Thảo luận cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội ngày 15/1, nhiều Đại biểu Quốc hội bày tỏ tán đồng các nội dung đã được chỉnh lý, đồng thời đóng góp vào nhiều nội dung cụ thể.
Nêu ý kiến về các quy định liên quan đến đất cho dự án nhà ở thương mại, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng quan điểm thống nhất của ông là sửa Luật Đất đai cần mở đường cho nguồn cung về nhà ở.
“Tại Điều 122 khoản 3 điểm b quy định muốn chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại phải có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác. Quy định đặt ra một hạn chế rất khó hiểu là phải có 1m2 đất ở trong diện tích dự án khi mới được làm. Còn nếu không có m2 nào thì không được.
Thiết nghĩ việc phân biệt giữa thị trường này là không cần thiết, không mang lại lợi ích công cộng nào. Vì thế, việc bỏ quy định này là biện pháp để tăng cung về nhà ở, giúp giảm giá nhà, giúp người dân có cơ hội tốt hơn để có được nhà ở thương mại”, Đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu.
Cùng quan tâm nội dung này, Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng các quy định với dự án nhà ở thương mại thông qua nhận chuyển quyền sử dụng đất vẫn còn rất bất cập. Khoản 1 điểm b Điều 127 quy định "Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại nếu có đất ở hoặc đất ở và đất khác", còn nhiều bất cập.
“ Trong khi đó đất người ta đã có nằm trong khu quy hoạch được phép xây dựng nhà ở thương mại, kết hợp với nhà ở hỗn hợp nhưng chúng ta không cho. Trong khi đó có những trường hợp người ta chỉ cần có 1m2 đất ở được thực hiện mà những tỷ lệ vài hecta không được thực hiện. Tôi đề nghị rằng phải xem xét lại, nên cho phép đối với những trường hợp này được chuyển mục đích sử dụng sử dụng đất và nhà đất tính thuế theo giá thị trường hiện nay, đảm bảo hài hòa và xây dựng cơ sở hạ tầng”.
Có những khoảng trống pháp luật
Theo Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Điều 79 quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và công cộng. Tuy nhiên khái niệm "vì lợi ích quốc gia" rất lớn, rất rộng; vừa là mục tiêu, mục đích, khái quát rất cao, tương tự khái niệm "công cộng.
“Với phạm vi rộng như thế, trong các điều khoản chúng ta lại quy định theo tính chất liệt kê. Ở đây chúng ta liệt kê gần 30 lĩnh vực được thu hồi đất. Với phạm vi mở rộng như thế, tôi cho rằng giữa tên điều với quy định như thế này chưa thống nhất. Do vậy, tôi đề nghị điều khoản này cần sửa đổi. Nếu chúng ta làm theo phương pháp liệt kê như thế này mà liệt kê chưa chắc đã đủ hết, cho nên nếu liệt kê thì có thể sẽ thiếu; có những chỗ quan trọng chúng ta lại không liệt kê vào”, đại biểu nói.
Về cụ thể, Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng cần xem xét lại khoản 27, Điều 79 quy định "Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư, xây dựng khu đô thị có chức năng phục vụ hỗn hợp" bởi lẽ: “Đã nói khu đô thị thì đã có hỗn hợp rồi, chỉ có công trình có công năng sử dụng phục vụ hỗn hợp chứ không có khu đô thị.
Khu đô thị gồm có đơn vị nhà ở, có đơn vị hạ tầng, có các đơn vị về thương mại, dịch vụ, có các đơn vị về giáo dục, y tế, xã hộ, phúc lợi, v.v.. Nói đến khu đô thị là đã có đầy đủ những hàm ý này. Cho nên, nếu như quy định như thế này có nghĩa tất cả những dự án nào được gọi là khu đô thị thì đều được cả. Quy định như thế này tôi cho là chưa đúng, phải có tiêu chuẩn, tiêu chí.
Có những khu đô thị hiện nay chủ yếu do chủ đầu tư trình duyệt; có những khu đô thị chỉ một vài hecta, có khu đô thị vài trăm hecta”, Đại biểu Hạ nói và cho rằng Nhà nước thu hồi với điều kiện để cho các dự án này đấu giá, đấu thầu để bảo tính công khai, minh bạch và tốt nhất.
Trong khi đó, Đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) cho rằng khoản 27 Điều 79 chưa phù hợp với với điều khoản khác trong dự thảo luật. “Khoản 27 Điều 79 quy định là chỉ có dự án thực hiện đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Như vậy nếu thực hiện theo khoản 27 Điều 79 như thế này thì rất nhiều dự án xây dựng khu đô thị không thỏa mãn tiêu chí của khoản 27 thì dự án này cũng không được đấu thầu hay là dự án sử dụng đất không phải đất ở thì không được phép thỏa thuận và cũng không được đấu thầu.
Vậy thì dự án đấy sẽ đưa ra bằng cách nào? Đương nhiên dự án này không phải giao trực tiếp và như vậy tôi cho rằng đây sẽ là một khoảng trống của pháp luật, có nhiều dự án sẽ không thể thực hiện được, không đấu thầu, không được thỏa thuận và cũng không phải giao trực tiếp. Chính vì vậy tôi đề nghị sửa lại theo hướng: “các dự án sử dụng đất thuộc đối tượng phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”.