|
Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh Vũ Sơn). |
Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long có đang làm trái quy định?
Dư luận đang đặc biệt chú ý đến thông tin một trong số nhà thầu (xin được giấu tên) tham gia gói đấu thầu vật tư y tế giai đoạn 2020-2021 do Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long làm chủ đầu tư, đặt nghi vấn rằng, phía Sở có gì đó “không trong sáng”, “tạo điều kiện”, chỉ định ngầm một nhà thầu trúng thầu khi có sự “sắp xếp” các nhóm hàng đấu thầu không theo “mảng miếng”, bất quy tắc?.
|
Gói thầu số 5 của Sở Y tế Vĩnh Long. |
|
Sở Y tế Vĩnh Long chỉ rõ Sản phẩm Đinh nội tủy hãng sản xuất là Sign ở gói 6.8.2, trong khi sản phẩm Đinh nội tủy chung chung ở gói 6.8.1. |
Dưới góc độ pháp lý của sự việc PV Kiến Thức đã liên hệ và có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla, Đoàn LSTP Hà Nội cho biết: Qua nghiên cứu riêng đối với hồ sơ mời thầu gói thầu số 5 - gói thầu “con” thuộc gói thầu “lớn” thuốc, vật tư y tế, vắc xin và sinh phẩm giai đoạn 2020-2021 (-PV) - có thể nhận thấy Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã có những vi phạm trong như sau:
Thứ nhất, lập danh mục sản phẩm mời thầu trái quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại hồ sơ mời thầu gói thầu số 5, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã thành lập danh mục mời thầu bao gồm các sản phẩm có mã số VTYT trích dẫn theo Thông tư số 04/2017/TT-BYT (sau đây gọi tắt là Thông tư 04). Điểm đáng chú ý là tại danh mục mời thầu này, hầu hết mỗi mã số VTYT đều được liệt kê với nhiều sản phẩm có tên gọi và thông số khác nhau.
Tuy nhiên khi đối chiếu với quy định của Thông tư 04 tại Phụ lục 01 danh mục vật tư y tế thì mỗi mã số VTYT lại chỉ được quy định tương ứng với duy nhất với một loại sản phẩm. Việc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long lấy căn cứ lập danh mục mời thầu là Thông tư 04 nhưng lại tự ý liệt kê thêm các sản phẩm không thuộc danh mục của Thông tư này có thể coi là hành vi cố ý sửa chữa nội dung văn bản và làm trái các quy định của cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về y tế là Bộ Y tế.
|
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VPLS Interla, Đoàn LSTP Hà Nội |
Bởi lẽ, căn cứ theo điểm d khoản 17 Điều 2 Nghị định số 75/2017/NĐ-CP thì Bộ Y tế là cơ quan có thẩm quyền cao nhất và duy nhất được xây dựng, ban hành quy định về bộ mã danh mục dùng chung trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh đồng nghĩa với việc Sở y tế tỉnh Vĩnh Long không hề có thẩm quyền trong việc này.
Như vậy, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã căn cứ vào văn bản nào khác do Bộ Y tế ban hành để xây dựng hồ sơ mời thầu hay thực chất đây là hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật - đưa các sản phẩm cụ thể vào hồ sơ mời thầu nhằm tạo lợi thế cho một nhà thầu nào đó?
Thứ hai, nêu yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng của sản phẩm mời thầu trái quy định của pháp luật.
Theo thông tin hồ sơ mời thầu được thành lập chỉ định theo sản phẩm của hãng Zimmer - Biomet mà không nêu tiêu chí đánh giá sản phẩm tương đương. Cụ thể, tại mã số VTYT N06.04.053 đối với “Khớp gối toàn phần” có thông số và yêu cầu kỹ thuật hoàn toàn dựa trên sản phẩm của hãng Zimmer - Biomet đã nêu đã gây ra sự khó khăn cho phần lớn các nhà thầu khi tham gia đấu thầu hạng mục này. Theo quy định của pháp luật, đây là hành vi trái quy định về hồ sơ mời thầu quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định Số 63/2014/NĐ-CP:
“… Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”, vị luật sư viện dẫn.
Không chỉ vi phạm quy định của pháp luật, hành vi hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác có thể đã gây thiệt hại thực chất đối với ngân sách Nhà nước mà cụ thể là Quỹ bảo hiểm y tế. Bởi theo quy định của Thông tư 04, Quỹ bảo hiểm y tế sẽ tiến hành thanh toán đối với sản phẩm “Khớp gối toàn phần” mã số VTYT N06.04.053 được lấy ví dụ nêu trên là 45.000.000 đồng/1bộ. Đồng nghĩa với việc ngầm chỉ định một sản phẩm có giá cao sẽ gây tổn thất cực kỳ lớn cho Quỹ bảo hiểm y tế và đi ngược lại với nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong đấu thầu.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Từ những phân tích trên, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, việc xây dựng hồ sơ mời thầu của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã có dấu hiệu cố ý vi phạm các hành vi bị cấm trong đấu thầu quy định tại khoản 6, Điều 89 Luật đấu thầu 2013:
“6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi sau đây: “(…i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;”
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017:
“Điều 222. Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng:
1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính177 về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
…đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;”
Trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
*Kiến Thức tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất về vụ việc