VietnamAirlines âm vốn chủ sở hữu 'khủng' thế nào?

Giai đoạn 2020 - 2022, VietnamAirlines (VNA) liên tiếp lỗ ròng, phải giảm 35-50% lao động không lương, mức lương bình quân giảm từ 45 triệu/tháng xuống còn 30 triệu/tháng...
Gánh nặng lương
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ LĐ-TB&XH về tình hình lao động, tiền lương, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) Lê Hồng Hà cho biết, giai đoạn 2018-2019, hãng sử dụng hơn 7.700 lao động. Giai đoạn 2020 - 2022, do ảnh hưởng dịch COVID-19, VNA phải giảm lao động, bố trí 35 - 50% số lao động nghỉ việc không lương, chỉ duy trì hơn 5.400 người; do lỗ liên tục nên quỹ lương của VNA giảm 38-51% so với thực hiện khi chưa có dịch.
Năm 2019 tiền lương bình quân người lao động của VNA hơn 45 triệu đồng/người/tháng; năm 2021 giảm còn hơn 29 triệu đồng/người/tháng; năm 2022 tình hình kinh doanh cải thiện hơn (dù còn lỗ) nên lương bình quân tăng lên 31 triệu đồng/người/tháng.
Lương phi công bình quân năm 2019 hơn 138 triệu đồng, năm 2021 còn 89 triệu đồng, năm 2022 lên 91 triệu đồng/người/tháng. Lương tiếp viên từ 24 triệu đồng xuống 15 triệu đồng và 18 triệu đồng/người/tháng; lao động mặt đất từ 29 triệu đồng xuống còn 19 triệu đồng và 17 triệu đồng/người/tháng.
Vấn đề “chảy máu” phi công cũng gây đau đầu VNA. Bất cập lớn nhất với hãng là lương phi công Việt chỉ bằng nửa chi phí thuê phi công nước ngoài, dẫn tới “chảy máu” phi công Việt. Từ năm 2020 tới nay, hãng trả cho 1 phi công nước ngoài đang cao hơn 2,5 tỷ đồng/năm so với trả cho 1 phi công Việt.
Bên cạnh đó, thời điểm trước dịch COVID-19, lương phi công Việt tại VNA thấp hơn hãng khác 13-30%, từ khi dịch COVID-19 xảy ra tới nay mức lương cho phi công giữa các hãng lại tăng lên.
Từ năm 2018 tới nay, có tới 154 phi công Việt rời VNA đi hãng khác. Với tốc độ phát triển đội máy bay mới của các hãng, mức lương không đổi, trong 3 năm tới, VNA có thể “mất” thêm 120-240 phi công Việt/năm (đa số là lái chính).
VietnamAirlines am von chu so huu 'khung' the nao?
Lợi nhuận sau thuế của VNA liên tục giữ con số âm - Ảnh minh họa, nguồn: VNA 
Âm vốn chủ sở hữu liên tiếp
Về hoạt động kinh doanh, giai đoạn 2018-2019, hãng có lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 2.500 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2022, do ảnh hưởng dịch COVID-19, VNA lỗ hợp nhất bình quân hơn 11.500 tỷ đồng/năm.
Mới nhất, tới thời điểm ngày 31/03/2023 tổng tài sản của VNA là 59.578 tỷ đồng. Trong khi đó tổng nợ phải trả lên tới 69.817 tỷ đồng, riêng nợ ngắn hạn là 54.779 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu VNA tại thời điểm 31/03/2023 ghi nhận là âm 10.239 tỷ đồng.
Lợi nhận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ Quý I/2023 ghi nhận lãi 1.959 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là lỗ 1.594 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt đồng kinh doanh 57,219 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước là âm 2.742 tỷ đồng.
3 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng gấp 3,5 lần, lên 366 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với đó, các khoản chi phí của VNA đều tăng mạnh, trong đó chi phí tài chính tăng 46% lên 773 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng vọt 187% 1.048 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 23% lên 482 tỷ đồng.
Dù vậy sau khi trừ đi các khoản chi phí lợi nhuận sau thuế VNA vẫn âm 37,336 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm 2022 là âm 2.685 tỷ đồng.
Tổng khoản thanh toán tiền nợ thuê tài chính tại thời điểm ngày 31/03/2023 của VNA cũng lên tới 13.698 tỷ đồng, trong đó nợ trong vòng 01 năm là 4.067 tỷ đồng, nợ trong vòng 02 năm trở lên là 9.471 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính trước kiểm toán Quý IV/2022, tại thời điểm ngày 31/12/2022 tổng tài sản của VNA là 60.578 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả lên tới 70.777 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thì âm 10.199 tỷ đồng.
Còn Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 cho biết, tổng tài sản doanh nghiệp này là 63.057 tỷ đồng nhưng nợ phải trả cũng là 62.533 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên tới 21.961 tỷ đồng.
Tới thời điểm hiện nay VNA vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022, với lý do là đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện, sắp xếp, ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra đơn vị kiểm toán cũng phải cần thêm thời gian để tiến hành thu thập, đối chiếu và đánh giá toàn diện thông tin liên quan để có thể hoàn thành kiểm toán báo cáo tài chính.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ra quyết định thông báo chuyển hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 12/5, bởi hãng bay này chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Theo quy định hiện hành, nếu Tổng công ty Hàng không Việt Nam tiếp tục trễ hẹn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm ngoái 45 ngày, cổ phiếu HVN sẽ bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.
Minh Quang

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN