Trong dòng hồi tưởng về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), bà Hoàng Thị Khánh (nguyên Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ những ký ức không thể nào quên. Đó là những ngày thấp thỏm giữa vòng vây cuối cùng của kẻ địch, là khoảnh khắc bình minh tự do đến bất ngờ và vỡ oà, là niềm tự hào về cuộc tự giải phóng ngoạn mục của những người tù chính trị ngay tại "địa ngục trần gian" Côn Đảo.
Lo lắng nghẹt thở và khoảnh khắc vỡ òa “thắng rồi”, “sống rồi”
Bà Hoàng Thị Khánh nhớ lại, tháng 4 năm 1975 ở Côn Đảo địch có nhiều hoạt động khác thường như liên tục tổ chức khám xét các phòng giam, chuyển phòng, chuyển trại đối với tù chính trị. Nhờ giấu được 2 chiếc radio (1 ở Trại 6B nam, 1 ở Trại 6B nữ) nên bà Khánh và các đồng đội theo dõi được tốc độ tiến quân và giải phóng các tỉnh hướng về Sài Gòn.
Ngày 21/4/1975 quân ta giải phóng tỉnh Long Khánh (cách Sài Gòn 72km), hiểu được hành động của địch, các tù chính trị càng cố gắng bảo vệ chiếc radio quý giá. Tuy nhiên, ngày 24/4/1975, địch lục soát gắt gao và đã tịch thu cả 2 chiếc radio.
Từ đó, bà Khánh và các bạn tù mất tin tức, tình hình bên ngoài, chỉ hình dung bước tiến của quân ta qua các hành vi của địch đối với tù chính trị.
Địch không cho tù nhân ra ngoài tắm, đưa cơm, nước uống, đổ thùng cầu… tất cả công việc đó đều do trật tự tù thường phạm làm, tù chính trị bị đưa vào phòng giam đóng cửa không cho ra ngoài.
Khoảng 4 ngày sau, từ phòng giam Trại 6B, những người tù nhìn thấy đám lính và trật tự tập trung đào bới, chôn cất thứ gì đó. Sau khi tìm hiểu mới biết địch đang gài mìn. Điều đó cho thấy tình hình đã rất căng thẳng.
Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, một cuộc họp bàn bí mật trong tù đã diễn ra. Nhận định chung là quân ta đã áp sát Sài Gòn, địch có thể ra tay thủ tiêu tù chính trị trước khi tháo chạy hoặc đầu hàng. Xác định tinh thần sắt đá, bà Khánh cùng các chị em đã thống nhất: "Nếu có chết thì cũng phải chết cho đàng hoàng".
Mọi người được dặn dò giữ bình tĩnh, ăn mặc tươm tất và chuẩn bị tinh thần tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 thật trang trọng, như một lời khẳng định khí phách ngay cả trong tình huống xấu nhất. Tiếng máy bay gầm rú liên hồi trên bầu trời Côn Đảo từ chiều 28/4 đến 30/4 càng làm tăng thêm bầu không khí nghẹt thở.
Thế nhưng, niềm vui đã đến thật bất ngờ. Khoảng gần 4 giờ sáng ngày 1/5/1975, tên Trại trưởng Trại 6B bất ngờ mở cửa phòng giam nơi bà và các nữ tù khác đang bị giam giữ, nói một câu làm sững sờ tất cả: "Mấy bà ra đi, bên mấy bà thắng rồi".
Sự cảnh giác cao độ và tâm thế chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất khiến các nữ tù không tin ngay. Chị Dung Tiến đại diện cho chị em, đanh thép đáp trả: "Nếu cần giết chúng tôi, các ông cứ đàng hoàng thông báo, mắc chi phải lừa chúng tôi ra ngoài để giết? Hèn lắm! Không đáng đàn ông chút nào cả”.
Trước sự kiên quyết đó, tên trại trưởng phải khẳng định lại và vội về lấy chiếc radio cassette làm bằng chứng. Lúc đó đã gần 5 giờ sáng ngày 1/5/1975, từ đài Sài Gòn, giọng Thượng tướng Trần Văn Trà đang đọc Thiết quân luật mạch lạc, trang nghiêm, dũng mãnh vang lên trong không khí yên lặng của phòng giam.
“Không ai bảo ai, chúng tôi đồng loạt hô lên sung sướng: Mình thắng rồi, mình thắng rồi mấy chị ơi. Mình sống rồi! Bác Hồ muôn năm! Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm!
Niềm vui chiến thắng được chờ đợi suốt thời gian bị bắt, tù đày, sự căng thẳng trong suốt những ngày qua gần như vỡ oà và chúng tôi không ai còn có thể đứng vững, mọi người khuỵu xuống vừa hô vừa khóc… Cho đến tận hôm nay, tôi vẫn thấy mình nghẹn ngào sung sướng khi hồi tưởng lại những giây phút đó. Cảm xúc đó đúng như lời bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng, “Vui sao nước mắt lại trào…”, bà Hoàng Thị Khánh xúc động nhớ lại.
Ngày hội ngộ, mừng chiến thắng hòa cùng nước mắt tưởng nhớ
Ngay sau niềm vui giải phóng, tinh thần tự lực, tự cường của những người tù chính trị bừng lên mạnh mẽ. Chùm chìa khóa trong tay họ đã mở tung không chỉ các phòng giam Trại 6B mà còn lan ra các trại khác.
Đến 6 giờ sáng, tin tức từ Trại 7 báo về, hơn 4.000 tù chính trị Côn Đảo đã tự giải thoát. Một Đảng ủy lâm thời gồm 12 đồng chí nhanh chóng được thành lập do đồng chí Trịnh Văn Tư (Tám Lô) làm Bí thư, cùng với đó là Ủy ban hòa hợp, hòa giải dân tộc tỉnh Côn Sơn do Linh mục Phạm Gia Thụy làm Chủ tịch, với sự tham gia của Trung tá Lê Cầu, Đại úy Kiều Văn Dậu và các đại diện khác, trong đó có chị Hai Nhân và chị Phạm Thị Đào đại diện cho nữ tù. Lực lượng vũ trang cách mạng tự phát hình thành, làm chủ hoàn toàn Côn Đảo chỉ trong buổi sáng ngày 1/5.
 |
Bà Hoàng Thị Khánh (ngoài cùng, bên phải) thăm, tặng quà gia đình cựu tù Côn Đảo ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Đình Hùng.
|
Cuộc tự giải phóng diễn ra nhanh chóng và ngoạn mục đến mức, khi lực lượng Hải quân và bộ đội chủ lực được Bộ Tổng Tham mưu điều động ra giải phóng đảo vào ngày 4/5, họ đã vô cùng bất ngờ và xúc động khi biết những người tù chính trị đã tự làm nên kỳ tích, giữ đảo nguyên vẹn mà không tốn một viên đạn. Bà Khánh kể lại khoảnh khắc các đồng chí trong Ban Chỉ huy đoàn giải phóng ôm chầm lấy từng thành viên Đảng ủy đảo, nghẹn ngào nói: "Rất biết ơn các đồng chí đã tự giải phóng... mừng lắm, mừng lắm."
Sáng ngày 4/5, hàng ngàn cựu tù từ các trại đã tập trung về trụ sở Ủy ban, hô vang khẩu hiệu chào mừng Quân Giải phóng trong niềm hân hoan vô bờ. Chiều cùng ngày, một lễ mít tinh mừng Côn Đảo hoàn toàn giải phóng được tổ chức trang trọng tại sân Dinh Chúa đảo cũ. Hàng chục ngàn cựu tù, dù gầy yếu, áo quần tả tơi, nhưng gương mặt ai cũng ngời sáng niềm vui chiến thắng. Những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" do chính những người tù biểu diễn, những điệu múa, bài hát, những câu vọng cổ vang lên đầy xúc cảm.Tiếng hát, tiếng đàn như hoà quyện vào nhau làm mọi người đều chảy nước mắt, nghẹn ngào.
“Có lẽ, tất cả những đồng chí đứng dưới cờ hôm ấy đều không thể quên được sự hy sinh và những nắm xương của đồng đội đang bị chôn vùi dưới nghĩa địa Hàng dương, Hàng keo. Nếu có linh hồn trong cõi chết, các anh chị cũng đang cùng mọi người vui sướng đón niềm vui mới, ngày mọi người thoát khỏi địa ngục trần gian Côn Đảo”, cựu tù Côn Đảo Hoàng Thị Khánh nghẹn ngào.
Bà Khánh cho hay, đến tối ngày 4 tháng 5 năm 1975, chuyến tàu chiến thắng đầu tiên đưa 549 anh chị đau yếu, lớn tuổi về đất liền. Từ nay, Côn Đảo sẽ hồi sinh dưới sự quản lý của những người con yêu nước đã từng bị đoạ đày trong địa ngục trần gian.