Thực hiện hai phẫu thuật trong cùng cuộc mổ
Thông tin từ khoa Ngoại cho biết, trường hợp trên là anh N.T.M (25 tuổi) ở huyện Đầm Hà, bị thiếu máu tan máu từ nhỏ, định kỳ 3 tháng/lần vào viện để truyền máu và bổ sung sắt. Người bệnh từng được phát hiện lách to nhưng vì lo ngại sức khỏe nên chưa dám phẫu thuật.
Gần đây, bệnh nhân đau tức bụng nhiều nên đi khám. Kết quả chụp cắt lớp ổ bụng cho thấy, hình ảnh lá lách rất to, đồng thời phát hiện thêm phía sau lá lách có một khối u thượng thận kích thước lớn (15 x 20 cm). Các bác sĩ hội chẩn đánh giá hai khối lớn chèn ép các tạng trong ổ bụng, vì vậy quyết định phẫu thuật cắt lách và cắt khối u trong cùng một lần mổ.
|
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lách to và khối u thượng thận khổng lồ - Ảnh BVCC |
Kíp mổ khoa Ngoại do BS.CKII Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa phụ trách phối hợp khoa Gây mê hồi sức thực hiện. Bệnh nhân được đặt đường truyền ngoài màng cứng để kiểm soát giảm đau hiệu quả sau mổ. Phẫu thuật viên tiến hành mở bụng, chủ động thắt động mạch lách và động mạch nuôi u, giúp hai khối này nhỏ lại đáng kể. Nhờ đó, quá trình bóc tách diễn ra thuận lợi, khối u thượng thận khổng lồ và lá lách to được loại bỏ thành công mà không gây mất máu.
Với nỗ lực của ê-kíp, ca mổ diễn ra thành công sau 2 tiếng phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, ăn uống đi lại bình thường ngay từ ngày thứ 2 sau mổ. Xét nghiệm kiểm tra cho thấy số lượng máu tăng đáng kể sau phẫu thuật.
Chia sẻ về ca phẫu thuật khó, Bs.CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh nhân thể trạng yếu vì thiếu máu thường xuyên, lách to là hậu quả của tan máu kéo dài, kèm theo khối u khổng lồ tuyến thượng thận.
Do không có dấu hiệu ác tính hay rối loạn nội tiết nên chúng tôi quyết định thực hiện cắt lách to kèm u lớn trong cùng cuộc mổ để giải phóng chèn ép các tạng, giúp sức khỏe người bệnh cải thiện rõ rệt, mang lại hy vọng chất lượng cuộc sống tốt hơn”.
|
Kíp phẫu thuật hai trong một cắt u thượng thận “khổng lồ” kèm lách to |
Đây là ca mổ khó, tiên lượng nặng do hai khối u đều kích thước lớn, giàu mạch nuôi nên rất dễ chảy máu gây nguy hiểm trong mổ. Chúng tôi đã chủ động tìm thắt động mạch trước, sau đó cẩn thận bóc tách và cắt bỏ đồng thời 2 khối lớn, nhờ vậy đảm bảo cuộc mổ an toàn cho người bệnh.
Dù thể trạng yếu, thiếu máu nhiều năm, nhưng chúng tôi rất mừng khi bệnh nhân hồi phục tốt sau mổ, thậm chí lượng máu tăng đáng kể mà chưa cần truyền máu bổ sung”.
|
Khối u thượng thận “khổng lồ” kèm lách to được phẫu thuật cắt bỏ thành công - Ảnh BVCC |
Biến chứng nguy hiểm của bệnh thiếu máu tán huyết
Các chuyên gia cho biết, thiếu máu tán huyết là tình trạng các tế bào hồng cầu của người bệnh bị phá hủy nhanh hơn được tạo ra. Hồng cầu là tế bào mang oxy đi khắp cơ thể, nếu lượng hồng cầu thấp hơn mức bình thường, người bệnh bị thiếu máu. Khi đó, máu không cung cấp đủ oxy cho các mô và cơ quan để hoạt động hiệu quả.
Nguyên nhân bệnh Thiếu máu tán huyết có thể do di truyền hoặc mắc phải.
Thiếu máu tán huyết di truyền: Ba mẹ truyền bệnh cho con cái hoặc cả ba và mẹ đều không mang gen bệnh nhưng có đột biến gen xảy ra trong quá trình thai nhi được hình thành.
Có một số loại bệnh thiếu máu tán huyết do di truyền khác nhau, với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Các bệnh thiếu máu tán huyết do di truyền thường gặp là bệnh hồng cầu hình cầu, bệnh hồng cầu hình bầu dục và bệnh thiếu men G6PD.
Bệnh hồng cầu hình cầu: Đây là một rối loạn di truyền, gây ra bởi các khuyết tật ở màng hồng cầu tạo nên bề mặt hình cầu, khác với hình dạng bình thường của hồng cầu là hai mặt lõm. Những hồng cầu hình cầu này mỏng manh hơn, nhỏ hơn bình thường và không thay đổi hình dạng, bị tổn thương và vỡ sớm tại lách dẫn đến thiếu máu.
Bệnh hồng cầu hình bầu dục: Đây là một rối loạn di truyền, là biến thể hiếm gặp của bệnh hồng cầu hình cầu, chủ yếu gặp ở người Đông Nam Á.
Bệnh thiếu men G6PD: Đây là một rối loạn di truyền, gặp ở những người không có đủ men G6PD. Men G6PD là một trong nhiều loại men giúp các chuyển hóa hóa học, biến đường thành năng lượng. Men này bảo vệ các tế bào hồng cầu, giúp tế bào chống lại các tác động bên ngoài như chống lại tình trạng oxy hóa.
Quá trình oxy hóa có thể phá hủy các cấu trúc quan trọng trong các tế bào hồng cầu, như hemoglobin, tạo ra những trở ngại trong lưu thông và vận chuyển oxy gây ra phá hủy hồng cầu, dẫn đến thiếu máu.
Thiếu máu huyết tán mắc phải (hay còn gọi là thiếu máu tan máu ngoại lai) xảy ra do các yếu tố bên ngoài tế bào hồng cầu. Chẳng hạn như rối loạn tự miễn dịch, nhiễm trùng, thuốc… Trong những trường hợp này, tủy xương vẫn sản xuất hồng cầu khỏe mạnh. Tuy nhiên, sau đó chúng bị phá hủy trực tiếp trong máu hoặc bị lách giữ lại và phân hủy.
Thiếu máu tan máu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như nhịp tim không đều hay còn được gọi là loạn nhịp tim, bệnh cơ tim, tim phát triển lớn hơn bình thường, hoặc thậm chí là có thể dẫn đến suy tim.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thiếu máu tán huyết
Thiếu máu huyết tán có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ, triệu chứng từ nhẹ hoặc nặng tùy người.
|
Người bệnh hồi phục tốt sau cuộc mổ 2 trong 1 - Ảnh BVCC |
Các triệu chứng của bệnh thiếu máu tán huyết bao gồm:
- Da nhợt nhạt, xanh xao bất thường
- Da, mắt và miệng hơi vàng (vàng da)
- Nước tiểu sẫm màu
- Sốt
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Nhức đầu, lú lẫn, hay quên
- Không thể xử lý các hoạt động thể chất
- Lá lách và gan to
- Nhịp tim nhanh
- Thiếu máu tán huyết nghiêm trọng có thể gây ớn lạnh, sốt, đau ở lưng và bụng hoặc sốc.
Các triệu chứng của bệnh này có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác. Vì vậy, hãy khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.