Mùa khô trên đảo Lý Sơn diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm. Trong quãng thời gian này, nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất luôn là nỗi “đau đầu” của người dân và chính quyền địa phương.
Hệ thống cấp nước chưa hiệu quả
Lý Sơn gồm 2 hòn đảo, đảo Lớn và đảo Bé. Hiện đảo Lớn có hàng nghìn hộ dân thiếu nước, nhiều hộ thiếu nước này phải sử dụng nước nhiễm mặn. Trên đảo Lớn, thôn Tây An Vĩnh là khu vực chịu nhiễm mặn nặng nề nhất, với gần 1.300 hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Riêng tại đảo bé, từ đầu năm đến nay, người dân phải mua nước ngọt từ đảo Lớn sang với giá khá cao. “Một can 20 lít phải mua với giá 20 nghìn đồng”, anh Đặng Văn Sâm, một người dân sống trên đảo Bé cho biết.
|
Nông dân Lý Sơn đang phải đối diện với sự thiếu nước cho tưới tiêu. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho rằng việc khai thác nước ngầm quá mức, vượt ngưỡng trữ lượng cho phép hơn 6.000 m3/ ngày đêm khiến cho nguồn nước ngọt trên đảo ngày càng cạn kiệt, gây nhiễm mặn và ô nhiễm tầng chứa.
Theo thống kê, nếu như năm 2014 toàn huyện chỉ có 546 giếng thì hiện tại đã tăng lên 2.149 giếng (939 giếng đào, 1.088 giếng khoan thủ công và 122 giếng khoan máy) với tổng lượng nước khai thác sử dụng khoảng 21.779 m3/ ngày đêm.
Như vậy, có thể thấy việc khai thác vượt ngưỡng cho phép của trữ lượng khoảng 3,5 lần. Từ năm 2016, chính quyền địa phương đã cấm việc tự khoan, đào giếng, nhưng tình trạng lén lút khoan, đào giếng vẫn diễn ra.
Một điều nữa khiến cho tình trạng thiếu nước ở Lý Sơn ngày càng nghiêm trọng, đó là các công trình cấp nước sinh hoạt nông thông tập trung chưa phát huy tính hiệu quả.
Hệ thống cấp nước trung tâm huyện được đầu tư xây dựng năm 2016, công suất thiết kế 1.000 m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.700 hộ dân nhưng công suất hoạt động trên thực tế chỉ có 147 m3/ngày đêm, cấp nước cho 600 hộ dân.
Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé được đầu tư xây dựng năm 2012, công suất theo thiết kế 200 m3/ngày đêm; thực tế hoạt động đạt 47% công suất thiết kế, cấp nước cho 98 hộ dân.
Trong khi đó, Dự án Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn” với thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2020, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Dự án có tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng này hiện đang dang dở.
|
Để tiết kiệm nước, không ít nông dân Lý Sơn đã sử dụng hệ thống tưới tự động. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Dự án 250 tỷ đồng thu gom nước mưa
Kết quả điều tra của Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi và Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Trung mới đây cho thấy, nước dưới đất trong tầng chứa nước bazan trên đảo Lý Sơn đã và đang có xu hướng tăng diện tích bị xâm nhập mặn. Nước mặn đã “xâm nhập” đến trung tâm đảo.
Đáng lo ngại, ngoài nhiễm mặn, nguồn nước còn bị nhiễm hàm lượng các chất có trong phân bón như nitrat và vi sinh ở nhiều nơi. Có mẫu nước khi phân tích, hàm lượng nitrat và vi sinh đều vượt chuẩn cho phép, lượng nitrat vượt quá ngưỡng cho phép từ 1,4 - 12,6 lần.
Ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho rằng giải pháp khả thi nhất là đầu tư xây dựng hệ thống kênh xung quanh đảo để thu, gom nước mưa vào các bể trữ tập trung. Dự án này có kinh phí dự kiến khoảng 250 tỷ đồng.
|
Một góc cánh đồng tỏi trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Lê Xuân Thọ |
Vị này cũng cho biết, hiện các đơn vị liên quan đang khảo sát việc đầu tư hệ thông kênh mương xung quanh đảo Lý Sơn để thu gom nước mưa vào các bể tập trung. Sở này sẽ trình UBND tỉnh Quảng Ngãi phương án kỹ thuật trong vài tháng tới.
Giới chức kỳ vọng hệ thống có thể thu gom hơn 1 triệu m3 nước mưa mỗi năm. Trong đó, 600.000 m3 nước làm nông nghiệp, thủy sản, số còn lại dùng cho sinh hoạt và phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, để thực hiện dự án này, cần phải giải quyết các vướng mắc về thủ tục, đất đai mới có thể thi công, vì Lý Sơn đã được phê duyệt huy hoạch.
Khi được hỏi, đa số người dân Lý Sơn đều đồng tình với việc tìm kế giúp đảo này thoát cảnh “khát nước”. Tuy nhiên, khi đề cập đến dự án thu gom nước mưa, họ tỏ ra còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả.
“Vì nhiều dự án lớn triển khai ở đây lâu nay ít hiệu quả, còn nhiều dở dang. Nên mong rồi chính quyền nên có sự nghiên cứu kỹ lưỡng tránh lãng phí tiền của”, một người dân cho hay.