Ngày 3/7, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên họp sơ thẩm xem xét đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm bà khỏi vị trí người đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên (Trung Nguyên IC) hồi đầu năm 2016.
Phiên họp do thẩm phán Thái Thị Hữu Xuân làm chủ tọa. Viện KSND tỉnh Bình Dương tham gia phiên họp là ông Trần Văn Bé. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) liên quan tới phiên xử trong vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Quan điểm trái ngược của luật sư ông Vũ, bà Thảo
Ngay từ đầu, đại diện của phía bà Thảo và ông Vũ nổ ra tranh luận gay gắt về các yêu cầu từ phía bà Thảo.
Cụ thể, luật sư Phạm Công Hùng (một trong những người bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo) đề nghị chủ tọa triệu tập thêm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cụ thể là đại diện Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương.
Luật sư cũng cho rằng một trong những yêu cầu của bà Thảo là yêu cầu hủy bỏ giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 8 đã không được đưa vào xem xét ở phiên họp là một sự thiếu sót.
|
Luật sư Phạm Công Hùng (bìa trái) - một trong những người bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo. |
Ông Hùng nói thêm, trong hồ sơ vụ án có 2 bản điều lệ của Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên và đều là bản photo, có nội dung hoàn toàn khác biệt, được thêm vào khác với chứng cứ cũ.
Luật sư Trương Thị Hòa (người bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ) cho rằng vụ án đã kéo dài 3 năm, việc bổ sung yêu cầu của bên bà Thảo cần phải nộp sớm để các bên có thời gian tham khảo chứ không phải sát ngày.
Luật sư Hòa nêu quan điểm yêu cầu triệu tập Phòng đăng ký kinh doanh, cơ quan này không liên quan trong vụ án. Bên cạnh đó, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 8 đã được giải quyết bằng bản án tòa cấp cao, có hiệu lực pháp luật.
Luật sư cho rằng các đề nghị của bà Thảo đưa ra không phù hợp, đề nghị chủ tọa không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên họp.
Tiếp lời, luật sư Bùi Quang Nghiêm (bảo vệ quyền lợi cho Trung Nguyên) nhấn mạnh không đồng ý đề nghị chuyển vụ án hay đề nghị hoãn của phía bà Thảo.
“Bà Thảo chỉ sở hữu 5% cổ phần trong khi luật quy định phải là 10%. Do đó, bà Thảo không có tư cách yêu cầu”, luật sư Nghiêm nêu quan điểm.
Luật sư Hoàng Anh Tuấn (đại diện cho bà Thảo) cho rằng dung đơn của phía bà Thảo đã bị nhận thức sai.
|
Luật sư Trương Thị Hòa (bìa phải, người bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ) |
“Khi chuyển đổi từ Công ty TNHH sang Công ty CP, tỷ lệ bà Thảo chiếm 12,5% chứ không phải 5% như nhận thức phía ông Vũ. Nếu tính từ ngày ban hành nghị quyết là một nhận thức sai lầm”, luật sư Tuấn nói.
Lúc này, thẩm phán Thái Thị Hữu Xuân cắt lời, cho rằng đây không phải phần đối đáp cũng không phải phần tranh luận, xác định đúng sai sẽ do tòa quyết định.
Đại diện VKS cho biết, về đơn khiếu nại để nghị chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra thì qua phiên tòa này mới xem xét, không thuộc phạm vi kiến nghị của bà Thảo. Hiện văn bản của ông Hưng nộp chưa có hiệu lực, nếu chuyển vụ án thì phải do chánh án ủy quyền.
VKS cho rằng đối với đơn đề nghị thu thập chứng cứ, nghị triệu tập đại diện Phòng đăng ký kinh doanh là không phù hợp và không có cơ sở.
Cuộc chiến pháp lý dai dẳng của vợ chồng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên
Tháng 11/2015, Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) bãi nhiệm chức Phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo. Đến tháng 3/2016, Trung Nguyên IC tổ chức họp Hội đồng quản trị tiếp tục bãi nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và người đại diện theo pháp luật của bà Thảo tại công ty này.
Ngày 21/4/2016, Trung Nguyên IC làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương để thay đổi nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 8 từ bà Thảo sang ông Vũ. Không đồng ý, bà Thảo kiện ra TAND tỉnh Bình Dương, yêu cầu hủy bỏ quyết định của Trung Nguyên IC vì cho là trái pháp luật và điều lệ công ty.
|
Bà Thảo khóc khi nói về ông Vũ |
Ngày 22/7/2016, TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do cần đợi kết quả giải quyết vụ án hành chính của TAND tỉnh Bình Dương về việc yêu cầu hủy quyết định hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.
Ngày 30/10/2017, TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án. Bởi TAND Cấp cao tại TPHCM đã xét xử phúc thẩm vụ án hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.
Ngày 10/11/2017, tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Cuối năm ngoái, TAND tỉnh Bình Dương tạm ngưng giải quyết vụ việc, theo đề nghị của bà Thảo, để giám định một số tài liệu bị cho là có dấu hiệu làm giả.
Liên quan việc tranh chấp các quyền và lợi ích của bà Thảo và ông Vũ tại Trung Nguyên, các cơ quan tố tụng đã và đang giải quyết tổng cộng 19 vụ kiện khác nhau.