Bộ LĐ-TB-XH vừa có công văn gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp (DN) về chính sách BHXH theo quy định tại Luật BHXH năm 2014.
Về kiến nghị giảm tỉ lệ đóng BHXH 4% (trở về mức đóng BHXH năm 2010 là DN đóng 16% và người lao động (NLĐ) đóng 6%), Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, việc đánh giá các khoản đóng góp BHXH tác động đến chi phí của DN phải được xem xét dựa trên mức đóng (được xác định bởi tỉ lệ đóng nhân với nền tiền lương làm căn cứ đóng BHXH), chứ không phải ở riêng tỉ lệ đóng góp. Mặt khác, khi so sánh với mức đóng ở mỗi quốc gia, còn phải dựa trên các quyền lợi mà NLĐ được hưởng theo từng chính sách mang lại.
Cụ thể, xét về tỉ lệ đóng BHXH, thì Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ đóng BHXH cao trong khu vực, với tổng tỉ lệ đóng của người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ là 27% (không bao gồm BHYT) và được chia như sau: 3% đóng vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ)- bệnh nghề nghiệp (BNN); 22% đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất và 2% đóng vào quỹ BH thất nghiệp. Trong đó, NSDLĐ đóng 18,5% và NLĐ đóng 9%. Tỉ lệ đóng như trên thấp hơn so với tỉ lệ đóng của Singapore, gần bằng tỉ lệ đóng của Malaysia, chỉ cao hơn Thái Lan và Philippines.
|
Quy định người lao động làm việc từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH, quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tiếp cận gần với tiền lương thực tế của người lao động |
Số liệu thống kê của cơ quan BHXH và kết quả khảo sát tiền lương tại các DN cho thấy, ở Việt Nam, nền tiền lương đóng chủ yếu dựa trên mức lương cơ bản và có khoảng cách khá xa với mức tiền lương và thu nhập thực tế của NLĐ (tiền lương đóng BHXH bằng khoảng 60% tiền lương và thu nhập thực tế của NLĐ). Như vậy, tuy tỉ lệ đóng BHXH cao, nhưng nền tiền lương đóng BHXH thấp, dẫn đến mức đóng BHXH không cao.
Đáng chú ý, quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản ở Việt Nam được đánh giá cao hơn so với các nước trong khu vực. Còn đối với chế độ hưu trí, Việt Nam có tỉ lệ hưởng cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới, với tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%- trong khi các nước trên thế giới chỉ duy ở mức 45-55%. Tỉ lệ tích lũy của Việt Nam là 2,5-3% cho mỗi năm đóng góp, trong khi đó ở Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ là 1%.
Một số DN cho rằng, nhiều NLĐ thường bỏ việc trong thời gian 3 tháng đầu. Vì vậy, đề nghị cơ quan BHXH phải trả lại số tiền mà DN đã đóng BHXH, để DN lấy lao động khác vào thực hiện tiếp theo quy định. Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, việc tham gia BHXH khi NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thể hiện trách nhiệm của cả NLĐ và NSDLĐ. NLĐ tham gia để đảm bảo khoản thu nhập khi hết tuổi lao động hoặc khi chết. Còn đối với NSDLĐ, không những thể hiện trách nhiệm, mà còn giúp chính DN giảm thiểu rủi ro trong quan hệ lao động. Do đó, đối với nội dung kiến nghị cơ quan BHXH phải trả số tiền mà DN đã đóng là không phù hợp.
Bộ LĐ-TB-XH cũng nhấn mạnh, quan điểm cho rằng từ năm 2018, gánh nặng chi phí đang dồn trên vai DN (do việc mở rộng áp dụng BHXH đối với NLĐ ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1 tháng trở lên) - là không đúng. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 186 của Bộ Luật Lao động, thì trước ngày 1-1-2018, NLĐ làm việc theo HĐLĐ từ 1 đến dưới 3 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của NLĐ một khoản tiền cho NLĐ tương ứng với mức đóng BHXH. Từ ngày 1-1-2018, NLĐ diện này thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và NSDLĐ sẽ đóng khoản tiền đó vào quỹ BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi BHXH cho nhóm lao động này, không phát sinh khoản đóng BHXH khác.
Đồng thời, những ý kiến cho rằng mức phí đóng BHXH (từ năm 2018) được tính mở rộng trên danh mục tổng thu nhập chứ không còn đóng trên mức lương cơ bản của NLĐ như trước đây cũng không chính xác. Theo quy định tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP, Thông tư 47/2017/TT-BLĐTBXH và Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, thì từ ngày 1-1-2018 trở đi, phụ cấp và các khoản phụ cấp lương (xác định được trước cùng với mức lương mới) được xác định làm căn cứ tính đóng BHXH. Theo đó, những khoản phụ cấp lương, khoản bổ sung khác để tính đóng BHXH là những khoản tương đối ổn định, thường xuyên; còn đối với phụ cấp lương, khoản bổ sung khác không xác định được cùng với mức lương, gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ, thì không làm căn cứ tính đóng BHXH. Như vậy, với quy định trên của pháp luật, thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vẫn chưa tiệm cận với thu nhập thực tế của NLĐ.
Về mức đóng BHXH phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa DN và NLĐ, Bộ LĐ-TB-XH nhận thấy, Luật BHXH năm 2014 đã có những thay đổi nhằm đảm bảo tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH cho NLĐ, như: Quy định NLĐ làm việc từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH, quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tiếp cận gần với tiền lương thực tế của NLĐ.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã có những chính sách nhằm đảm bảo hài hòa với lợi ích của DN. Cụ thể, xuất phát từ việc kết dư quỹ BH TNLĐ-BNN và quỹ BHTN, Nghị quyết 34/NQ-CP ngày 7-4-2017 của Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh giảm tỉ lệ đóng vào 2 quỹ này. Tiếp đó, tại Nghị định 44/2017/NĐ-CP, Chính phủ điều chỉnh giảm 0,5% mức đóng vào quỹ BH TNLĐ-BNN. Như vậy, việc quy định tỉ lệ đóng BHXH sẽ dựa trên cơ sở hạch toán các quỹ BHXH và được điều chỉnh theo từng thời kỳ dựa trên cơ sở cân đối quỹ và tính toán chi phí của DN.