Tại phiên thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng ngày 23/10, nữ đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã nhiều lần nghẹn ngào khi tranh luận lại đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) về việc đại biểu này nhận định tăng giờ làm thêm là nhân văn. Thậm chí có lúc bà Nguyễn Thị Quyết tâm đã bật khóc khi nói về cuộc sống của công nhân.
Tăng giờ làm thêm là nhân văn
Thảo luận góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói rằng vấn đề thời gian làm việc bình thường và đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là quy định “phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế và rất nhân văn”.
“Chúng ta quy định linh hoạt rằng, thời gian làm việc tối đa là 48 giờ/tuần và Nhà nước khuyến khích tuần làm việc ít hơn 44 hay 40 giờ tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, quy định này hợp lý, hợp tình”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Ông Lộc phân tích, hầu hết các quốc gia có trình độ phát triển tương tự và đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta đều quy định thời gian làm việc là 48 giờ.
|
Đại biểu Vũ Tiến Lộc. |
“Chúng ta vừa mới chỉ thoát khỏi ngưỡng nghèo và mới là nước có thu nhập trung bình ở trình độ thấp, năng suất lao động thậm chí còn đang thấp nhất trong khu vực thì áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp. Hơn nữa, thời gian lao động sẽ làm suy giảm cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và khó đưa đất nước thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất với tương lai nền kinh tế Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc nêu rõ.
Đồng thời, theo Đại biểu Lộc, giảm thời gian làm việc sẽ dẫn đến giảm tiền lương, làm chậm kế hoạch tăng lương vì doanh nghiệp sẽ tính toán lại. Hơn nữa, năng suất lao động nước ta còn thấp nên tiền lương, thu nhập chưa cao. Giảm giờ làm sẽ giảm thu nhập, người lao động vẫn phải tìm kiếm việc để làm, dẫn đến hệ luỵ khó lường.
Chủ tịch VCCI đánh giá việc giảm giờ làm trong bối cảnh hiện nay không mang lại lợi ích cho người lao động, gây chi phí doanh nghiệp tăng, giảm sự cạnh tranh dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, nhiều lao động mất việc làm.
Nữ đại biểu nghẹn ngào nói về giờ làm, tiền lương công nhân
Không đồng tình với ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã tranh luận lại ý kiến về “giờ làm việc và tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm là hợp lý, nhân văn và tự nguyện”.
“Tôi không biết đại biểu Lộc nghe từ đâu để nói chính sách này nếu Quốc hội thông qua sẽ nhân văn và tự nguyện? Nhân văn và tự nguyện trên cơ sở nào? Tính tự nguyện nghe từ đâu? Nếu nói là nghe từ người lao động thì tôi lấy làm lạ. Tôi thực sự bất ngờ với nhận định này của đại biểu Lộc vì tôi nghe rất nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn nói công nhân không muốn làm thêm giờ, dù thực tế họ cần làm thêm giờ”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng chia sẻ thực tế, khá nhiều công nhân và những người làm công tác công đoàn nói rằng người lao động không muốn làm thêm giờ mặc dù họ cần.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm. |
“Vậy chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ?”. Cho rằng câu hỏi này quá dễ trả lời, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu rõ, “vì tiền lương, thu nhập hiện nay thật sự không đủ trang trải cuộc sống”.
Giọng nghẹn ngào, bà Quyết Tâm nói tiếp: “Hãy nhìn những đứa trẻ phải gửi về quê. Có người mẹ, người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí 1 - 2 năm chưa được về thăm con. Rất nhiều người ông, người bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để cha mẹ chúng đi làm việc".
Chỉ ra thực trạng khá phổ biến này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói rằng, “những người lao động như thế, họ không cam chịu, không muốn làm gánh nặng của xã hội, phải đi tìm việc làm mà nói rằng họ tự nguyện để làm thêm quần quật suốt ngày. Tôi cho rằng phát biểu này cần phải tranh luận để làm sáng tỏ; họ không tự nguyện mà cần làm thêm để có thu nhập”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn.
Khẳng định quyền học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc bản thân, gia đình… là một trong những quyền cơ bản được Hiến định, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm day dứt: “đại biểu phát biểu có nghĩ đến các quy định trong Hiến pháp về quyền con người phải được bảo vệ như thế nào không? Hãy nghĩ đến trách nhiệm và nghĩa vụ của giới chủ, người sử dụng lao động và còn cả tình người đối với người lao động nữa. Nhân văn ở đây là gì, nhân văn là bảo vệ quyền con người đã được Hiến định, là tình người trong sử dụng lao động”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Nữ đại biểu nhấn mạnh sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ và không nên dựa chủ yếu vào sức lực của người lao động mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều kiện làm việc và sự tiến bộ xã hội.
"Sẽ không có tiến bộ xã hội khi ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động", đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.