Kiên Giang: Máy bay không người lái gây tai nạn chết người, xử lý sao?

Vụ người đàn ông ở Kiên Giang tử vong do va chạm với máy bay không người lái khiến độc giả đặt câu hỏi, người điều khiển máy bay có thể sẽ bị xử lý thế nào nếu vi phạm quy định?

Ngày 26/11, lãnh đạo huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho biết cơ quan chức năng đang điều tra, xử lý vụ người dân điều khiển máy bay không người lái gây tai nạn làm chết 1 người đi đường. Vụ việc xảy ra vào khoảng 7h ngày 20/11.

Vào thời điểm này, ông B.V.T. (SN 1975; ngụ xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất) điều khiển xe máy trên đoạn đường kênh 15 (thuộc ấp Hiệp Trung, xã Mỹ Hiệp Sơn) thì bất ngờ va chạm với máy bay không người lái do ông M.V.L. (SN 1995; ngụ cùng xã) đang điều khiển phun thuốc ruộng lúa. Cú va chạm khiến ông T. bị cánh quạt máy bay gây thương tích nặng. Mặc dù được người dân nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng ông T. đã tử vong vào ngày 21/11 tại bệnh viện.

Nơi xảy ra sự việc.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong trường hợp việc sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc sâu này không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, vi phạm các quy tắc đảm bảo an toàn dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người điều khiển phương tiện bay ngày về tội vô ý làm chết người theo điều 128 Bộ luật Hình sự.

Sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu là trường hợp được quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, cá nhân, tổ chức muốn sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu cần phải xin phép cơ quan chức năng có thẩm quyền. Cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu là Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu. Khi xin phép sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu, cần lưu ý những điều sau: Xem xét các quy định về sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu: Trước khi xin phép, cần tìm hiểu kỹ các quy định về sử dụng máy bay phun thuốc trừ sâu tại địa phương. Các quy định này thường được quy định tại các văn bản pháp luật như Nghị định 36/2008/NĐ-CP của Chính phủ...

Theo luật sư Cường, đây là một tình huống tai nạn lao động mới, nếu không tăng cường công tác quản lý thì trong tương lai sẽ xảy ra nhiều vụ việc tương tự. Với sự việc như vậy thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc sử dụng máy bay không người lái có phù hợp với quy định của pháp luật hay không, có vi phạm các quy tắc đảm bảo an toàn hay không để xác định người điều khiển có lỗi hay không làm cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý.

"Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người điều khiển chiếc máy bay không người lái này đã có lỗi trong quá trình điều khiển dẫn đến không kiểm soát được hướng di chuyển để xảy ra tai nạn chết người thì cơ quan điều tra có thể khởi tố người này về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự với hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ngoài trách nhiệm pháp lý có thể bị phạt tù tới 5 năm tù thì người có lỗi gây ra cái chết của người khác phải bồi thường thiệt hại đối với toàn bộ chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc trước khi chết, chi phí mai táng và bồi thường tổn thất về tinh thần.

Qua vụ việc này thì cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm soát phương tiện bay tự động, quy định về điều kiện cũng như là các yếu tố đảm bảo an toàn để tránh những vụ việc dân sự có thể xảy ra.

Đạt Gia