Nhìn lại những đại gia bán lẻ đã chia tay Việt Nam trước Parkson

Ngoại trừ Parkson, các đại gia bán lẻ nước ngoài như Metro, Auchan... cũng từng đặt nhiều kỳ vọng khi bắt đầu ở Việt Nam nhưng đều phải rời bỏ.
Kết quả kinh doanh thua lỗ kéo dài là nguyên nhân khiến nhiều ông lớn bán lẻ phải rời bỏ thị trường Việt Nam. Sự việc Parkson Việt Nam tuyên bố phá sản mới đây cho thấy thị phần bán lẻ Việt Nam là cuộc cạnh tranh khốc liệt nhiều năm qua.
Parkson phá sản vì đâu?
Cuối tuần qua, thị trường bán lẻ xôn xao khi Parkson chính thức đóng cửa, rút khỏi thị trường Việt Nam sau 18 năm có mặt. Cụ thể, Công ty TNHH Parkson Việt Nam đã chính thức nộp đơn lên TAND TPHCM xin phá sản với lý do hoạt động kinh doanh thua lỗ kéo dài. 
Báo cáo của tập đoàn này gửi Sở Giao dịch chứng khoán Singapore, nơi cổ phiếu của Parkson Retail được niêm yết, cho biết Parkson có lịch sử hoạt động thua lỗ nhiều năm tại Việt Nam. Những khoản lỗ ngày càng tăng trong bối cảnh kinh doanh đầy thách thức do hậu quả của đại dịch Covid-19. 

Năm 2022, hoạt động của Parkson tại Việt Nam ghi nhận khoản lỗ lên đến 2,3 triệu đô la Singapore (khoảng 1,7 triệu USD).

Là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB) - công ty thành viên của Tập đoàn Lion, Parkson gia nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2005 và phát triển chuỗi trung tâm mua sắm cao cấp tại các thành phố lớn là TPHCM, Hà Nội và Hải Phòng. Trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam khai trương vào tháng 6/2005 mang tên Parkson Saigon Tourist Plaza. Ở thời kỳ đỉnh cao, chuỗi bán lẻ này từng có 10 trung tâm thương mại cao cấp ở các vị trí đắc địa tại Hà Nội, TPHCM như: Parkson Viet Tower trên phố Thái Hà, Parkson Keangnam (Hà Nội), Parkson Paragon (TPHCM).

Thương hiệu này cũng không ngừng bành trướng đến Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Myanmar, có những giai đoạn gần chạm mốc 70 địa điểm khắp châu Á. Dù vậy, đến nay, ngoài 38 trung tâm ở Malaysia, Parkson chỉ còn hiện diện ở thị trường nước ngoài duy nhất là Việt Nam, với một địa điểm cuối cùng là Parkson Saigontourist Plaza ở địa chỉ 35 Bis - 45 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1 (TPHCM).

Ban lãnh đạo PRA đã đánh giá và xác định việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam không có tính khả thi về mặt thương mại, do đó việc nộp đơn phá sản trong thời điểm này là phù hợp và có lợi nhất cho Parkson VN. Tuy nhiên, nhìn vào sự thu hẹp quy mô của Parkson khắp các thị trường, kể cả Malaysia, có thể thấy rõ tập đoàn này đã trải qua thời kỳ khó khăn không chỉ ở Việt Nam.
Nhin lai nhung dai gia ban le da chia tay Viet Nam truoc Parkson
Trước Parkson, những "ông lớn" bán lẻ nào rời Việt Nam (ảnh minh họa: Internet). 
Hàng loạt ông lớn "bại trận"
Trước đó, năm 2021, trung tâm thương mại (TTTM) Lotte Mart Đống Đa lớn nhất tại Hà Nội của tập đoàn bán lẻ đến từ Hàn Quốc cũng đóng cửa. Lotte Mart từng tuyên bố mở rộng 60 siêu thị lớn tại Việt Nam, nhưng sau 15 năm, đến nay chỉ có 14 siêu thị.
Tương tự, siêu thị Emart vốn là thương hiệu bán lẻ hàng đầu đến từ xứ sở kim chi, sau hơn 5 năm kinh doanh ở Việt Nam cũng dừng lại và chuyển nhượng toàn bộ vốn cho Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) vào cuối tháng 5/2021. Trước đó, khi chính thức khai trương đại siêu thị Emart Gò Vấp (TPHCM) vào cuối năm 2015, đại diện nhà bán lẻ Hàn Quốc này cũng tự tin sẽ nhanh chóng mở điểm bán thứ 2 và nhiều điểm khác nữa, nhưng rồi cũng vẫn chỉ dừng lại ở một điểm duy nhất.
Trước dịch Covid-19 bùng phát, Auchan - một ông lớn bán lẻ đến từ Pháp vào Việt Nam giữa năm 2018 đã bán lại toàn bộ hệ thống siêu thị tại Việt Nam cho Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op), kết thúc hành trình 4 năm xây dựng và phát triển tại Việt Nam trước đó. Sau gần 5 năm hoạt động, doanh thu mảng bán lẻ của Auchan chỉ đạt 45 triệu EUR (50,4 triệu USD). Đến năm 2018, năm thứ 4 hoạt động tại Việt Nam, Auchan vẫn xác định đang thua lỗ. Auchan từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng tại Việt Nam, nhưng rồi cũng rời sân chơi bán lẻ Việt Nam rất sớm.
Trước Auchan, hãng phân phối Casino Group (Pháp) cũng đã bán lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group của gia tộc tỷ phú Thái Chirathivat với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,05 tỷ USD.
Một thương vụ đình đám khác là Tập đoàn TCC (Thái Lan) đã mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Tập đoàn Metro Cash & Carry (Đức) tại Việt Nam với tất cả trung tâm và các bất động sản liên quan trị giá 655 triệu euro. Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Trước khi chuyển nhượng, Metro có 19 trung tâm thương mại tại 14 tỉnh, thành; 5 kho trung chuyển và tổng cộng khoảng 3.600 nhân viên. Tập đoàn này chia tay Việt Nam sau nhiều năm kinh doanh không khả quan và thương hiệu Metro biến mất khỏi thị trường sau khi được bán lại cho đối tác Thái Lan, khi bị đổi tên thành Mega Market VN.
Doanh nghiệp nội làm chủ "sân nhà"
Trong khi bán lẻ ngoại “hụt hơi” thì bán lẻ nội có vẻ ăn nên làm ra. Sau hơn 2 năm sáp nhập vào hệ sinh thái của Tập đoàn Masan, VinCommerce (nay là WinCommerce - WCM) có chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ lớn trải đều trên cả nước. Quý 1/2023, doanh thu thuần của WCM ghi nhận 7.335 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ, mở thêm 55 WinMart+ và 1 WinMart trong quý đầu năm, nâng lên 3.442 địa điểm trên toàn quốc cho cả cửa hàng tiện lợi, siêu thị nhỏ và đại siêu thị. Năm 2022, doanh thu thuần của WinCommerce ghi nhận đạt 29.369 tỷ đồng. Doanh nghiệp này dự kiến tiếp tục mở hơn 1.000 cửa hàng mới và kỳ vọng tăng 25% doanh thu cấp cửa hàng. Thay vì mở rộng mô hình siêu thị/đại siêu thị, doanh nghiệp cho biết năm nay sẽ tập trung vào mô hình cửa hàng đa tiện ích, siêu thị mini ở cả khu vực thành thị lẫn nông thôn để củng cố vị thế chuỗi bán lẻ.
Tương tự, nhà bán lẻ có tuổi đời "lớn" nhất so với các nhà bán lẻ nội địa là Saigon Co.op luôn "ăn nên làm ra", lợi nhuận trước thuế hằng năm hơn 1.000 tỷ đồng từ năm 2015 đến nay. Tốc độ mở rộng, phủ sóng của doanh nghiệp này cũng rất nhanh. Năm 2022, chuỗi bán lẻ này đạt doanh số 30.888 tỷ đồng, vượt 216 tỷ đồng so với cùng kỳ và đạt 99% kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, mảng thương mại điện tử đóng góp hơn 1.200 tỷ vào doanh số chung của đơn vị. Saigon Co.op đặt mục tiêu tăng trưởng 4,5% trong năm nay.
Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 TTTM và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước. Con số này cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang đảo ngược tình thế, làm chủ "sân nhà".
Liên Hà Thái

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN