hòa carbon cũng sẽ có tác động tiêu cực đối với các nền kinh tế xuất khẩu của khu vực.
|