Mới đây, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đưa ra nhận định về hiện tượng El Nino. Dự báo, El Nino khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023 với xác suất khoảng 70-80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024.
Để người dân có cái nhìn tổng quan hơn về hiện tượng El Nino và ảnh hưởng của nó đến thời tiết Việt Nam, PV đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia
PV: Xin ông cho biết, El Nino là gì và dự báo khi nào sẽ xuất hiện?
- “El Nino” là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện 3 - 4 năm 1 lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
Dự báo, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 (cuối tháng 5 sang đầu tháng 6) và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%.
PV: El Nino thường có ảnh hưởng như thế nào đến thời tiết Việt Nam?
- Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Trên thực tế, mới chớm hè ở miền Bắc và miền Trung (ngày 6/5 lập hạ), nhiều nơi đã phá kỷ lục nắng nóng 43,4 độ C ở Hương Khê (Hà Tĩnh) năm 2019. Trong đó, kỷ lục mới về nhiệt độ cao nhất lịch sử tại Việt Nam được thiết lập tại Tương Dương (Nghệ An) với mức nhiệt 44,2 độ C vào ngày 7/5.
Nắng nóng gay gắt hơn có thể xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ. Ảnh minh họa
Hoạt động của bão hoặc áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều so với trung bình nhiều năm nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa (tháng 7-9), tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo.
Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa, phổ biến từ 25 đến 50% ở đa phần diện tích cả nước. Vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt trong các tháng mùa khô năm 2023.
Đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Ví dụ điển hình là El Nino đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2015/2016 và 2019/2020.
PV: El Nino khiến mưa ít đi, vậy chúng ta sẽ không phải lo ứng phó với tình trạng mưa lũ lớn như những năm qua?
- Không phải vậy, trong điều kiện El Nino, lượng mưa có xu thế giảm nhưng có thể xuất hiện những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24h. Ví dụ như năm 2015 có El Nino nhưng tại Quảng Ninh đã xuất hiện mưa lớn lịch sử vào cuối tháng 7.
Năm El Nino 2002, mưa lớn vẫn xuất hiện và gây lũ lớn trên nhiều khu vực. Cụ thể: Lũ lớn trên báo động 3 vào tháng 7, đầu tháng 8 trên sông Hồng - Thái Bình; lũ lớn tại Trung Bộ cuối tháng 9, trong đó có lũ lịch sử xuất hiện thượng nguồn sông Cả (Hà Tĩnh); Nam Bộ xuất hiện lũ lớn kéo dài ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hay là năm 2009, xuất hiện cơn bão số 9 (Ketsana) đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi cũng gây ra đợt lũ lớn, lũ lịch sử vào cuối tháng 9 năm 2009.
Đỉnh lũ năm 2009, tại các sông chính từ Quảng Bình đến Phú Yên đều vượt báo động 3. Ngập lụt ngiêm trọng từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Kon Tum.
Bão lũ cũng sẽ dị thường hơn khi El Nino xuất hiện. Ảnh minh họa
PV: Vậy những việc cần làm để ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino là gì?
- Với khả năng cao xuất hiện của El Nino thì chúng ta cần rà soát đánh giá nhu cầu dùng nước cho sản xuất và sinh hoạt để có điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, đặc biệt là đối với vụ hè thu ở Bắc Bộ, Trung Bộ, hay các khu có hoạt động phát triển du lịch lớn trong những tháng mùa khô 2023.
Các hồ chứa cũng cần xem xét có điều chỉnh kế hoạch vận hành, sản xuất để ứng phó với nguy cơ thâm hụt lượng mưa trong điều kiện El Nino.
Bên cạnh ứng phó với tình hình thiếu nước, khô hạn trong điều kiện El Nino thì chúng ta cũng không được mất cảnh giác với khả năng xảy ra mưa lũ bất thường như đã từng xảy ra trong những năm El Nino trước đây.
Hạn hán, xâm nhập mặn nguy cơ gia tăng ở nhiều nơi. Ảnh minh họa
Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có Công văn báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai về cảnh báo tác động của El Nino; đồng thời thông tin cho các Bộ, ngành, địa phương có phương án ứng phó.
Những việc cần làm trước mắt và lâu dài đối với các bộ, ngành, địa phương đã được Thủ tướng yêu cầu trong Công điện số 39 ngày 13/5/2023 về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.