Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, ngày 29/11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 2 nghị quyết quy phạm pháp luật và 7 luật bao gồm: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).
Quốc hội tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh. Việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có tính cấp thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế bổ sung, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, tại nghị quyết chung của kỳ họp, Quốc hội đồng ý cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành trong năm 2024 để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.
Nhấn mạnh năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...
Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh, gắn với nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh.
Ngoài ra, triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm…