Những số phận sau lưng tướng cướp Hồ Duy Trúc

Hồ Duy Trúc - tướng cướp cầm đầu băng nhóm gây ra hàng loạt vụ cướp chấn động Sài Gòn 4 năm về trước không thể ngờ rằng, người đau lớn nhất về những tội ác mà hắn gây ra lại chính là cha mẹ, anh chị em và vợ con.
Mời độc giả xem clip phiên xử phúc thẩm tướng cướp chặt tay: (Nguồn VTC14)
Người mẹ chưa một ngày được bình yên
Lần đầu tiên sau ngày Hồ Duy Trúc bị tuyên án, tôi có dịp ngồi đối diện với người đàn bà náo loạn pháp đình từng phát ngôn với những câu nói gây phẫn nộ dư luận: “Ai biểu đi xe tay ga, đeo hột xoàn chi cho nó chém”. Thế nhưng, trước mắt tôi là một con người hoàn toàn khác, nét mặt ẩn sâu nhiều đau khổ. Không còn thái độ hùng hổ, gào thét mà cách nói chuyện của bà luôn tỏ ra sợ sệt.
Ngồi khép mình bên quán cafe, giọng bà thỉnh thoảng đứt quãng khi kể về cuộc đời mình, về những đứa con và những thân phận đang vây quanh.
Mỗi lần tính toán, bà Út lại giơ ngón tay lên nhẩm tính. 
Bà bảo, tội ác của Trúc bà đón nhận vì ngay với bản thân cũng không thể dung thứ cho lỗi lầm con trai gây ra. Nhắc lại hành động ở chốn pháp đình, người đàn bà qua tuổi 60 cúi gầm mặt, giãi bày rằng thời điểm đó cứ nghĩ khi con trai bị tuyên án, dẫn giải ra xe đặc chủng là khoảnh khắc bà mất con mãi mãi.
Đơn giản, với thiên chức của một người mẹ, dù con trai có là tử tù, có là tên tướng cướp bị xã hội nguyền rủa nhưng với bà, Trúc vẫn là đứa con bà đứt ruột đẻ đau. Tình máu mủ khi nghĩ đến phút giây chia biệt, bà không kìm nén được cảm xúc.
Có lẽ Trúc không thể ngờ rằng, hành vi của mình đã bồi thêm đòn đánh chí mạng vào một người mẹ đã chịu quá nhiều bất hạnh. Để đến bây giờ, sau những biến cố cuộc đời, người mẹ già của Hồ Duy Trúc vẫn chưa một ngày bình yên với nhiều nỗi lo toan phiền muộn.
Cuộc đời bà Nguyễn Thị Út nếm trải quá đủ cay đắng, bầm dập. Bà mồ côi cả cha lẫn mẹ từ bé. Những người anh, người chị chưa kịp lớn đã tha phương cầu thực rồi thất lạc, đến nay bà không biết chính xác mình có bao nhiêu anh em ruột và ai mất ai còn.
Từ bé bà sớm thất học, sống trong sự đùm bọc của hàng xóm láng giềng. Năm 16 tuổi, bà đi ở đợ cho một chủ tiệm may và phải lòng với anh thợ điện. Cuộc hôn nhân không cưới hỏi để lại cho bà 5 mặt con. Trong đó một cháu chết khi chưa đầy tuổi, một con gái khác hơn 2 tuổi bị bắt cóc. Người con trai thứ 2 từ nhỏ đã bị tật nguyền. Những đứa con chào đời như vậy khiến người chồng không hôn thú rời bỏ Út đi biệt xứ không ai hay tin. Từ đó, bà sống khép mình, từ chối ý định làm quen của nhiều người đàn ông khác.
Mối lương duyên của ông Tùng - bà Út nước mắt nhiều hơn niềm vui. 
Rồi bà gặp ông Hồ Duy Tùng - người đàn ông kém 2 tuổi. Cuối thập niên 70, bà Út đi bước nữa và lần lượt thêm 7 đứa con ra đời. Hồ Duy Trúc là con áp út, cũng là đứa con trai chung duy nhất của mối duyên chắp vá.
Những đứa con còn lại, số phận cũng đen đặc trong gam màu cay đắng. Buồn thay, đến thời điểm này mấy người con gái đường tình duyên cũng lắm éo le…giống mẹ!.
6 người con gái, chỉ có 1 cô được cưới hỏi đàng hoàng; số còn lại đều vì “có con với người ta nên gọi bố của chúng là chồng”. Sau khi sinh vài đứa con, cả 6 chị em đều lần lượt bỏ lại cho ông bà ngoại những đứa cháu còn đỏ hỏn rồi rời nhà đi khắp nơi mưu sinh.
Gánh nặng tiếp tục đè oặt lên đôi vai bà khi con gái sau các cuộc ly hôn, “thành quả” mang theo về nhà là 12 đứa cháu ném cho ông bà ngoại chăm sóc. Những đứa cháu quần áo lấm lem, bồng bế nhau tự chơi đùa dựa dẫm nhau sống qua ngày. Hàng ngày, có mấy đứa lớn quần áo chắp vá thì theo chân ông bà ngoại đẩy xe ra chợ bán chuối.
Quầy hàng của bà Út nằm bên cạnh đường, trên sạp bày bán chuối sáp, món hàng duy nhất cả đại gia đình hơn mười mấy con người trông dựa vào.
Gia đình bi thảm, ăn chuối sống qua ngày
Ngôi nhà của bà Út nằm cuối con hẻm tại KP1, phường Mỹ Hương, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, tài sản lớn nhất của vợ chồng bà Út là hàng trăm nải chuối xanh. Mấy chục năm qua, nhờ buôn bán chuối nên ông bà vá víu được cuộc sống tạm bợ cho đàn con và đám cháu chắt.
Mỗi ngày may mắn, hai vợ chồng cũng kiếm được 100-200 ngàn đồng. Ngày nào mưa gió, vắng khách, quán ế ẩm, hai ông bà mang chuối sáp (loại chuối xanh được luộc chín) về nhà. Hôm đó, cả gia đình lại ăn chuối cầm hơi.
Ngoài món chuối, đám cháu chắt của bà Út cũng được nếm đầy đủ các hương vị: Nhịn đói, húp nước cháo, ăn mì tôm sống thường xuyên. Những đứa trẻ như cỏ dại, mong manh trong tấm áo rách được truyền lại từ đứa lớn sang đứa bé lớn lên từng ngày.
Tụi nhỏ mai này chưa biết đi về đâu khi con chữ bẻ đôi không biết. Chỉ có điều, ông Tùng, bà Út hy vọng, đám cháu, chắt của mình không trượt ngã vào con đường như Trúc.
Tuổi già như bà Út, ông Tùng không biết cầm cự được đến bao lâu sau các cuộc biến cố. Lúc này, điều duy nhất họ luôn cầu nguyện là bản thân “không được ốm đau bệnh tật”, chỉ chừng đó thôi cũng là mừng lắm rồi.
Theo Ngọc Bình/Saostar

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN