Giá trị dinh dưỡng từ hạt vừng

(khoahocdoisong.vn) - Mè (vừng) tên khoa học Sesamum indicum là loại cây ngũ cốc rất hữu ích được trồng nhiều nơi. Không chỉ hạt vừng mà các bộ phận như hoa, lá, ngọn cây đều là vị thuốc quý trong Đông y...

Theo sách Dược tính chỉ nam “Dầu vừng vị ngọt, tính hàn không độc, tác dụng nhuận đại tràng, chữa phụ nữ sinh không ra nhau, dầu sống bôi chữa chốc đầu, tóc rụng, chữa hết thảy chứng chốc lở ngứa ghẻ, các chứng trùng độc”. Hạt vừng giàu protid, lipid, glucid, xơ, vitamin B1, B2, PP, E, các chất khoáng như Ca, P, K, Na, Mg, Fe, Zn, Se, Cu, Mn, đều là dưỡng chất rất có lợi cho cơ thể. Hạt vừng là vị thuốc chủ yếu chữa huyết hư, táo bón, mắt yếu, gân xương yếu, ngăn ngừa bệnh tim mạch, huyết áp, bệnh sinh dục tiết niệu. Trẻ em và người lớn ăn vừng thường xuyên giúp khỏe mạnh, ít bệnh.

Hạt vừng rất giàu protein, trong hạt có đầy đủ protein chất lượng cao, vì vậy người ăn chay không cần ăn thịt mà ăn thay bằng lạc, vừng, đậu đã đủ protein cung cấp cho cơ thể. Vừng chứa magiê và nhiều chất dinh dưỡng khác giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn vừng giúp giảm huyết áp, magie trong vừng cũng là nguyên tố giúp hạ huyết áp. Chất sesamol có trong vừng giúp làm giảm cholesterol (bởi nó có chứa phytosterol ngăn chặn sản xuất cholesterol). Hạt vừng đen đặc biệt chứa rất nhiều phytosterol. Hàm lượng chất xơ cao của hạt vừng giúp ruột hoạt động tốt hơn và có ích cho quá trình bài tiết chất thải.

Đối với phụ nữ và trẻ em, hàm lượng kẽm cao trong vừng giúp sản xuất collagen, cho làn da đàn hồi tốt hơn và giúp sửa chữa những tổn hại trên các mô cơ thể. Thường xuyên sử dụng dầu vừng có thể làm giảm ung thư da. Dầu vừng giúp tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách ngăn ngừa các tổn thương xơ vữa động mạch với các chất chống oxy hóa và các hợp chất chống viêm được gọi là sesamol.

Trong những kỳ làm việc, học tập căng thẳng, sử dụng dầu vừng và hạt vừng giúp giảm stress. Khoáng chất magie và canxi trong vừng, các vitamin thiamin làm dịu và tryptophan giúp sản xuất serotonin, làm giảm đau, giúp cải thiện tâm trạng, mang đến giấc ngủ sâu cho người sử dụng. Hạt vừng giàu sắt, vì vậy, trẻ thiếu máu được khuyên dùng loại thực phẩm này. Hàm lượng đồng cao trong hạt vừng giúp ngăn ngừa và làm giảm viêm khớp, giúp xương cứng vững. Hạt vừng chứa nhiều canxi, hàm lượng kẽm cao của vừng làm tăng mật độ khoáng xương. Trẻ hen suyễn ăn hạt vừng rất tốt. Magie trong hạt vừng giúp ngăn ngừa rối loạn hô hấp bằng cách ngăn ngừa co thắt đường hô hấp và hen suyễn. Trẻ gái muốn có mái tóc dày, đen bóng nên ăn nhiều vừng để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho da đầu và tóc khỏe mạnh.

Để chữa chứng rụng tóc người ta lấy hoa cây vừng khoảng 7 tháng phơi trong mát cho khô, dùng 20 - 30g sắc nước uống, lấy nước cốt bôi vào tóc nhiều lần kết hợp hạt vừng rang chín thơm tán nhuyễn, hòa nước sôi cho thêm đường, sữa nấu uống nhiều lần. Nếu tóc khô, gãy rụng, nhiều gầu, lấy một nắm lá  vừng, lá dâu tằm mỗi thứ 1 nắm khoảng 100g rửa sạch cho nước gạo nấu sôi, gội đầu nhiều lần. Trẻ chốc đầu, mụn lở lấy hoa cây vừng tươi giã nhuyễn sát vào vùng da chốc lở ngày vài lần sẽ có kết quả.

BS Nguyễn Phan Trúc Nguyên (Vũng Tàu)

BS Nguyễn Phan Trúc Nguyên