Hành khách “tố” hải quan Nội Bài “làm luật”: Bài học nào cho ngành hải quan?

Hành khách Đ.T.H trở về trên chuyến bay VN 553 tiếp tục phản ánh tình trạng Hải quan sân bay Nội Bài có thái độ thiếu chuẩn mực, gây khó khăn, sách nhiễu đối với người dân khi làm thủ tục hải quan.
Nhiều vụ việc lùm xùm, “tố” lực lượng hải quan sân bay “làm luật” chưa kịp lắng xuống thì mới đây, hành khách Đ.T.H (trú tại Mỹ Đình 1, Hà Nội) trở về trên chuyến bay VN 553 từ Thành Đô (Trung Quốc) về Hà Nội tiếp tục phản ánh tình trạng Hải quan sân bay Nội Bài có thái độ thiếu chuẩn mực, gây khó khăn, sách nhiễu đối với người dân khi làm thủ tục hải quan.
 Lô hành lý của chị Đ.T.H bị giữ tại sân bay Nội Bài. Ảnh người dân cung cấp
Dù vụ việc đã trôi qua được 2 ngày, nhưng chị Đ.T.H vẫn không thể giấu nổi sự bức xúc trước thái độ ứng xử của một số cán bộ hải quan tại Sân bay Nội Bài.
Chị Đ.T.H cho biết: “Ngay sau khi hạ cánh xuống Hà Nội lúc 17 giờ 15 phút chiều 04/4. Sau khi qua máy soi xong, một anh nhân viên hải quan yêu cầu tôi mở hành lý ra để kiểm tra, tôi đã làm đúng tất cả những gì nhân viên hải quan yêu cầu.
Hành lý tôi mang về để làm quà biếu những người thân quen, gồm: 50 hộp trà, 10 hộp nhang, 40 hộp thuốc Thanh Tâm đông dược, 2kg thịt bò khô, 10 hộp thuốc ngậm ho đông dược… Sau khi kiểm tra, người này gọi thêm 3 nhân viên nữ vào và trao đổi với nhau, trường hợp này phải báo cáo lãnh đạo để xử lý, nhưng kiểm tra hộ chiếu xem là hộ chiếu thường hay là hộ chiếu công vụ đi rồi điện thoại báo cáo ngay cho chị Linh Đội phó”.
“Tôi cứ nghĩ nhân viên hải quan sẽ mang tờ khai ra và yêu cầu tôi kê khai để nộp thuế nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ một ai đề cập đến việc này, có một chị nhân viên hải quan tự động móc hộp trà của tôi lên và tự do phát biểu định giá như ngoài “chợ trời” hộp này phải 5 triệu/hộp, chỗ này tổng trị giá phải vài trăm triệu là ít” - chị H. thuật lại diễn biến vụ việc.
Chứng kiến tình cảnh lô hàng hóa mua về làm quà có trị giá 5.000 nhân dân tệ (quy đổi theo tỉ giá hiện hành khoảng 18 triệu đồng Việt Nam) được định giá vô cùng nực cười, chị H. không khỏi sốc trước cách làm việc của vị cán bộ hải quan này.
“Chờ đợi hơn 2 tiếng đồng hồ, không một lời giải thích hay hướng dẫn làm thế nào để có thể thông quan số hành lý nói trên. Bỗng, có giọng nói trống không vang lên “Làm ở cơ quan nào? Xem tiền nong thế nào giải quyết nhanh đi, đang đói quá rồi. Giờ này là giờ phải đi ăn lâu rồi mà bây giờ vẫn còn ngồi đây để xử lý lô hàng này”. Rõ ràng “lô hàng” là từ ngữ dành cho dân buôn, còn tôi đi du lịch và mua quà về nhà cho gia đình, người thân chứ tôi không đi buôn và tôi dứt khoát tôi không bao giờ chấp nhận bị “xin đểu” như thế. Tại sao họ lại ép tôi phải “làm luật” cho họ?” - Chị H. bức xúc cho biết.
Lấy lý do không mang theo nhiều tiền, chị H. chấp nhận ra về trong “uất nghẹn”, nhưng điều làm chị H. càng bất ngờ hơn khi lực lượng Hải quan sân bay Nội Bài giữ lại số hành lý nêu trên nhưng không hề lập biên bản, không thực hiện niêm phong hay thủ tục kiểm kê theo quy định.
“Họ ngang nhiên giữ hành lý để ép tôi đến ngày 05/4/2018 phải mang tiền mặt đến chuộc hành lý của mình? Tôi ko có giấy hẹn cũng như không có bất cứ một thứ giấy tờ gì? Thế tôi biết làm việc với ai? Và ai là người đảm bảo cho tôi là hành lý của tôi sẽ không bị thất thoát? Tôi không còn biết tin vào đâu, kêu cầu ai khi nhân viên thực thi pháp luật lại hành xử như vậy?” – Chị H. nói.
Câu chuyện của chị H. gợi nhớ lại hồi tháng 12/2017, khi một phụ nữ cùng con gái đi trên chuyến bay từ Nhật về, mang theo vài kiện hàng nhỏ và được Hải quan sân bay Nội Bài yêu cầu đưa vào một căn phòng nhỏ để kiểm tra. Người phụ nữ này đã tỏ ra giận dữ, để cô con gái đi cùng quay toàn bộ clip, tung lên mạng xã hội (facebook) và tố cáo 2 cán bộ, nhân viên hải quan tại đây gây khó dễ. Theo phản ánh của công dân này, chỉ vì không chịu “làm luật” 5 triệu đồng nên mặc dù số hàng trên không đáng bị coi là loại hàng hóa đáng bị kiểm tra (cồng kềnh) nhưng vẫn bị đưa vào phòng khám.
Rõ ràng, qua những vụ việc trên, nếu như việc kiểm tra, giám sát tùy tiện, không được minh bạch, công khai hóa, thì người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ động cơ của cán bộ, công chức ngành hải quan.
Nếu chỉ số ít người phản ánh có chuyện tiêu cực mà thiếu bằng chứng thì có thể không coi là chuyện nhỏ. Nhưng nếu cả hàng trăm người khác nhau, cùng phản ánh một câu chuyện thì ngành hải quan cũng nên tự vấn lại cung cách làm việc của mình.
Để rộng đường dư luận cũng như đưa tin khách quan về vụ việc người dân phản ánh, phóng viên đã chủ động liên hệ với phía Cục Hải quan Hà Nội để đặt lịch làm việc; tuy nhiên, vị đại diện Hải quan Hà Nội cho biết, do có cuộc họp nên lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội chưa thể làm việc ngay và sẽ trao đổi lại sau khi có lịch hẹn cụ thể.
Nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, không để phát sinh khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, du lịch, ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố Hà Nội, dư luận đang trông chờ các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý những kiến nghị sau:
Thứ nhất, Tổng cục Hải quan cần chỉ đạo Cục Hải quan Hà Nội xác minh toàn bộ nhân viên ca trực liên quan để giải trình và báo cáo lại sự việc. Bện cạnh đó, cần truy trách nhiệm cán bộ phụ trách ca trực, có hay không việc buông lỏng quản lý để cán bộ hành xử thiếu chuẩn mực với người dân, không có mặt kịp thời để sự việc diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Thứ hai, cần làm rõ quy trình kiểm tra của các nhân viên hải quan nêu trên. Cần trả lời câu hỏi, có hay không việc cán bộ hải quan nhũng nhiễu, “vòi vĩnh” tiền của người dân khi tiến hành làm thủ tục thông quan tại Sân bay Nội Bài hoặc một số cá nhân “móc nối” nhận tiền của người dân để chuyển hành lý vượt tiêu chuẩn, trái quy định “lọt qua” cửa hải quan?
Thứ ba, Bộ Tài chính cần có biện pháp chấn chỉnh quyết liệt nhằm thay đổi thái độ, sự phục vụ của cán bộ, công chức ngành hải quan nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực này.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo Phan Anh Tuấn/Tạp chí Mặt Trận

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN