Nhiều cụ bà mất tiền tỷ vì một cuộc điện thoại

Dù đã được cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông đại chúng nhiều lần cảnh báo, song thời gian gần đây, tại TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành vẫn liên tiếp xảy ra những vụ gọi điện thoại giả danh công an để lừa đảo.
Với những chiêu thức mới tinh vi hơn, có cụ bà đã chuyển khoản cho các đối tượng đến hơn 6 tỷ đồng mới phát hiện ra mình bị lừa đảo.
1. Có mặt tại Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội, chúng tôi đã được chứng kiến những câu chuyện của nhiều phụ nữ đã vào độ tuổi “thất thập” kể lại tình huống bị lừa mà chúng tôi vừa buồn cười, vừa thấy xót xa thay cho họ.
Một buổi trưa, bà Trần Thu H. (68 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) nhận được cuộc điện thoại từ một người phụ nữ thông báo bà nợ cước điện thoại gần 10 triệu đồng. Bà H. đang thắc mắc thì phía đầu dây nói bà bấm số 0 sẽ được giải đáp. Làm theo, bà H. được một người đàn ông, xưng là điều tra viên của phòng CSĐT tại TP HCM cho biết bà đang có giấy triệu tập của cơ quan công an. Người này cũng thông báo bà H. có một tài khoản mở tại quận 1, TP HCM hiện đang nợ cước viễn thông.
Sau khi hỏi số CMND của bà H., đối tượng làm động tác tra cứu thông tin. Phía đầu dây một cảnh sát khác tuyên bố một câu khiến bà H. toát mồ hôi hột: “Đã có lệnh bắt khẩn cấp bà Trần Thu H. với tội danh buôn bán ma túy...”. Dù bà H. ra sức thanh minh, đối tượng bảo chỉ có cách duy nhất chứng minh là bà H. phải gửi tất cả số tiền trong tài khoản ngân hàng cho “cơ quan điều tra”. Sau khi kiểm tra nếu thấy tiền này là “sạch” thì sẽ trả lại, không thiếu một xu.
Cán bộ Công an lấy lời khai đối tượng trong đường dây lừa đảo quốc tế.. 
Đối tượng lừa đảo cũng không quên dặn bà H. việc chuyển tiền phải hết sức bí mật, không được kể với ai. Sốt sắng với việc chứng minh mình trong sạch, bà H. đã đi rút 2 sổ tiết kiệm với số tiền gần 1 tỷ đồng để gửi vào tài khoản cho đối tượng. Sau khi gửi xong, bà H. gọi lại cho đối tượng để thông báo thì mới phát hiện số điện thoại kia không liên lạc được.
Phân trần với chúng tôi, bà H. cho biết vốn là viên chức nhà nước, đã nghỉ hưu. Trước kia cũng có làm thêm một số công việc viết lách. Số tiền kia là tiết kiệm cả đời của vợ chồng bà. Bọn chúng đã diễn một màn kịch quá hoàn hảo, kẻ tung người hứng. Chúng giả vờ đối thoại với nhau, một người giọng rất hung dữ, phẫn nộ với tội phạm ma túy. Đối tượng còn lại thì dẫn dụ, bắt bà H. không được rời điện thoại.
Đặc biệt, bọn chúng còn gửi cho bà H. một bức ảnh chụp lại tờ “Lệnh bắt khẩn cấp”, trong đó có ghi rõ bà H. đã phạm vào các tội: “buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền, trốn thuế...”. Cả đời chưa bao giờ dính dáng đến pháp luật, nên khi nhận được bức ảnh kia, dù chỉ là một tờ giấy với nội dung cắt dán lộn xộn, song, khi nhận được bức ảnh này, bà H. lại càng lo sợ và cứ răm rắp làm theo lời bọn chúng. Thậm chí, buổi chiều ngày hôm đó, bà H. đi rút tiền để gửi cho các đối tượng thì không được (do ngân hàng đã hết giờ làm việc) thì ngay sáng hôm sau bà H. vội vã ra ngân hàng để gửi bằng được cho chúng mới thôi.
Với thủ đoạn lừa đảo tương tự, đã có rất nhiều phụ nữ cao tuổi ở Hà Nội dính phải bẫy lừa của các đối tượng. Như bà Nguyễn Thị D. (75 tuổi, trú tại phường Quảng An, quận Tây Hồ) đã chuyển cho các đối tượng hơn 6 tỷ đồng mới phát hiện ra là bị lừa.
Theo bà D. ngày 16-3-2018, bà nhận được một cuộc điện thoại vào máy cố định của gia đình, đối tượng đầu dây bên kia tự xưng là công an, công tác tại Công an TP HCM đang điều tra vụ án ma túy liên quan đến bà D. Người gọi điện yêu cầu bà D. chuyển tiền vào tài khoản của họ để phục vụ công tác điều tra. Từ ngày 16 đến ngày 19-3, theo chỉ dẫn của người mạo danh là công an, bà D. đã chuyển tiền vào 4 tài khoản tại 4 ngân hàng, với tổng số tiền là 6,1 tỷ đồng.
Bà Nghiêm Thị M. (72 tuổi, trú tại khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai) cũng nhận được một cuộc điện thoại vào máy cố định của gia đình bà. Đối tượng tự xưng là công an, với thủ đoạn cũ, nói bà M. liên quan đến một đường dây tội phạm, yêu cầu bà M. chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ điều tra.
Bà M. đã xuống một ngân hàng ở tầng 1 tòa nhà chuyển 260 triệu đồng vào một tài khoản cá nhân. Sau khi chuyển tiền, bà M nghĩ lại biết mình đã bị lừa nên vội trình báo cho Công an quận Hai Bà Trưng.
Ngày 11-4, cũng với thủ đoạn tương tự, một nạn nhân ở phố Tân Mai, quận Hoàng Mai cũng nhận được cuộc điện thoại đến nhà giả danh công an lừa hơn 1,1 tỷ đồng...
Tiếp xúc với các bị hại, chúng tôi đều cảm thấy xót xa thay cho họ. Bởi tuổi đã cao, tự nhiên lại bị mất một đống tiền. Đó là những đồng tiền mồ hôi nước mắt tích cóp cả đời, hoặc bán tài sản, đất đai của cha ông để lại. “Nếu chồng con tôi mà biết được chuyện này chắc tôi chết mất” - cụ bà H. nói.
Nhóm đối tượng cũng tỏ ra rất chuyên nghiệp, khi dựng lên một màn kịch hoàn hảo. Đồng thời, chúng cũng nhắm vào những cụ bà đã nhiều tuổi, không phải ai cũng đủ minh mẫn để nhận ra được cái bẫy đã giăng sẵn.
2. Theo một điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây nạn gọi điện thoại giả danh cán bộ của các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án... lại liên tục tái diễn với những hình thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Các đối tượng vẫn diễn màn kịch cho bị hại biết họ đang nợ cước điện thoại. Dần dà, chúng sẽ “moi” thêm các thông tin về giấy CMND, tài khoản ngân hàng... rồi tuyên bố bị hại liên quan đến các vụ án nghiêm trọng như buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền... Muốn chứng minh trong sạch thì phải làm theo yêu cầu của bọn chúng.
Nhóm đối tượng cũng giả cách nói chuyện của Cơ quan công an, đồng thời tạo những âm thanh, tiếng động như tiếng người lao xao ở công sở, tiếng còi hụ như thể chúng đang ở trụ sở cảnh sát khiến cho bị hại thêm phần tin tưởng. Thêm nữa, bọn chúng cũng rất tinh vi khi luôn hỏi hiện bị hại đang ở một mình hay có ai khác nữa để tiện đường đối phó. Bọn chúng cũng bắt bị hại không được hé răng với người khác.
Bên cạnh đó, chúng còn chế ra những văn bản như: “Giấy triệu tập”; “Lệnh bắt khẩn cấp”... rồi gửi cho bị hại, khiến họ hoang mang lo sợ. Nếu những người tinh ý thì sẽ phát hiện ra những văn bản đó có nội dung được cắt dán lộn xộn “đầu ngô mình sở”.
Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, hình thức lừa đảo thông qua phương thức VOIP (Voice over Internet Protocol - là phương thức truyền thông sử dụng giao thức TCP/IP dựa trên cơ sở kết nối Internet) đã rộ lên trong nhiều năm gần đây. Nhóm đối tượng thường do một tay “trùm sò” người nước ngoài đứng đầu, câu kết với các đối tượng người Việt.
Đặc biệt, nhóm tội phạm dạng này thường hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, có tính chất quốc tế và thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, đặt hệ thống tổng đài ở nước ngoài.
“Kịch bản mà nhóm tội phạm dạng này thực hiện phải do một đối tượng “lão luyện” về tâm lý tội phạm dàn dựng. Từ cách tiếp cận nạn nhân, dẫn dắt, cuốn vào “mê hồn trận”, rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý khiến họ rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn, không còn tỉnh táo, chỉ biết làm theo những gì chúng yêu cầu. Thậm chí, nhiều bị hại sau khi gửi sạch tiền trong tài khoản cho chúng rồi vẫn còn nghĩ rằng mình đang hợp tác với... cơ quan điều tra” - vị này cho biết.
Cơ quan công an khuyến cáo người dân khi có người tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện đến hỏi việc thì người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập hợp lệ (ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan làm việc).
Bên cạnh đó người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Nếu ai đó yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân thì phải hiểu ngay đó là kẻ lừa đảo, vì Cơ quan công an không có tài khoản mang tên cá nhân, cũng không bao giờ yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh mình vô tội. Mặt khác, cơ quan chức năng khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định hoặc lập biên bản. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng.
Đồng thời để phòng tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, người dân cần lưu ý không mua, bán, cho mượn giấy CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng... Trong trường hợp chuyển tiền cho tài khoản người khác nghi hoạt động lừa đảo thì người dân cần báo ngay cho Cơ quan công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn.
Bắt nhóm tội phạm quốc tế chuyên lừa đảo qua điện thoại
Tháng 4-2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệt phá một đường dây lừa đảo quốc tế gồm 3 người Đài Loan và 5 người Việt.
Theo tài liệu điều tra ban đầu từ Cơ quan công an, nhóm đối tượng này là một trong nhiều “chân rết” của một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Hiện vẫn còn nhiều chân rết khác đang hoạt động tại Việt Nam. Chỉ riêng nhánh này đã thực hiện chiếm đoạt được số tiền lên tới gần 10 tỷ đồng.
Nạn nhân của đường dây lừa đảo này hầu hết là những người phụ nữ đã lớn tuổi. Các đối tượng sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao, tổ chức cực kỳ chặt chẽ, tinh vi.
Kịch bản của chúng là gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo một tay trùm tội phạm vừa bị bắt và khai ra bị hại là đồng phạm. Số tiền trong ngân hàng của bị hại là tiền bẩn. Để chứng minh vô tội, bị hại phải lập tài khoản mới, chuyển hết tiền vào để công an điều tra. Nhưng tài khoản này đồng thời phải đăng ký theo số điện thoại do chúng cung cấp.
Ngay sau đó, nhóm tội phạm đã dùng số điện thoại mà nạn nhân đăng ký, dùng dịch vụ internet banking chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản khác rồi biến mất.
Theo Yên Chi/CAND

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN