Ba tuần qua, chị Trương Hoàng Oanh (27 tuổi, ngụ phường 6, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) gửi đơn kêu cứu đến nhiều cơ quan Trung ương để mong được xem xét lại hai bản án đã có hiệu lực pháp luật, khiến mẹ con chị phải rời khỏi căn nhà số 17 (số mới là 60) đường Yết Kiêu, phường 6, TP Sóc Trăng. Do công việc không ổn định, lại nuôi hai con nhỏ (5 và 6 tuổi) nên chị Oanh không có tiền thuê nhà trọ, phải ăn, ở nhờ nhà của một người bạn.
Theo hồ sơ tố tụng, năm 2003, cha chị Oanh là ông Trương Hàn Thông có mua căn nhà của một phụ nữ cùng phường 6 và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đất ở.
Ngày 31/8/2006, ông Thông đang trị bệnh ở TP.HCM thì được cho là đi ôtô về quê, đến UBND phường 6 lập di chúc cho vợ chồng chị ruột (bà T.T.L.) căn nhà nói trên và bà L. có nghĩa vụ trao trả cho chị Oanh 1/5 giá trị căn nhà.
|
Chị Oanh cho rằng không thể tin việc cha mang căn nhà đi cho người khác, bỏ con gái lâm cảnh khốn khó. |
Tháng 1/2007, ông Thông qua đời. Cuối năm 2009, chị Oanh với mẹ ruột có đơn yêu cầu TAND TP Sóc Trăng không công nhận di chúc của ông Thông. Theo nguyên đơn, ngày 31/8/2006, ông Thông trị bệnh tại Bệnh viện Triều An (TP.HCM) trong tình trạng lúc tỉnh, lúc mê nên tờ di chúc không hợp pháp.
Tháng 9/2012, TAND TP Sóc Trăng xử sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu của vợ, con ông Thông. Tháng 8/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm, tiếp tục công nhận di chúc của ông Thông là hợp pháp. Theo hai cấp tòa này, kết quả giám định chữ ký trong di chúc và chữ ký của ông Thông trên tài liệu so sánh là do một người ký ra.
Đến tháng 5/2017, TAND Cấp cao tại TP.HCM có quyết định giám đốc thẩm, hủy hai bản án từng tuyên chị Oanh thua kiện. Quyết định giám đốc thẩm chỉ ra chi tiết trong kết luận giám định số 54 (ngày 27/3/2012) của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) là dấu lăn tay trong tờ di chúc và dấu vân tay trong mẫu so sánh không phải in từ một ngón tay.
“Ngày 31/8/2006, ông Thông đang điều trị tại Bệnh viện Triều An, bác sĩ điều trị thăm khám 3 lần, điều dưỡng 9 lần thăm bệnh. Trong đó, 2 lần điều dưỡng có báo cáo với bác sĩ do bệnh nhân có diễn biến bất thường.
Như vậy, việc tòa án phúc thẩm nhận định trong ngày 31/8/2006, bác sĩ chỉ khám cho ông Thông có một lần nên ông Thông còn quỹ thời gian về Sóc Trăng yêu cầu UBND phường 6 chứng thực di chúc là suy đoán, thiếu căn cứ pháp lý”, quyết định giám đốc thẩm nêu.
Tháng 3/2019, TAND tỉnh Sóc Trăng đưa vụ án ra xét xử lại và tuyên vợ, con ông Thông thua kiện. Tháng 9/2019, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm với nội dung công nhận di chúc của ông Thông về việc cho vợ chồng bà L. căn nhà trên đường Yết Kiêu.
|
Di chúc của ông Thông. |
Theo bản án phúc thẩm lần này, lý do duy nhất để nguyên đơn khởi kiện và kháng cáo là cho rằng thời điểm lập di chúc ông Thông đang điều trị tại Bệnh viện Triều An nên không thể đến UBND phường 6.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng một số nội dung trong các tờ điều trị có nội dung ghi ngược lại về mặt thời gian có trong hồ sơ bệnh án là không đúng với Luật Khám, chữa bệnh năm 2009 và Quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành tháng 9/2017.
Từ đó, bản án phúc thẩm cho rằng không đủ căn cứ kết luận ông Thông nằm điều trị suốt ngày tại bệnh viện vào ngày 31/8/2006. Bản án còn đưa ra kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Sóc Trăng (ngày 21/12/2018) xác định dấu vân tay trong di chúc là của ông Thông.
Căn cứ vào bản án vừa nêu, ngày 2/7, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Sóc Trăng đã cưỡng chế chị Oanh để lấy căn nhà giao cho vợ chồng bà L.
“Tôi không bao giờ tin cha mình mang căn nhà cho chị ruột, để con của ông ấy phải khổ. Chồng bỏ đi từ khi tôi sinh đứa con gái thứ hai được hai tháng. Tôi không nghề nghiệp ổn định, lại nuôi hai con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn”, chị Oanh nói trong nước mắt.