Suốt 95 năm qua, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng trở thành một quy luật xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử của Đảng; nhân tố quan trọng tạo nên bản lĩnh, sức mạnh chiến đấu của Đảng. Trong mỗi bước chuyển của cách mạng, với chủ trương, đường lối đúng đắn và lãnh đạo thống nhất, với sức mạnh của khối đoàn kết từ Trung ương xuống cơ sở, Đảng đã lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là cội nguồn sức mạnhcủa dân tộc Việt Nam, với những giá trị, triết lý đạo đức và nhân sinh: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Lá lành đùm lá rách”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”… Đến thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng ý chí và tinh thần đoàn kết được xác định là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và chính Người đã vạch ra phương châm cho sự thắng lợi tất yếu của cách mạng: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công".
|
Chương trình chính luận nghệ thuật “Mãi mãi niềm tin theo Đảng” chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Là Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng
sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền mà không đoàn kết thống nhất thì sự nghiệp cách mạng của dân tộc không thể thắng lợi.
Từ khi mới ra đời, Đảng đã gắn bó với dân tộc, hòa mình cùng dân tộc, sinh tồn trong dân tộc. Tập hợp trong hàng ngũ của Đảng là những người xuất thân từ nhiều giai cấp và tầng lớp khác nhau, chủ yếu là công nhân và nông dân, nhưng đều chung lý tưởng, mục tiêu và lợi ích. Lý tưởng đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Mục tiêu đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lợi ích đó là phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, ngoài ra Đảng không có lợi ích riêng tư nào khác. Chính lý tưởng chung, mục tiêu chung và lợi ích chung là cơ sở của sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đoàn kết, thống nhất thực sự là động lực chủ yếu của sự phát triển của Đảng.
Từ nhận thức sâu sắc rằng, “đoàn kết làm ra sức mạnh”, “đoàn kết là thắng lợi”, Đảng ta đã không ngừng chăm lo xây dựng, củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, để Đảng thực sự là đội tiền phong, bộ tham mưu vững mạnh, người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân. Cơ sở để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng để “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”, chính là đường lối, quan điểm và Điều lệ của Đảng; là thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc về xây dựng Đảng; là phát huy vai trò gương mẫu trong mọi lĩnh vực công tác cũng như cuộc sống đời thường của đội ngũ cán bộ, đảng viên…
Đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan điểm, ở tư tưởng mà đã trở thành một chiến lược cách mạng, thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân và được xây dựng thành một lực lượng có tổ chức, đó chính là Mặt trận Dân tộc thống nhất - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trải qua các tên gọi, nội dung và hình thức tổ chức khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quy tụ mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên một khối đoàn kết thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Đó là cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật dẫn đến thành công của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; là Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt. Là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Đại đoàn kết dân tộc tạo nên một khối đoàn kết thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc. |
Trong giai đoạn
xây dựng và phát triển đất nước, Mặt trận Tổ quốc tiếp tục tập hợp các tầng lớp nhân dân, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức thành viên tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, thi đua đổi mới sáng tạo; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Có thể thấy, đoàn kết chính là cội nguồn tạo nên sức mạnh lãnh đạo của Đảng, cũng là cội nguồn sức mạnh của dân tộc. Nhờ đó, trải qua bao khó khăn, thử thách, cách mạng Việt Nam đã đi đến được thắng lợi cuối cùng, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.
Với chủ trương, giải pháp đồng bộ, Đảng ta đã phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, đưa nước ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; thực hiện thành công công cuộc đổi mới. Từ một đất nước nghèo, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình.
Trải qua 5 thập kỷ kể từ ngày thống nhất đất nước, đặc biệt sau gần 40 năm thực hiện đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1990 - 2000 đạt 7,5%; giai đoạn 2006 - 2010 đạt 7%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 5,9%/năm; giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,8%/năm, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất của khu vực.
|
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ với tăng trưởng GDP ấn tượng 7,09%.
|
Trong hai năm 2020 và 2021, đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Song Việt Nam vẫn nằm trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng dương, lần lượt là 2,9% vào năm 2020 và 2,58% vào năm 2021 - một thành tựu ấn tượng trong bối cảnh toàn cầu lao đao vì đại dịch.
Bước sang năm 2022, với nhiều giải pháp quyết liệt, GDP của Việt Nam tăng mạnh tới 8,02%, đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Năm 2023, dù đối mặt với nhiều thách thức chung trên thế giới, nền kinh tế vẫn duy trì đà tăng trưởng trên 5%, với quy mô ước tính khoảng 430 tỷ USD.
Đặc biệt, năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, trong nước lại chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3 - Yagi (ước tính tổng thiệt hại về kinh tế là trên 83.746 tỷ đồng), Việt Nam vẫn ghi dấu ấn mạnh mẽ với tăng trưởng GDP ấn tượng 7,09%, vượt các dự báo và trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực. Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2024 đạt trên 476 tỷ USD.
|
Ngư dân Bình Định vận chuyển cá ngừ đại dương ở cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn.
|
Xuất khẩu hàng hóa là một điểm sáng ấn tượng của Việt Nam trong nhiều năm qua. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2023. Đặc biệt, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với mức thặng dư đạt 25 tỷ USD.
Với sự ổn định về chính trị, sự tăng trưởng về kinh tế, sự nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư -kinh doanh, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD. Đặc biệt, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023.
Năm 2025 được coi là thời điểm "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ 2020 - 2025, do đó, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 8%. Mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% dự báo vào tháng 9/2024. Điều này cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Song hành cùng phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước luôn đặt trọng tâm vào việc phát triển văn hóa - xã hội, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Với những nỗ lực bền bỉ, Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước thu nhập thấp từ năm 2008. GDP bình quân đầu người năm 2024 đạt khoảng 114 triệu đồng, tương đương 4.700 USD, phản ánh sự cải thiện đáng kể trong mức sống của nhân dân.
Hệ thống giáo dục ngày càng được hoàn thiện, theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học và phương thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Học sinh Việt Nam đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Các chương trình hỗ trợ giáo dục cho con em hộ nghèo, dân tộc thiểu số và vùng khó khăn đã mang lại hiệu quả rõ rệt, mạng lưới các trường chuyên biệt tại khu vực miền núi tiếp tục được mở rộng. Những nỗ lực này không chỉ thu hẹp khoảng cách giáo dục mà còn mở ra cơ hội học tập công bằng hơn cho mọi tầng lớp trong xã hội.
Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏa của nhân dân. Các chỉ số sức khỏe, tuổi thọ bình quân được cải thiện, tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1 và gần đây là đại dịch COVID-19. Nhiều công nghệ y học mới được nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả. Đặc biệt, thành tựu trong lĩnh vực ghép tạng với những ca ghép tim, gan, thận phổi hay ghép đa tạng đã đưa ngành y tế Việt Nam vươn tầm thế giới.
|
Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã mang lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
|
Là thành viên sáng lập của Liên minh Toàn cầu chống đói nghèo, Việt Nam luôn đi đầu trong nỗ lực giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong những năm qua, nhiều chính sách mang tính đột phá đã được triển khai nhằm hướng tới giảm nghèo đa chiều, toàn diện. Những chính sách này không chỉ giúp các hộ nghèo đảm bảo nhu cầu cơ bản như cơm ăn, áo mặc mà còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận bình đẳng và đầy đủ các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và thông tin. Giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm khoảng 4,2% (trung bình 1,05% mỗi năm). Đặc biệt, các huyện nghèo giảm trên 4% mỗi năm và tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng dân tộc thiểu số giảm trên 3% mỗi năm, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc trong công cuộc xóa đói giảm nghèo toàn diện và bền vững.
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, các đối tượng chính sách (thương binh, người có công với cách mạng)… tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được nâng lên. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu 2023, Việt Nam xếp hạng 72 với mức bình đẳng giới đạt 71,1%, tăng 11 bậc so với năm 2022. Còn theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024, Việt Nam đứng thứ 54 trong tổng số 143 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát, tăng 11 bậc so với xếp hạng năm 2023.
Báo cáo Phát triển con người (HDR) 2023 - 2024 (công bố tháng 3/2024) cũng cho thấy, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2022 là 0,726, đứng thứ 107/193 quốc gia và vùng lãnh thổ; tăng so 0,703 điểm vào năm 2021. Từ năm 1990 đến năm 2022, HDI của Việt Nam tăng gần 50%. Việt Nam đang ở giữa bảng xếp hạng và liên tục tiến bộ trong 30 năm qua. Thành tựu này thể hiện rõ sự nỗ lực không ngừng Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển con người toàn diện.
|
Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
|
Từ một nước bị bao vây, cấm vận kéo dài trong 30 năm, đến nay Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một quốc gia có vị thế và uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế. Quan hệ đối ngoại của Việt Nam không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu, đặc biệt với các đối tác quan trọng và các nước láng giềng.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 nước; xây dựng các mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới; đặc biệt có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 9 quốc gia, gồm: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Malaysia. Quốc hội Việt Nam duy trì mối quan hệ sâu rộng với hơn 140 quốc gia; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức nhân dân cũng triển khai đối ngoại thiết thực với 1.200 tổ chức nhân dân và đối tác các nước...
Trên bình diện đa phương, Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng vào các tổ chức và diễn đàn quốc tế, tạo dựng hình ảnh của một quốc gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Hiện Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC và WTO… Việc tham gia vào các tổ chức này không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế mà còn tạo điều kiện để Việt Nam đóng góp vào việc định hình các chính sách toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hòa bình, an ninh, phát triển bền vững, và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn được lan tỏa mạnh mẽ qua hoạt động trên 1.100 quân nhân tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Những đóng góp này không chỉ khẳng định sức mạnh đoàn kết và trí tuệ của dân tộc Việt Nam mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà toàn cầu đang phải đối mặt.
|
Những thành tựu của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước đều là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
|
Có thể thấy rõ, thắng lợi trong đấu tranh giành chính quyền, trong đấu tranh dựng nước, giữ nước và những thành quả trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là những thành tựu của gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, xét đến cùng đều là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nói một cách khác, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng càng được củng cố thì sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc càng được tăng cường. Đảng đoàn kết, dân tộc đại đoàn kết sẽ nhân nguồn sức mạnh nội lực để đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.
Đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi Họp báo sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 3/8/2024): “Không có gì bằng sự đoàn kết, thống nhất. Đoàn kết thống nhất là sức mạnh của chúng ta. Sự đoàn kết từ trong Đảng, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tiếp tục được lan tỏa và phát huy. Đây là truyền thống rất tốt đẹp, là sức mạnh của Đảng, quốc gia, vượt qua được nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thắng lợi, mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra”.
95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhìn tổng quát, dân tộc Việt Nam đã trải qua hai kỷ nguyên vẻ vang. Kỷ nguyên thứ nhất là Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975), khởi đầu từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược (1946 - 1975) cùng những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 1954 - 1975. Kỷ nguyên thứ hai là Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975 - 2025), mở đầu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội năm 1975, tạo tiền đề vững chắc để đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực. Và bây giờ, Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà thời điểm mở đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986 - 2026).
|
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 25/11/2024.
|
Trong bài trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; mọi người dân đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh".
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, "từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ, cơ hội chiến lược, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước. Điều quan trọng là chúng ta phát huy được tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".