Tai nạn xa xót của ngành y: Thai nhi bị đứt cổ vừa mới sinh

Tai nạn thai nhi bị kéo đứt cổ khiến dư luận vừa đau xót vừa lo lắng. Kết luận vụ việc còn đang là ẩn số, song những nguy cơ ngành y hiện hữu mà hậu quả hẳn không ai, cả y bác sĩ và người bệnh, mong muốn xảy ra.
Vụ việc bác sĩ kéo đứt cổ trẻ sơ sinh tại bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đang gây xôn xao dư luận và khiến nhiều người vô cùng đau xót trước sự việc trên.
Thai nhi trên là con của sản phụ Nguyễn Thị Tình (37 tuổi, trú tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Sáng ngày 30/6, sản phụ này có dấu hiệu chuyển dạ vào Bệnh viện huyện Đức Thọ. Trong quá trình chờ sinh và đỡ đẻ đã có diễn biến bất thường, thai nhi tử vong với tình trạng có “vết đứt xung quanh cổ đã được khâu lại”.
Ông Phạm Hồng Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cho rằng, trẻ sơ sinh này đã chết lưu trước đó khoảng 2-3 ngày.
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Minh Đức, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ cho biết, sau khi nhận được thông báo của ê-kíp đỡ đẻ về trường hợp sản nhi đầu đã ra ngoài nhưng thân và mông mắc kẹt trong mẹ nên tức tốc chạy lên.
Qua kiểm tra thấy đầu thai nhi trắng, có một số chỗ trượt da. Sau đó, bác sĩ Đức dùng tay thử kéo thì em bé bị đứt cổ và khẳng định, thai nhi đã tử vong trước đó.
Trước đó, hai nữ hộ sinh Hoàng Thị Định và Hoàng Thị Trinh đã kéo em bé này trước nhưng không được nên gọi bác sĩ Đức. Bác sĩ Đức sau đó đã khâu lại cổ cháu bé.
Tai nan xa xot cua nganh y: Thai nhi bi dut co vua moi sinh
 Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ. Ảnh: Vietnamnet.
Sự việc trên có nhiều điểm bất thường chưa được làm rõ đang gây tranh cãi trong dư luận. Thứ nhất, theo hộ sinh Hoàng Thị Trinh nói rằng, trong quá trình chờ sinh, sản phụ Tình được thăm khám, nghe tim thai 3 lần. Cả ba lần tim thai đều đập bình thường, dao động từ 118-130 lần/phút.
Tuy nhiên, sau đó, chính hộ sinh này lại cho rằng đã nghe nhầm tiếng nhịp tim và động mạch của thai nhi dẫn đến nhận định sai về việc em bé còn sống trong bụng.
Các chuyên gia, bác sĩ sản khoa cho rằng, điều này rất khó có thể xảy ra và gần như không thể. Bởi thai chết lưu mạch máu sẽ không thể hoạt động. Nên việc nhầm lẫn tiếng động mạch thành tiếng tim thai là rất khó.
Thứ 2, trường hợp thái chết lưu 7 ngày, nếu thai phụ được theo dõi chặt, thì rất dễ phát hiện thai không đạp, nước ối đục vả bẩn, chỉ cần kiểm tra nước ối là phát hiện bất thường.
Đặc biệt, khi siêu âm sẽ phát hiện tình trạng thai nhi chết lưu hay đang còn sống. Thiếu sót này của ekip cũng gây tranh cãi khi người nhà sản phụ cho rằng, bác sĩ thăm khám và cho biết cổ tử cung của sản phụ Tình đã mở 4 phân, tim thai và sức khỏe hoàn toàn ổn định, chờ sinh thường.
Điểm cần làm rõ thứ 3 là việc thai nhi sau khi sổ có dấu hiệu da đầu bị bong trợt, da bàn tay, bàn chân, bị bong tróc, phồng rộp; da bụng, da bìu bị bong trợt, hình ảnh của thai chết lưu trên 7 ngày khi bác sĩ Đức dùng tay kéo ra nên dẫn đến đứt cổ và khâu lại.
Tuy nhiên, khi thai chết lưu 7 ngày lại bị hoại tử, thối rữa như bệnh viện báo cáo trước đó thì có khâu lại cũng không được vì thịt đã mủn. Hơn nữa, khi thai nhi chết lưu, do mô bở, mềm, nếu bác sĩ kéo đứt cổ thì cần báo cáo cho giám đốc bệnh viện, người nhà và thực hiện giám định pháp y, thay vì khâu lại. Đó rõ ràng là sai sót trong việc ứng xử của nhân viên y tế khi hậu quả xảy ra.
Và một điểm lạ lùng, theo bác sĩ Nguyễn Minh Đức, người trực chính hôm đó lại là bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền, khoa răng - hàm - mặt. Giải thích điều này, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Phạm Hồng Cường cho biết, do bệnh viện thiếu bác sĩ khoa Sản, không còn cách nào khác nên để bác sĩ Nguyễn Hữu Quyền, khoa Răng - Hàm - Mặt trực chính ở khoa Sản và tham gia đỡ đẻ ca sinh của sản phụ Nguyễn Thị Tình.
Dư luận đặt câu hỏi, tại sao một khoa sản lại thiếu người đến nỗi phải phân công bác sỹ trực là bác sỹ chuyên khoa Răng Hàm Mặt, chưa từng làm sản khoa. Một bệnh viện mà không có bác sĩ sản trực trong ca là điều đau xót.
Ngay khi xảy ra sự việc trên bệnh viện đã tạm đình chỉ công tác đối với kíp trực và theo báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh, bệnh viện thừa nhận, việc thăm khám, theo dõi, chăm sóc của kíp trực không đúng quy trình của Bộ Y tế dẫn đến việc không phát hiện thai chết lưu trước khi vào viện.
Bác sĩ trực không chỉ định siêu âm thai dẫn đến không chẩn đoán được tình trạng của thai nhi. Hộ sinh không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo dõi chuyển dạ và đỡ đẻ thai lưu.
Hiện nay, Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh đang yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương làm rõ trách nhiệm, xử lý các cá nhân liên quan. Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cũng đã vào cuộc điều tra, làm rõ cái chết của trẻ sơ sinh với vết đứt bất thường trên cổ.
Sự việc trên rõ ràng là quá đau xót và hiếm khi xảy ra, để đánh giá về nguyên nhân cũng như mặt chuyên môn cần có những kết luận chuyên khoa song dư luận cần tỉnh táo và công bằng để y bác sĩ tĩnh tâm trong việc cứu người.
Bởi các tai nạn y khoa là điều không ai mong muốn xảy ra. Nỗi đau sự cố y khoa không chỉ người nhà bệnh nhân mà ngay các bác sĩ cũng vô cùng đau xót.
Sự cố y khoa không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế bởi thực tế nhiều người không hiểu biết đầy đủ đã có tâm lý bức xúc thiếu kiểm soát dẫn đến suy nghĩ lệch lạc về ngành y, thậm chí có các hành vi bạo lực với nhấn viên y tế.
Bản thân các bác sĩ liên quan đến sự cố y khoa thường trải qua cảm giác xấu hổ, hoảng loạn, sợ hãi, tội lỗi… làm tăng các sai sót trong nghề nghiệp, do sự mất tự tin của cán bộ y tế trong hành nghề. Thậm chí, nhiều bác sĩ đã gục ngã khi xảy ra sự cố y khoa.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh – điều dưỡng trưởng của Bệnh viện Việt Đức từng chia sẻ một câu chuyện khá đau lòng với báo chí về việc một bác sĩ của bệnh viện này rất tài giỏi, được đánh giá như đôi tay vàng của ngoại khoa Việt Nam.
Tuy nhiên, trong một lần mổ cho bệnh nhân, bác sĩ này đã để quên bông gạc trong bụng bệnh nhân sau khi mổ. Từ sau sự cố đó, người bác sĩ ấy rơi vào trạng thái sốc vì báo chí, dư luận cả nước cho rằng "bác sĩ vô trách nhiệm, bác sĩ làm ăn tắc trách" khiến bác sĩ bị sang chấn tâm lý nặng nề và sau đó gục nhã vì không chịu nổi áp lực sau tai biến rủi ro nghề nghiệp. Đang là bác sĩ chữa bệnh cứu người, anh trở thành bệnh nhân nằm liệt giường, vĩnh viễn không thể cầm dao mổ lần nào nữa.
Mỗi khi xảy ra sự cố y khoa, dư luận sẽ bị sốc khi tiếp nhận thông tin vụ việc như vụ việc sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 người chết. Trong vụ án này, dù bức xúc về vụ việc nhưng chính gia đình các nạn nhân và dư luận lại cảm thông cho bác sĩ Hoàng Công Lương và lên tiếng bảo vệ cho bác sĩ này.
Vậy nên, liên quan sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, dư luận cần bình tĩnh để đợi kết quả điều tra của cơ quan công an cũng như kết luận chuyên khoa từ cơ quan chức năng để đánh giá và có một góc nhìn đúng đắn về sự việc, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của các bác sĩ đang ngày đêm cứu người trên cả nước.
Thiên Nga

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN