Những phát ngôn ấn tượng của Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Hải An trước khi rơi lầu tử vong

Gần 1 năm giữ cương vị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho đến ngày gặp nạn, Thứ trưởng Lê Hải An đã có nhiều chỉ đạo, phát ngôn được sự ủng hộ của người dân.
Sáng ngày 17/10, một tin buồn với ngành Giáo dục khi Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Lê Hải An qua đời do ngã từ tầng 8 trụ sở Bộ và qua đời. Trước đó, gần 1 năm giữ cương vị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho đến ngày gặp nạn, Thứ trưởng Lê Hải An đã có nhiều chỉ đạo được sự ủng hộ của người dân.
Kiên quyết dừng tuyển sinh đối với những cơ sở vi phạm quy định
Ngày 2/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định bổ nhiệm PGS.TS Lê Hải An, Hiệu trưởng trường Đại học Mỏ - Địa chất giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.
Khi đó, trong buổi lễ trao Quyết định bổ nhiệm trên, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ sự kỳ vọng với kinh nghiệm, tâm huyết và trí tuệ của mình, tân Thứ trưởng sẽ có những tham mưu cho Bộ trưởng trong chỉ đạo, điều hành lĩnh vực giáo dục đại học, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An khi đó nói rằng, nhiệm vụ mới - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - là một vinh dự to lớn nhưng cũng là trọng trách nặng nề, vì vậy, sẽ đem hết sức lực, tâm huyết, trí tuệ cùng tập thể lãnh đạo Bộ phát huy truyền thống đoàn kết, kế thừa những thành tựu đã đạt được, vượt qua những khó khăn thách thức để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Nhung phat ngon an tuong cua Thu truong Bo Giao duc Le Hai An truoc khi roi lau tu vong
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An. 
Không phụ sự kỳ vọng của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, sau khi nhận nhiệm vụ Thứ trưởng bộ này, ông Lê Hải An đã cùng các bộ phận chuyên môn thực hiện đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm trình Thủ tướng trong quý II/2019; Hoàn thiện đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học; Thực hiện Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học về tự chủ đại học công lập.
Sau khi nhậm chức được hơn 1 tháng, tại hội nghị Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm ngày 28/12/2018, Thứ trưởng Lê Hải An đã nhấn mạnh, Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo; kiên quyết dừng tuyển sinh đối với những cơ sở vi phạm quy định về tuyển sinh và chưa đạt điều kiện bảo đảm chất lượng, đồng thời công khai những cơ sở vi phạm để thí sinh và xã hội nắm rõ.
Ngoài ra, trước thời điểm tuyển sinh, các cơ sở phải công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là công khai mức học phí, tránh tình trạng nâng học phí bất thình lình, gây khó khăn cho người học, khiến dư luận xã hội bức xúc.
Trong thời đại 4.0, vai trò của Toán học quan trọng hơn bao giờ hết
Tại Hội nghị Toán Việt – Mỹ 2019, ngày 10/6/2019 được tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (TP Quy Nhơn, Bình Định) với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu, trong đó có nhiều nhà toán học nổi tiếng thế giới đến từ Mỹ và Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cho biết, các trao đổi khoa học giữa Việt Nam và các nước khác đang rất khởi sắc, không chỉ giữa Việt Nam và các nước phương Đông mà còn giữa Việt Nam với các nước phương Tây. Sự hợp tác về mặt khoa học giữa Việt Nam và nhiều nhà khoa học của Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực Toán – Tin học đã được thiết lập từ rất sớm và ngày càng phát triển cả về chiều rộng và bề sâu.
Thứ trưởng Lê Hải An, Việt Nam rất coi trọng phát triển giáo dục và nghiên cứu toán học. Cụ thể là năm 2010, Bộ GD&ĐT đã thành lập Viện nghiên cứu Toán học cao cấp Việt Nam để triển khai các chương trình quốc gia nhằm phát triển ngành toán.
“Trong thời đại cách mạng kỹ thuật số (4.0) hiện nay, vai trò của Toán học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hội nghị sẽ là diễn đàn tốt để các nhà khoa học chia sẻ thành tựu nghiên cứu và ứng dụng toán học, để thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực toán học và đặc biệt để thúc đẩy vai trò của các nhà toán học trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn của Việt Nam”, Thứ trưởng Lê Hải An khi đó nói.
Phát biểu cuối cùng của Thứ trưởng Lê Hải An: “Nguồn nhân lực phải có khả năng cạnh tranh bình đẳng”
Ngày 16/10, tại hội thảo Triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với đào tạo khối ngành sức khỏe ở các trình độ của giáo dục đại học được tổ chức tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Lê Hải An cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng khung trình độ quốc gia nhằm đảm bảo trình độ đào tạo, đáp ứng nhu cầu kinh tế xã hội, cung cấp sự linh hoạt và tiến bộ cho người học và có được sự công nhận quốc tế.
“Việt Nam đã là thành viên Cộng động kinh tế ASEAN (AEC), tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới là yêu cầu bắt buộc”, Thứ trưởng Lê Hải An nói.
Thứ trưởng Lê Hải An cho rằng, Thứ trưởng, để triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam cho giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ sở giáo dục Đại học đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo. Từ đó giúp các trường rà soát, phát triển chương trình đào tạo, thống nhất về những chuẩn mực tối thiểu về đầu ra cho từng ngành/khối ngành.
Đồng thời cho hay, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Theo quy định của Luật, tất cả chương trình đào tạo của các trường trong thời gian tới cần được rà soát, điều chỉnh, cập nhật hoặc phát triển mới đều phải phù hợp với chuẩn chương trình theo quy định của Luật.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An nhấn mạnh, điều này rất phù hợp với việc triển khai thực hiện VQF vì khi phát triển một chương trình đào tạo cần phải đặt chuẩn đầu ra. Việc triển khai VQF cũng cần quan tâm đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đảm bảo chất lượng đào tạo, làm tiền đề cho việc di chuyển lao động tự do trong khu vực ASEAN và trên thế giới được thuận lợi.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An sinh ngày 1/4/1971, nguyên quán tại Xuân Đan (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Ông là con trai út của Nhà giáo Nhân dân Lê Hải Châu, tác giả sách giáo khoa môn Toán trước đây.
Ông Lê Hải An được bổ nhiệm và giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tháng 11/2018 phụ trách bậc giáo dục Đại học.
Ngày 19/2/2019, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã công bố Quyết định chuẩn y bổ sung ông Lê Hải An, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT tham gia Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2015-2020.
Trước khi công tác tại Bộ GD-ĐT, ông Lê Hải An từng có nhiều năm công tác tại Trường đại học Mỏ - Địa chất.
Cụ thể, ông An bắt đầu quá trình làm việc tại Trường đại học Mỏ - Địa chất từ tháng 12/1995 với vai trò trợ giảng Bộ môn Địa vật lý ở Khoa Dầu khí.
Sau đó, Thứ trưởng Lê Hải An là Bí thư Đảng ủy trường ĐH Mỏ - Địa chất, Thành viên Hội đồng trường, Chủ tịch HĐTV, Giám đốc, Hiệu trưởng, Chủ tịch HĐ KHĐT Trường, cán bộ giảng dạy, Ủy viên Hội đồng Khoa.
Từ tháng 8/1988 tới tháng 6/1995, ông Lê Hải An theo học ngành Địa Vật lý, Đại học Thăm dò Địa chất Matxcơva (CHLB Nga). Năm 1998, ông Lê Hải An lấy bằng Thạc sĩ, chuyên ngành Dầu khí, ĐH Tổng hợp Brunei. Từ tháng 8/1998 tới 7/2001, ông là giảng viên kiêm Bí thư chi đoàn cán bộ Khoa Dầu khí của ĐH Mỏ - Địa chất Hà Nội. Giai đoạn từ tháng 8/2001 đến tháng 11/2004, ông làm nghiên cứu sinh và nhận bằng Tiến sĩ ngành Dầu khí tại ĐH Heriot-Watt (Vương quốc Anh). Năm 2012, ông vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Và tới tháng 11/2018, ông Hải An được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Tâm Đức

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN