Nằm trong khuôn khổ chương trình “Tuần lễ Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu 2023”, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với báo Văn Hoá và Tạp chí điện tử Thương hiệu và Sản phẩm tổ chức Diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh và bền vững”.
Tiêu chí “xanh” ngày càng được coi trọng
Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đã trở thành nguyên tắc, xu thế chung trong phát triển du lịch nhiều quốc gia trên thế giới. Tiêu chí “xanh” ngày càng được thị trường coi trọng hơn trong việc lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch.
|
Quang cảnh Diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam 2023 |
Tại Việt Nam, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Chính phủ trong những năm gần đây đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc cho rằng, thời gian qua nhiều địa phương, điểm đến đã tiên phong phát triển du lịch xanh, tiêu biểu như Hội An đã chính thức ra mắt mô hình khách sạn không rác thải nhựa, hay tại huyện đảo Cô Tô áp dụng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi ni - lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch…
Theo Phó Cục trưởng, phát triển du lịch xanh cần quan tâm 3 nội dung cơ bản đó là quản lý du lịch xanh; sản xuất các sản phẩm và dịch vụ du lịch xanh; tiêu dùng du lịch xanh.
|
Côn Đảo là địa phương đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cũng cho hay, hiện tỉnh này cũng đang định hướng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó, Côn Đảo là địa phương đầu tiên của tỉnh ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tại Côn Đảo, nhiều mô hình khuyến khích khách du lịch, người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa được triển khai và đem lại hiệu quả. Các tour du lịch nhặt rác, làm sạch biển, thu gom rác dưới rạn san hô, trồng rừng… được nhiều doanh nghiệp xây dựng thu hút du khách.
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn khai thác thế mạnh nông nghiệp, sinh thái, cộng đồng ở các vùng nông thôn Châu Đức, Xuyên Mộc, Long Điền, Đất Đỏ gắn với tài nguyên du lịch biển, làng chài ở khu vực ven biển trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách hòa mình với thiên nhiên trong lành. Nhiều mô hình xanh giúp cho người dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ.
Hiến kế phát triển du lịch xanh, bền vững
Tại diễn đàn phát triển du lịch xanh Việt Nam 2023, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã hiến kế nhiều giải pháp đột phá trong phát triển bền vững du lịch tại Việt Nam.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, cần khai thác tài nguyên, phát triển du lịch tuân thủ nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến các giá trị tài nguyên, không phá vỡ cảnh quan và không làm biến tướng, mất đi các giá trị truyền thống nguyên bản.
Để làm được điều đó, công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện vì lợi ích trước mắt mà phá huỷ tài nguyên, cảnh quan, môi trường….
Ngoài các giải pháp tuyên truyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng đề nghị kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh núp bóng dưới hình thức các dự án du lịch xanh, nhưng thực chất là đầu tư bất động sản, chiếm dụng quỹ đất, quỹ rừng...
|
Nhiều ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý liên quan đến phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững |
Theo lãnh đạo Công ty Saigontourist, các đối tác nước ngoài ngày càng “khó tính”. Họ đưa ra nhiều tiêu chí về các điểm đến đón khách nước ngoài vào Việt Nam như: không đưa khách đến những khách sạn có hành động tàn phá môi trường, xe chở khách cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải, không tập trung quá đông khách gây quá tải điểm đến.
Theo đó, để có du lịch xanh bền vững phải giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ tấm bé cho thế hệ trẻ. Các công ty lữ hành phải gắn bó với địa phương khai thác, bảo tồn văn hóa bản địa. Xây dựng các điểm đến vệ tinh để chia sẻ khách, tránh quá tải tại một điểm đến trong mùa cao điểm.
Trong quy hoạch địa phương cũng phải giám sát được các cơ sở dịch vụ tuân thủ các quy định, quy chuẩn trong xây dựng, đánh giá tác động môi trường và công bố để các đơn vị lữ hành biết.
Giám đốc Trung tâm thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Hoàng Quốc Hòa cũng có ý kiến, hiện nay, chuyển đổi số được xem là chìa khóa để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế, trong đó có du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng đề ra nhiệm vụ đẩy nhanh việc chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh… Thời gian tới, cần tiếp tục đẩy nhanh việc áp dụng các nền tảng số du lịch nói trên để tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành và đưa du lịch phát triển theo hướng xanh, bền vững.