Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA nhiệm kỳ 2015 - 2020 - một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa trí thức với Đảng và giữa Đảng với trí thức. Nhiệm kỳ vừa qua, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về tổ chức với hệ thống từ TƯ đến các tỉnh thành, trực thuộc TƯ. Đến nay, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đa tập hợp trên 3,7 triệu hội viên, hoạt động trong 152 hội thành viên, trong đó có 89 hội khoa học kỹ thuật toàn quốc, 63 Liên Hiệp Hội ở các tỉnh thành phố trực thuộc TƯ, cùng với gần 1000 tổ chức khoc học và công nghệ trực thuộc.
Công tác chính trị, tư tưởng, bồi đắp khơi dậy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, tinh thần cộng đồng, tính trung thực và đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ trí thức luôn được coi trọng.
Liên hiệp Hội ở các cấp đã tích cực truyền thông, phổ biến kiến thức thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học và công nghệ trong nhân dân. Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng nhiều chủ trương, đường lối, chính sách. Tổ chức tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, bảo đảm khách quan, khoa học đối với những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng lớn sự phát triển kinh tế xã hội.
Liên hiệp Hội tham gia tích cực công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, các hoạt động giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo và phát triển cộng đồng. Tôn vinh trí thức, các điển hình tiên tiến, khơi dậy tiềm năng và khát vọng đổi mới sáng tạo trong đội ngũ trí thức, khoa học và công nghệ.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao sự tham gia của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam trong các phong trào thi thua đo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động tổ chức.
5 năm qua, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ và tích cực trong việc đánh giá, lựa chọn các công trình khoa học xuất sắc.
Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cũng đã tham gia giám sát chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế, việc thực hiện chính sách pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, việc thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TƯ khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo cũng như các hội nghị phản biện do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
“Tin tưởng Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam sẽ phát huy tốt truyền thống đoàn kết và những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Đồng thời, tham gia tích cực hơn nữa về giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả các phong trào các cuộc vận động thi đua yêu nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng nhân dân cả nước xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, ông Phùng Khánh Tài nói.
8h45: Ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam trình bày báo cáo chính trị của Hội đồng Trung ương khóa VII trình Đại hội VIII.
Báo cáo chính trị nêu rõ, Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức trong bối cảnh vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được khẳng định và nâng cao, ngày càng dành được sự ủng hộ, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.
Báo cáo nhấn mạnh, trong 5 năm qua Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vận động, tập hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức KH&CN ở trong nước và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức nhiều hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao và đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào việc củng cố, phát triển đội ngũ trí thức và các hội của trí thức, góp phần ổn định tình hình chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Báo cáo nêu bật kết quả hoạt động của Liên hiệp Hội nhiệm kỳ 2015-2020. Cụ thể, Liên hiệp Hội Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, có hệ thống từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam Phạm Văn Tân trình bày báo cáo chính trị của Hội đồng Trung ương khóa VII trình Đại hội VIII. |
Đến cuối nhiệm kỳ, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam có 152 hội thành viên (tăng 12 hội ngành thành viên so với đầu nhiệm kỳ). Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố tiếp tục được củng cố, kiện toàn; quy mô và cơ cấu tổ chức của các Hội ngành toàn quốc không ngừng được mở rộng (cùng với hội, tổng hội còn có các hiệp hội tham gia là hội thành viên). Hệ thống tổ chức KH&CN trực thuộc Đoàn Chủ tịch cũng tăng lên mạnh mẽ tới 570 đơn vị.
Toàn hệ thống Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam có 1 nhà xuất bản (Nhà xuất bản Tri thức); 1 Quỹ hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam - Vifotec; 113 cơ quan báo chí (tăng 9 cơ quan báo chí so với đầu nhiệm kỳ); riêng Liên Hiệp Hội ở Trung ương có 4 cơ quan báo chí và đang thực hiện quy hoạch báo chí thành 01 tờ báo với tên: “Tri thức và Cuộc sống” theo Quyết định 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn, thu hút được trên 3,7 triệu hội viên (tăng 900.000 hội viên so với đầu nhiệm kỳ), trong đó có khoảng 2,2 triệu trí thức (tăng 0,9 triệu trí thức so với đầu nhiệm kỳ).
Tổ chức bộ máy của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phát triển, mở rộng địa bàn, phạm vi, lĩnh vực hoạt động. Số hội thành viên, đơn vị KH&CN, tổ chức đảng đoàn, chi bộ, đảng viên, trí thức trẻ tham gia Liên hiệp Hội Việt Nam ngày càng tăng, chứng tỏ Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội có uy tín đối với trí thức KH&CN.
Báo cáo cũng nêu rõ việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhằm tập hợp, đoàn kết và vận động trí thức KH&CN.
Cụ thể, Liên hiệp Hội ở Trung ương và địa phương thường xuyên tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các nhà khoa học, các hội viên, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đội ngũ trí thức.
Về công tác vận động trí thức, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã thực hiện nhiều hình thức phù hợp và có hiệu quả: tuyên truyền, gặp gỡ, thăm hỏi, động viên trí thức KH&CN; tổ chức tặng quà của Ban Bí thư cho 1.280 lượt trí thức tiêu biểu có khó khăn trong cuộc sống với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng (từ 2016-2020); tổ chức các đợt trao Huy hiệu tuổi Đảng cho 345 đảng viên thuộc Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam...
Từ năm 2015 đến nay, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã 3 lần tổ chức tôn vinh và trao biểu trưng Trí thức KH&CN tiêu biểu cho 445 trí thức thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam. Cơ quan Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương, nhiều hội thành viên và một số tổ chức KH&CN trực thuộc tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân văn hoá của dân tộc; tôn vinh các nhà khoa học có công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên các nhà khoa học lão thành tiêu biểu đã từng công tác hoặc đang công tác trong hệ thống Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam...
Hoạt động truyền thông và phổ biến kiến thức được thực hiện thường xuyên, liên tục ở hầu hết các hội thành viên trong hệ thống, có nhiều bước tiến và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thông qua gần 400 ấn phẩm báo chí, bản tin, hệ thống báo chí Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, giúp nâng cao dân trí, bảo đảm an toàn và cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã phối hợp và hỗ trợ trên một trăm lượt hội thành viên thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức tại đơn vị. Các Liên hiệp hội địa phương, hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc đã chủ trì, phối hợp tổ chức trên 40.000 hội thảo, tọa đàm, các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ báo chí, truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho hơn 13 triệu lượt người tham dự.
Thực hiện Quyết định số 362-QĐ/TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Liên hiệp Hội Việt Nam đã triển khai xây dựng Đề án Quy hoạch báo chí giai đoạn 2019-2020 theo hướng thành lập cơ quan báo mới lấy tên là “Tri thức và Cuộc sống”, 04 cơ quan báo hiện có (báo Khoa học và Đời sống, báo điện tử Kiến thức, báo Đất Việt, báo điện tử Tầm nhìn) trở thành các chuyên trang của cơ quan báo mới. Các cơ quan báo chí khác trong toàn hệ thống cũng đã hoàn thành việc triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch báo chí.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng Đề án Phát triển Hệ Tri thức Việt số hóa.
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tập hợp được đông đảo chuyên gia, trí thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau và đã thực hiện trên 3.000 nhiệm vụ tư vấn, phản biện, góp ý khách quan, thẳng thắn và kịp thời nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến chủ trương, chính sách, các dự thảo văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhiều dự án đầu tư trọng điểm có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức, Liên hiệp Hội Việt Nam được giao là một đầu mối tiến hành, trong 5 năm qua đã chủ động và tích cực triển khai được 37 diễn đàn với nhiều chủ đề khác nhau, được các cơ quan quản lý và các nhà khoa học quan tâm.
Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững luôn được Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam quan tâm, triển khai theo nhiều hình thức khác nhau. Trong giai đoạn 2015-2020, các Liên hiệp hội địa phương và hội ngành thành viên thực hiện trên 2.000 đề tài/dự án cấp cơ sở, trên 300 đề tài/dự án cấp bộ/tỉnh, hàng chục đề tài/dự án cấp nhà nước.
Về công tác xã hội hóa các hoạt động KH&CN, giáo dục và đào tạo, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe nhân dân, báo cáo cho thấy, Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương cùng với các hội ngành thành viên và các tổ chức KH&CN trực thuộc đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN, giáo dục và đào tạo, BVMT, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong nhiệm kỳ vừa qua.
Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, các Liên hiệp hội địa phương, hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc đã chủ động khai thác các nguồn lực để tổ chức hàng trăm khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các hội viên; tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng; tham gia xã hội hóa công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao năng lực cho trẻ em, thanh thiếu niên, người yếu thế, người nông dân.
Những hoạt động khuyến khích và thúc đẩy phong trào sáng tạo KH&CN Việt Nam, hoạt động hợp tác trong nước và quốc tế, công tác thi đua khen thưởng được chú trọng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế như: Địa vị pháp lý của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương là tổ chức chính trị - xã hội chưa đầy đủ; thiếu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ Trung ương về công tác tổ chức bộ máy, chế độ chính sách, các hoạt động đối với Liên hiệp hội địa phương; công tác quản lý, hỗ trợ cơ quan báo chí, xuất bản và tổ chức KH&CN chưa được quan tâm đúng mức; Các hội ngành thành viên và tổ chức KH&CN trực thuộc tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động còn hạn chế; Hoạt động của Liên hiệp Hội ở Trung ương, địa phương và các hội ngành thành viên chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh hiện có; Là tổ chức chính trị - xã hội, nhưng cơ cấu tổ chức bộ máy chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương với nhau; Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của các hội ngành thành viên và tổ chức trực thuộc còn khó khăn...
Về nhiệm vụ, giải pháp của Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA khóa VIII, báo cáo nêu rõ, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thúc đẩy thể việc chế hóa các văn bản của Đảng về Liên hiệp Hội Việt Nam; tiếp tục củng cố, kiện toàn phát triển tổ chức, làm tốt công tác hội viên; Nâng cao năng lực và đẩy mạnh thực hiện hoạt động chuyên môn như đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức, truyền thông kết quả hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động thực hiện và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chú trọng công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, tích cực tham gia tông tác xã hội hóa hoạt động KH&CN bảo vệ môi trường, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chú trọng hoạt động tôn vinh trí, khuyến khích và thúc đẩy sáng tạo KH&CN Việt Nam, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Cơ quan Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam - VUSTA, tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế.
Các đại biểu trình bày tham luận.