Tám dự án điện gió và điện mặt trời chốt giá điện tạm thời

Chủ đầu tư của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời trong số các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã thống nhất được giá điện tạm thời với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức chiều 18/5 vừa qua, liên quan đến giải pháp cung ứng điện trong cao điểm mùa nắng nóng năm 2023, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay chủ đầu tư của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời trong số các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã thống nhất được giá điện tạm thời với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khi các dự án này đáp ứng đầy đủ điều kiện sẽ được đưa điện lên lưới.

Ông Trần Việt Hòa cho biết, trong thời kỳ nắng nóng và mùa khô hàng năm, luôn phải đối mặt khó khăn về đảm bảo cung ứng điện. Thực tế nhiều hồ thủy điện thiếu nước, về mực nước chết và gây khó khăn cho vận hành, cung ứng điện.

Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương có nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng này với nhiều văn bản chỉ đạo cung ứng nhiên liệu cho than, khí cho phát điện.

Tam du an dien gio va dien mat troi chot gia dien tam thoi
Sớm có giá tạm thời cho dự án điện tái tạo không kịp hưởng giá ưu đãi.

Ngay trong tháng 5, Bộ đã tổ chức họp với các tập đoàn để có chỉ đạo cụ thể, với quan điểm nỗ lực cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội; thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện, cung cấp than cho phát điện, đàm phán nguồn điện gió, mặt trời chuyển tiếp để huy động nguồn điện, khắc phục các sự cố tại các nhà máy, thực hiện tiết kiệm điện… để giảm căng thẳng cung ứng điện.

Về huy động nguồn điện của các dự án năng lượng tái tạo, ông Hòa thông tin, đến nay Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, mặt trời được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các chủ đầu tư đàm phán với nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, khi các chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ quy định thì sẽ huy động lên lưới. Giá tạm thời chỉ là một yếu tố để đáp ứng tiêu chí về huy động nguồn điện lên lưới.

Tính đến ngày 10/5/2023, có 31/85 dự nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất chưa vận hành thương mại (COD) là 1.956,8MW đã nộp hồ sơ đàm phán mua điện với EVN.

Cụ thể, có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN; 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án; 5 dự án mới gửi hồ sơ đang được EVN rà soát.

Theo quy định của Luật Điện lực, dự án điện chỉ được đưa vào khai thác khi đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, theo hồ sơ nhà đầu tư gửi, mới chỉ có 13/85 nhà máy năng lượng chuyển tiếp (chiếm khoảng 15%) đã được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Trao đổi về việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng 3%, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đây là mức tăng thấp nhất theo quyết định 24 của Thủ tướng. Các đơn vị đã tính toán nhiều yếu tố tác động để ảnh hưởng thấp nhất đến kinh tế vĩ mô và đời sống kinh tế - xã hội.

Đối với việc thực hiện Quy hoạch điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc Chính phủ ban hành quy hoạch là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện nguồn và lưới điện trong thời gian tới.

Theo quy định của Luật Quy hoạch, danh mục dự án quan trọng và ưu tiên của ngành điện sẽ được quy định trong Luật Quy hoạch, do đó, với quy hoạch vừa được phê duyệt, bao gồm nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhà máy thủy điện vừa và lớn, các dự án lưới điện từ 220kV trở lên… đã có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Còn với nguồn năng lượng tái tạo, theo Cục trưởng cục Điện lực và NLTT, do quy mô nhỏ nên không được quy định trong Quy hoạch điện VIII, mà được xây dựng trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở các bước tiếp theo. Do đó sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách về nguồn năng lượng tái tạo, Luật Điện lực sửa đổi, Luật Năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện trực tiếp… nhằm hoàn thiện đầy đủ cơ sở chính sách triển khai thực hiện quy hoạch.

Minh Châu

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN