Dùng chỉ nha khoa: Lợi bất cập hại vì sai cách

Hiện nay ngày càng nhiều người chọn sử dụng chỉ tơ nha khoa bởi đây là một giải pháp tốt để làm sạch răng miệng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc dùng chỉ nha khoa không chỉ đơn giản là đưa sợi chỉ vào các kẽ răng và kéo qua kéo lại. Thực tế rất nhiều người mắc sai lầm khi dùng chỉ nha khoa, dẫn đến đẩy vi khuẩn và mảng bám sâu hơn vào nướu, không chỉ gây đau đớn mà còn làm tăng nguy cơ bệnh nướu răng.

Không chỉ là kéo qua kéo lại

Robin Seymour, giáo sư danh dự của chuyên ngành Nha khoa tại Đại học Newcastle, cho biết, chỉ nha khoa là một giải pháp tuyệt vời cho việc bảo vệ sức khỏe răng miệng.

 

Chỉ nha khoa sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng của bạn bằng cách loại bỏ các mẩu thức ăn và mảng bám giữa các kẽ răng. Nếu những mảnh vụn thức ăn và mảng bám này không được làm sạch sẽ dễ gây kích thích nướu, gây viêm và mưng mủ, cuối cùng là bệnh nha chu và các bệnh về nướu khác.

Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều người sử dụng chỉ nha khoa sai cách. Hầu hết mọi người sử dụng chỉ nha khoa đều nghĩ rằng, việc dùng chỉ rất đơn giản là đưa chỉ tơ nha khoa vào kẽ răng và kéo qua kéo lại.

Vì thế, việc dùng của mọi người rất tùy tiện, ngẫu hứng dẫn đến một loạt sai lầm như không tuân thủ độ dài của chỉ và dùng đi dùng lại đoạn chỉ ngắn này cho tất cả hàm răng; kéo chỉ mạnh khiến cho lợi bị chảy máu; chọn loại chỉ không phù hợp với cấu tạo của hàm răng…

GS Seymour cho rằng dùng chỉ nha khoa đòi hỏi một mức độ cao về kỹ năng thao tác, nếu không muốn đẩy các mảnh vụn thức ăn và các mảng bám nằm giữa hai kẽ răng của mình xuống bên dưới nướu răng và để nó ở đó, điều này khiến cho việc dùng chỉ nha khoa trở nên vô tác dụng, thậm chí còn làm hôi miệng thêm khi các vụn thức ăn mắc trong kẽ răng và phân hủy.

Ngoài ra chính hành động cưa kéo sợi chỉ qua lại cũng có thể gây tổn thương nướu răng, dẫn đến sưng viêm nướu.

Không đúng kỹ thuật, hãy dừng lại

Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Phong, Phòng khám răng Hà Nội, việc dùng chỉ nha khoa cần những chú ý nhất định để thao tác đúng cách, chứ không chỉ đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ và làm. Việc thao tác sai kỹ thuật không những không loại bỏ mảng bám hiệu quả, mà còn làm tăng nguy cơ của bệnh nướu răng. Vì vậy, hãy đọc hướng dẫn và tuân thủ cả một quy trình từ độ dài của chỉ, cách thao tác chỉ, chọn chỉ phù hợp với răng…

Thông thường, lấy một đoạn chỉ dài khoảng 45 cm và cuộn chung quanh hai ngón tay giữa, để lại một đoạn ở giữa khoảng 4 cm, dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ giữ sợi chỉ, đẩy sợi chỉ nhẹ nhàng lên và xuống giữa hai kẽ răng; nhẹ nhàng uốn sợi chỉ vòng theo chân răng, và phải chắc rằng bạn đưa sợi chỉ xuống tới đường viền nướu.

Không được đè mạnh sợi chỉ, điều này có thể làm cắt rách hoặc làm bầm mô nướu mỏng. Dùng những đoạn chỉ sạch khi bạn chuyển từ kẽ răng này sang kẽ răng khác. Để lấy chỉ ra, cũng dùng chuyển động lên xuống và nâng sợi chỉ lên và ra khỏi kẽ răng.

Trong trường hợp bạn không đủ tự tin với thao tác của mình thì tốt nhất hãy dừng việc sử dụng chỉ nha khoa và thực hiện chăm sóc răng miệng theo các cách khác.

Hơn thế, theo chuyên gia nha khoa, dùng chỉ nha khoa chỉ là một biện pháp vệ sinh răng bổ sung chứ không phải là biện pháp duy nhất. Để chăm sóc răng tốt chúng ta cần đánh răng hàng ngày với bàn chải đánh răng và thực hiện thêm các biện pháp khác để vệ sinh răng miệng.

GS Robin Seymour khuyên sử dụng một bàn chải điện và thay thế đầu bàn chải mỗi bốn đến sáu tuần cũng là cách giúp làm sạch răng và nướu hiệu quả. Lý tưởng nhất khi dùng bàn chải điện là bạn nên đánh răng trong ít nhất là hai phút, và luôn chú ý chải tập trung ở những vị trí quan trọng trong khoảng 30 giây.

Ngay cả khi bạn sử dụng chỉ nha khoa thì vẫn cần chú ý đến việc đánh răng. Luôn luôn sử dụng kem đánh răng có fluoride. Tuyệt đối không đánh răng ngay sau khi uống nước cam hoặc nước giải khát có ga, nó sẽ làm tăng nguy cơ bào mòn răng. Có thể sử dụng nước súc miệng loại không cồn để làm sạch mảng bám. (GS Robin Seymour)

Đức Anh