Theo quy hoạch về phát triển cấp nước cho các khu đô thị và công nghiệp đến năm 2025, Việt Nam hướng đến các mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiếp cận nước sạch an toàn ở nông thôn đạt 75%. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nước.
Ngành nước sạch đang cần nguồn lực đầu tư rất lớn, đặc biệt là khu vực tư nhân. Ước tính, trong vòng 5 năm (2017-2022), nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực này lên tới 10 tỉ USD. Thời gian qua, cuộc chiến giành quyền cung cấp nước sinh hoạt với dự án lên tới nghìn tỷ giữa các đại gia diễn ra âm thầm nhưng khá quyết liệt.
Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư 5.000 tỉ đồng được khánh thành vào ngày 5/9 vừa qua.
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn thấy tiềm năng của ngành nước tại Việt Nam nên đã đổ nguồn lực đầu tư vào đây. Công ty CP Đầu tư Việt Nam - Oman (VOI) - liên doanh giữa Quỹ Dự trữ Quốc gia (SGRF) của Oman và Tổng công ty Quản lý vốn nhà nước (SCIC) - đã đầu tư 19 triệu USD xây dựng Nhà máy Nước Sông Hậu, đã đi vào hoạt động vào cuối năm 2017, cung cấp một phần nước sạch cho tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.
VOI cũng đã khởi động xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Đuống của Tập đoàn AquaOne do bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) làm chủ tịch HĐQT, với tổng nguồn vốn đầu tư 225 triệu USD, cung cấp nước sạch cho người dân ở Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Một tên tuổi khác phải kể đến là Công ty Manila Water Asia Pacific (Philippines) thông qua việc mua cổ phần của Công ty CP Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) để đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào ngành nước sạch Việt Nam. Hiện SII nắm 11 công ty con và công ty liên kết trong ngành nước với mục tiêu trở thành nhà phát triển hạ tầng hàng đầu trong ngành công nghiệp nước sạch tại Việt Nam.
Rồi các quỹ đầu tư như VOF, Dragon Capital, Maybank Kim Eng, Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam (VMFVF1), Quỹ Đầu tư tăng trưởng Việt Nam (VFMVF2) cũng không bỏ qua "món hời" của ngành nước sạch, cũng đang mua cổ phần tại các công ty con của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).
Triển vọng của ngành kinh doanh nước sạch còn thu hút nhiều nhà đầu tư khác tham gia như Gelex đầu tư trên 60% vốn Nước sạch Sông Đà (Viwasupco - VCW). Hay nhóm nhà đầu tư kín tiếng tại 3 công ty nước lớn có liên quan là BWE, TDM và Cấp nước Đồng Nai (Dowaco).
Sự hấp dẫn của một ngành kinh doanh thiết yếu, mang tính độc quyền địa phương như nước sạch, thu hút quy mô của nhà đầu tư ngày càng lớn để tạo ra lợi thế chi phối. Chẳng hạn, mới đây, nhà máy nước mặt Sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne trở thành dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc đã chính thức vận hành.
Đây là dự án nhà máy có quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha, mức đầu tư lên tới 5.000 tỉ đồng đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người - chiếm 1/3 dân số Hà Nội và một số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên. Giai đoạn 1 của dự án có công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Bà chủ nhà máy nước mặt sông Đuống khẳng định: "Nếu Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội và các tỉnh đặt hàng, cứ 12 tháng chúng tôi có thể cung cấp thêm 150.000m3 nước sạch mỗi ngày đêm".
AquaOne hiện sở hữu ít nhất 3 nhà máy gồm Sông Hậu, Sông Đuống và Xuân Mai với tổng công suất 1,6 triệu m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, AquaOne còn đầu tư chiến lược tại nhiều công ty cấp thoát nước khác.
Mới đây, Công ty CP Nhựa Đồng Nai cũng đã nhanh chân giành một thị phần không hề nhỏ trên thị trường kinh doanh nước sạch. Nhựa Đồng Nai đã đầu tư vào các công ty thành viên, công ty liên kết trong ngành nước sạch đạt công suất thiết kế lên 580.000m3/ngày đêm và đặt mục tiêu đến năm 2022, đạt 1 triệu m3/ngày đêm. Công ty này đặt mục tiêu sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân số 1 về cung cấp nước sạch tại Việt Nam.
Thị trường nước sạch cũng không thể không nhắc đến cái tên Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) dưới sự điều hành của bà Nguyễn Thị Mai Thanh. Công ty này hiện sở hữu 35,95% cổ phần của Viwasupco. Không chỉ đầu tư vào Viwasupco, REE còn nắm giữ cổ phần của nhiều công ty kinh doanh nước sạch, nhà máy thuỷ điện ở Việt Nam. REE sở hữu cổ phần tại 4 nhà máy sản xuất nước sạch chiếm lần lượt 41% và 36% tổng công suất thiết kế tại TP.HCM và Hà Nội.
Trao đổi với Etime về cuộc chơi nghìn tỉ trong ngành kinh doanh nước sạch, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, đây là ngành kinh doanh đặc thù, thiết yếu của người dân, trong khi nguyên liệu đầu vào không mất phí, chỉ cần đầu tư hạ tầng và công nghệ xử lý vì thế mang lại khoản lợi nhuận siêu khổng lồ.
"Nhu cầu nước sạch ngày càng lớn, bất kỳ ai cũng cần dùng, hơn nữa bán mặt hàng này lại không mất đầu vào vì thế đầu tư vào nước sạch đang là một xu hướng", ông Doanh nói.
|