Đại gia Lê Phước Vũ
Ông Lê Phước Vũ hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Hoa Sen. Năm 2001, với số vốn tích góp trong suốt 7 năm lăn lộn, ông thành lập Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, sản xuất các sản phẩm tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm và các loại vật liệu xây dựng khác.
|
Ngày 9/7, ông Lê Phước Vũ đã thực hiện nghi lễ quy y Tam Bảo.
|
Với phương châm làm ăn “mua tận gốc, bán tận ngọn” ông Vũ đã cất công xây dựng một hệ thống phân phối để bán trực tiếp tới người dùng, điều được thị trường ghi nhận như một “độc chiêu” đúng đắn giúp công ty non trẻ của ông đứng vững và cạnh tranh sòng phẳng với nhiều “tiền bối” trong lĩnh vực này.
Ông Lê Phước Vũ không những là một doanh nhân tài ba, mà còn là 1 phật tử thấm nhuần triết lý nhà Phật. Vị đại gia đã giác ngộ, đưa triết lý nhà Phật vào cuộc sống với suy nghĩ “Sống và làm việc không phải cho mình mà là cho tất cả mọi người”.
Theo chia sẻ của ông Vũ, gia đình ông có truyền thống theo đạo Phật, bà nội của ông Vũ là người xuất gia từ năm 1972 theo phái khất sĩ. Sau đó ba ông cũng theo đạo Phật.
Từ nhỏ ông đã sống theo tín ngưỡng gia đình. Lúc đó đạo Phật đối với ông Vũ mang tính tín ngưỡng nhiều hơn là sự tỏ ngộ tâm linh và một sự thấu hiểu, quán triệt tinh thần về tâm linh.
Năm 30 tuổi, ông Vũ quay lại với đạo Phật, bắt đầu đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi tự vấn như Gốc rễ của thế giới đó là gì? Sự tương tác giữa con người và tâm linh là gì? Và nó tương tác qua cái gì? Sau tất cả, bản chất của thế giới tâm linh đó là gì?
Năm 2018 ông Vũ quyết định lên núi sống thanh tịnh. Theo chia sẻ, 1 tháng ông chỉ ghé tập đoàn 2 lần, mỗi lần 2 tiếng. Đồng thời, ông Vũ còn miêu tả núi nơi mình sống như cảnh thần tiên, có suối để tắm rất đẹp.
Tháng 1/2019, vị đại gia bất ngờ xuống núi điều hành Đại hội đồng cổ đông thường niên niên độ tài chính 2019-2020 của tập đoàn.
Và mới đây, ngày 9/7, ông Lê Phước Vũ đã thực hiện nghi lễ quy y Tam Bảo với sự chứng minh truyền thọ của Đức Hòa thượng Đệ Tam Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ tại Chùa Viên Minh sau gần 20 năm "kèo lái" Tập đoàn Tôn Hoa Sen.
Đặng Lê Nguyên Vũ
Vào cuối năm 2013, ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhịn ăn, ngồi thiền 49 ngày cùng một nhóm gần chục người tại núi M’drăk, Đăk Lăk.
|
Ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ tham gia thiền định từ năm 2013.
|
Chia sẻ với báo chí vào thời điểm ấy, ông Vũ cho biết, ông cần một khoảng thời gian tịnh tâm, thiền và nhịn ăn trong 49 ngày để tinh thần minh mẫn, nghĩ những việc lớn. Thực phẩm duy nhất của cuộc “trường chinh” này chỉ là món nước mè đen. Nói về chuyện này, vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho hay, năm 2014, sau khi kết thúc 49 ngày thiền định và nhịn ăn tại trang trại M’dărk, ông Vũ có những biến đổi bất thường về sức khỏe, dẫn đến nhiều biến cố trong gia đình và nội bộ doanh nghiệp. Kể từ thời điểm này, ông Vũ rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và gia đình.
Tuy nhiên, sau 5 năm lên "núi thiêng M’dărk" thiền định, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ có mặt ở sự kiện kỷ niệm thành lập 22 năm Tập đoàn Trung Nguyên và ra mắt hệ sản phẩm cà phê mới (2018), ông chủ Trung Nguyên ăn vận như một tu sĩ, mặc áo dài đen, quần lĩnh trắng rộng, cổ quấn khăn rằn, hai tay chắp lưng. Ông tự xưng là "Qua", gọi những người xung quanh là "người anh em".
Ông Vũ cho biết nhiều năm qua, ông đã hiểu hết đời sống nội tại, có thể kiến tạo sự hoàn hảo cho chính mình và cho từng gia đình của nhân viên mình, có thể cho cả quốc gia và thế giới này, có thể bằng mọi giải pháp, mọi thứ.
Ông khẳng định sau hơn 5 năm thiền định, ông đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này, đồng thời sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.
Trong vụ tranh chấp giữa vợ chồng "vua" cà phê, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông Vũ không ít lần bày tỏ nỗi lao tâm khổ tứ nghĩ kế sách "cứu Trung Nguyên, cứu gia đình, cứu anh Vũ", ngược lại, ông Vũ chọn cách giữ im lặng trong thời gian dài, cho đến khi tổ chức một cuộc gặp báo giới kéo dài tới 4 tiếng.
Tại cuộc gặp này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định sức khỏe của ông hoàn toàn bình thường.
Phạm Nhật Vũ ẩn tu tại gia
Phạm Nhật Vũ, là một doanh nhân Việt Nam, em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Ông cũng là người đã thọ giới quy y, "ẩn" tu tại gia với pháp danh Từ Vân.
|
Phạm Nhật Vũ ẩn tu tại gia với pháp danh Từ Vân.
|
Ông Phạm Nhật Vũ được công chúng biết đến nhiều hơn khi mua độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá V-League 20 năm. Sau đó, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đăng đàn phản đối, thành lập công ty VPF với mục tiêu giành lại giải này từ VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đơn vị ký độc quyền với AVG - Truyền hình An Viên).
Năm 2018, cái tên Phạm Nhật Vũ lại được nhắc đến với quyết định hủy bỏ thương vụ 8.900 tỷ đồng với Mobifone.
Trước đó, năm 2004, ông Phạm Nhật Vũ bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu về truyền hình trả tiền. Đến năm 2008, AVG chính thức được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng. AVG bắt đầu phát sóng thử nghiệm cuối năm 2010, trước khi chính thức khai thác thương mại một năm sau đó.
Phạm Nhật Vũ hâm mộ 5 chữ (ngũ căn) trong đạo Phật: Tín (có niềm tin, tôn trọng và giữ đúng lời hứa với người khác để có được sự tín nhiệm của mọi người); Tấn (tu hành rốt ráo, nâng cao kiến thức); Niệm (luôn luôn có ý nghĩ trong sáng); Định (không bị xáo trộn, luôn vững vàng); Tuệ (trí tuệ mẫn tiệp, quyết định sáng suốt). Trong đó chữ Tín luôn đứng ở đầu. Mọi việc lấy chữ "tín" làm đầu.
Theo ông Vũ, trong khi làm việc, nếu không có chữ 'tín' thì không thể thành công được. "Đã hứa thì phải giữ lời hứa, có thế mới giữ được sự tín nhiệm của người khác với mình".
Nguyên Chủ tịch của AVG được biết đến là người bỏ tiền trùng tu chùa Trúc Lâm Thanh Lương thuộc xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh; xây dựng Trúc Lâm tịnh viện tại đảo Hòn Tre, thành phố Nha Trang...
Nhằm góp phần chăm lo sức khỏe cho Chư Tôn Đức Tăng Ni trong Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), mới đây Nhóm Chăm sóc Sức khỏe do Cư sĩ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ đứng đầu đã phát tâm phối hợp với Vinmec cấp thẻ khám chữa bệnh dành riêng cho lãnh đạo GHPGVN, tại hệ thống bệnh viện Vinmec.
Ngày 13 tháng 4 năm 2019, ông Phạm Nhật Vũ bị bắt vì tội đưa hối lộ cho Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn trong vụ MobiPhone mua AVG.
Lê Thị Thu Huyền
Lê Thị Thu Huyền là Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Nữ Hoàng (Hải Phòng). Doanh nhân Huyền “Nữ Hoàng” trở thành một “hiện tượng” của giới doanh nhân Hải Phòng khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp chị đã quyết định thế phát (xuống tóc) và để lại toàn bộ sự nghiệp cho người em trai của mình.
|
Doanh nhân Lê Thị Thu Huyền quyết định xuống tóc khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. |
Lê Huyền là một trong những doanh nhân làm nên thương hiệu đá hàng đầu của Việt Nam. Từ con số “0”, bắt đầu thành lập công ty từ rất sớm, doanh nhân Lê Huyền vụt sáng khi đưa công ty sản xuất đá của mình trở thành một trong những công ty hàng đầu về đá tại Việt Nam. Sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường và trở thành tỷ phú có trong tay hàng triệu đô la.
Tuy nhiên, vào lúc rực rỡ nhất của đỉnh cao sự nghiệp, bất ngờ doanh nhân Lê Huyền quyết định thế phát. Mọi người xung quanh cũng như gia đình đều rất “sốc” nhưng với chị thì đây là một ước mơ ấp ủ từ rất lâu rồi.
Bản thân doanh nhân Lê Huyền là người thấu hiểu nhất câu nói “nhấc lên được đã khó, đặt xuống được còn khó hơn”. Đang ở đỉnh cao nhất của sự nghiệp mà buông bỏ để xuống tóc là một điều “không tưởng” với hết thảy mọi người.
Theo quan điểm của hầu hết mọi người xuống tóc là vào chùa tụng kinh niệm Phật, ăn chay và thọ giới. Nhưng doanh nhân Lê Huyền lại cho rằng: “một người không có sức khỏe chỉ có một ước mơ đó là có sức khỏe. Người xuất gia có trăm ngàn ước mơ, tôi muốn tất cả người Việt Nam đều trở thành doanh nhân thành đạt, có chí hướng thì đất nước Việt Nam sẽ ngày một phát triển và tôi sẽ dành hết sức mình để phát nguyện cho điều đó”.
Nguyễn Mạnh Hùng
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - nhà sáng lập, Chủ tịch Thái Hà Books từng có nhiều năm học tiến sĩ ở Liên Xô, rồi về làm ở FPT.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hùng là Phật tử có Pháp danh Thiện Đức. |
Ông vốn là Phật tử có Pháp danh Thiện Đức. Bởi vậy Thái Hà Books được biết đến là nhà xuất bản có mảng riêng chuyên về sách Phật giáo. Ông nghiên cứu về Phật giáo từ khi còn là sinh viên và bắt đầu tu tập ở độ tuổi 30.
“Ngày xưa, tôi có nhiều bệnh tật lắm, thậm chí vài lần chết hụt rồi. Năm 2000 ở Sydney (Úc), bác sĩ đã khám kết luận tôi bị tiểu đường, mỡ máu, men gan và chỉ định bắt buộc phải uống thuốc. Nhưng thực tế, nhờ thiền mà bao năm nay chẳng thuốc men gì, tôi vẫn khỏe re.
Thêm nữa, thiền cho ra rất nhiều ý tưởng. Ngày xưa, cứ tọa thiền là tôi mang theo sổ và bút. Ngồi thiền, ý tưởng mới và lạ cứ thế tuôn ra. Ghi lại và triển khai. Lúc đó tôi mới hiểu tại sao Bill Gates, Steve Jobs… lại sang Ấn Độ học thiền; tại sao tập đoàn Google tại có phong trào thiền cho cả tập đoàn”, ông Hùng chia sẻ về cơ duyên đến với Thiền định.
Vị đại gia từng tâm sự sáng nào ông cũng ngồi thiền và tụng kinh niệm Phật. Đó cũng là cách thư giãn, giải trí của ông mỗi khi căng thẳng hay gặp khó khăn trong công việc. “Còn hơi thở là tôi vẫn đọc sách, vẫn thiền, mãi là Phật tử”, ông khẳng định.
Đại gia ăn chay Nguyễn Văn Trường
Doanh nhân Nguyễn Văn Trường (SN 1964) là chủ của nhiều doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó nổi tiếng nhất là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường. Cũng chính vì doanh nghiệp này mà ông còn được gọi với cái tên đại gia Xuân Trường.
Ông Nguyễn Văn Trường được coi là một đại gia ẩn mình, là người sùng đạo Phật, có cuộc sống bình dị ăn chay trường từ nhiều năm nay. Ông ít khi xuất hiện trên báo chí và thường từ chối chụp ảnh với cả những người bạn làm báo thân thiết nhất, bởi theo ông, những việc mình làm “không có gì to tát”.
Ông nổi tiếng với câu nói: “Đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý”.
Với triết lý đó, trong hơn chục năm qua, công ty của ông đã liên tục xây các công trình to lớn, để đời, như là một cách để lưu lại thành quả của mình như: Tam Chúc – Ba Sao, Bái Đính – Tràng An.
KTS Võ Trọng Nghĩa thường điều hành công ty của mình từ xa
KTS Võ Trọng Nghĩa quan niệm: Giữ giới, hành thiền là ít tật nhất rồi. Giữ ít nhất 5 giới là không nói dối, không trộm cắp, không sát sinh, không tà dâm, không dùng rượu bia và chất kích thích là rất tốt rồi.
Tôi cho rằng, thêm một người giữ giới thì xã hội tốt đẹp hơn. Điều đó quan trọng hơn việc thiết kế và xây dựng một công trình kiến trúc nhiều.
Bắt đầu theo đuổi thiền từ năm 2012, anh đã dành 3 năm vừa qua tại Trung tâm Thiền định Pa-Auk Tawya - một tu viện Phật giáo ở Myanmar. Anh vẫn giải quyết công việc thông qua điện thoại, nhưng chỉ trong những khoảng thời gian ngắn.
“Tôi ở Myanmar tu tập từ năm 2017 đến giờ, thỉnh thoảng mới ra ngoài nhưng chỉ đi trong thời gian rất ngắn. Tôi đã tu đến giai đoạn thiền tuệ rồi và có kết quả tốt. Tôi có mong muốn học thêm về kinh điển của Đức Phật nên sẽ vẫn ở lại Myanmar trong thời gian tới” – TKS Võ Trọng Nghĩa chia sẻ.
Trong thời gian tới, Võ Trọng Nghĩa dự định sẽ quay trở lại Việt Nam. Tại công ty của anh, toàn bộ nhân viên đều ngồi thiền ít nhất 2 tiếng/ngày. Họ phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đạo đức, tránh xa rượu chè, thuốc lá và dối trá.
Vì với anh, một tâm trí không vướng bận, nếu muốn phát triển một ý tưởng, nó sẽ tới khá dễ dàng. Thay vì nghĩ về ý tưởng, tôi thiền và rồi tôi chỉ cần khoảng 5-10 phút là tìm ra một ý tưởng phù hợp.
“Trước hết, tôi muốn mọi người biết về việc chúng tôi thiền mỗi ngày và có những quy tắc hành xử nghiêm ngặt trong công ty. Nếu bạn có thể thiền vài tiếng, rất nhiều điều sẽ trở nên sáng rõ trong tâm trí. Khi ấy, bạn sẽ thấy mình giống như siêu nhân so với con người trước đây của mình. Kiến trúc lúc ấy cũng trở nên đơn giản, dễ dàng hơn.
Chúng tôi không yêu cầu nhân viên làm việc thật cần mẫn suốt nhiều giờ đồng hồ, nhưng chúng tôi muốn họ dọn dẹp tâm trí, thanh lọc xúc cảm. Đó là lý do tại sao công việc của chúng tôi diễn ra tốt đẹp – ông quan niệm.