Sáng nay (15/12), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đối với một số bộ, cơ quan và địa phương.
|
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
|
Theo Quyết định 1962/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Tổ trưởng Tổ công tác số 3, kiểm tra 3 bộ, 5 cơ quan và 4 địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa).
“Chính phủ đã thành lập nhiều tổ công tác, liên tục giao ban với các bộ, ngành, địa phương để đánh giá tình hình. Các bộ ngành, địa phương cũng phải làm việc sát sao với các chủ đầu tư, nhà thầu, giải quyết mọi khó khăn vướng mắc trong thực tế, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt được tỷ lệ cao nhất có thể”, Phó Thủ tướng phát biểu khai mạc cuộc họp. “Mục tiêu giải ngân là gắn với tiến độ thực tế thi công tại công trường để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các công trình, phát huy hiệu quả vốn đầu tư”, tránh tình trạng giải ngân vốn vượt quy định, chạy theo thành tích mà dẫn tới sai phạm.
Quyết tâm giải ngân cao nhất
“Kể từ cuộc họp lần trước do Thủ tướng chủ trì (ngày 17/9), đến nay TP HCM đã giải ngân thêm được khoảng 10%, tỷ lệ giải ngân đạt 42%”, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho rằng tỷ lệ giải ngân tăng thêm được 10% trong 3 tháng như vậy là còn thấp, có nguyên nhân do giãn cách xã hội để phòng chống dịch, khiến các dự án phải dừng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Giá vật tư nguyên liệu, chi phí nhân công tăng.
Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân 70% kế hoạch trong năm 2021, ông Võ Văn Hoan cho biết UBND TP HCM đang hằng tuần làm việc với các ban quản lý dự án lớn để kiểm tra, đôn đốc tiến độ.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, tỉnh đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân và phấn đấu đến cuối năm 2021, giải ngân đạt 75,6%.
Cho biết đã đưa kết quả giải ngân là một chỉ tiêu để đánh giá cán bộ, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa nói năm nay, tỉnh sẽ nỗ lực hoàn thành giải ngân từ 96-100%.
Chủ yếu giải ngân nguồn vốn cho dự án sân bay Long Thành, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai khẳng định quyết tâm hoàn thành khối lượng còn lại để quý I/2022 bàn giao mặt bằng cho triển khai giai đoạn 1 của dự án đặc biệt quan trọng này.
Lắng nghe ý kiến của các địa phương, Phó Thủ tướng lưu ý từ nay đến cuối năm chỉ còn 15 ngày, các địa phương làm việc với các nhà thầu để giải ngân đối với khối lượng đã hoàn thành. “Các nhà thầu đã thi công rồi mà chưa hoàn tất thủ tục thì mau chóng tháo gỡ cho họ, để giải ngân giúp nhà thầu đỡ khó khăn, để tiền mới vào các công trình”.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đối với 12 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra, tính đến 30/11/2021, số tiền giải ngân được gần 28.000 tỷ đồng trên tổng số vốn được phân bổ kế hoạch năm 2021 là hơn 76.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 36,48%.
Tại cuộc họp một số ý kiến đề nghị cho phép kéo dài kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành cho phép giảm bớt số lần thực hiện các thủ tục đầu tư, “trong đó cho phép triển khai các bước lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, đối với khối lượng phần còn lại của dự án cấp vốn ngân sách đến đâu sẽ đấu thầu và ký hợp đồng đến đó”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nói.
Đối với kiến nghị này, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết việc chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022 phải tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước. Trường hợp bất khả kháng, Chính phủ phải báo cáo Thường vụ Quốc hội để xem xét quyết định.
Chia sẻ khó khăn với các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân do dịch bệnh, giá cả nguyên vật liệu, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, các dự án ODA vướng do phải tuân thủ trình tự thủ tục, phụ thuộc thiết bị, chuyên gia nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ cùng các khó khăn này nhưng tỷ lệ giải ngân giữa các bộ, ngành, địa phương rất khác nhau.
“Có những nơi giải ngân rất tốt như ngành Giao thông vận tải giải ngân được hơn 82% nên phải thẳng thắn nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm kiểm tra, giám sát". Thứ trưởng cũng chia sẻ với ngành tài chính, sức ép cuối năm dồn về Kho bạc Nhà nước rất lớn. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Sớm đưa vốn tới công trình
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2021 trong khi câu chuyện về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chủ yếu liên quan đến xây dựng cơ bản thì cần nhiều thời gian, “chúng ta phải phấn đấu trong suốt 12 tháng”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mở đầu phát biểu kết luận cuộc họp.
Phó Thủ tướng chia sẻ với các địa phương, các bộ, ngành về những khó khăn trong năm 2021, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2021-2025. Năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách kéo dài, “các đoàn đi kiểm tra thực tế tại công trường cũng bị hạn chế”, Phó Thủ tướng bày tỏ. “Nhiều cuộc chúng tôi rất muốn đi thực tế nhưng rồi do dịch bệnh, phải giãn cách”.
Về nguyên nhân cũng như bài học cần rút kinh nghiệm, Phó Thủ tướng nhấn mạnh công tác chuẩn bị dự án chưa được kỹ càng nên khi có quyết định phân bổ vốn thì mới triển khai, do đó bị chậm. “Chúng ta cần hết sức chú ý vấn đề này”. “Đầu tư không phải 1 ngày, 1 tháng mà là cả quá trình”, Phó Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh quá trình chuẩn bị các dự án là hết sức quan trọng, cần rút kinh nghiệm để triển khai các dự án năm 2022.
Thứ hai là năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu. “Nhiều dự án đầu tư, nhà thầu đã được phân bổ vốn, có mặt bằng, có công trình đang triển khai nhưng chưa tiêu hết vốn”, Phó Thủ tướng nói. Vì vậy chọn nhà thầu, kiểm tra tiến độ và xử lý vi phạm hợp đồng cần kiên quyết.
Theo Phó Thủ tướng, một vấn đề nữa là khâu nghiệm thu còn chậm, “nhiều khi dự án đã làm xong, khối lượng đạt hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng nhưng thủ tục nghiệm thu, chuyển sang kho bạc còn chậm”.
Xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là đặc biệt quan trọng, gắn với tốc độ tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò rất lớn của việc lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương để giải ngân dứt điểm, khánh thành các công trình.
“Trên thực tế, có những công trình chỉ cần tập trung cao là đưa toàn bộ công trình vào sử dụng. Một tuyến cao tốc dài 100 km nhưng chỉ còn một cây cầu hoặc còn một đoạn vài trăm mét mà không hoàn thành thì cũng không thể đưa vào khai thác được”.