Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội – Bộ LĐTB&XH) vừa ban hành các quyết định xử phạt hành chính 4 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do có những vi phạm liên quan đến hoạt động này. Tổng số tiền phạt lên tới 220 triệu đồng.
Cụ thể, Cục Quản lý lao động ngoài nước quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV đào tạo và cung ứng nhân lực - HAUI (LETCO) và Công ty TNHH MTV Hợp tác quốc tế xây lắp 3 (INCOOP3) với mức phạt 50 triệu đồng mỗi đơn vị. Lý do là các doanh nghiệp này không tuân thủ đúng quy trình chuẩn bị nguồn đi lao động tại Hàn Quốc theo thị thực E7 ngành đóng tàu khi chưa có văn bản chấp thuận của Bộ LĐTB&XH.
Kèm theo quyết định xử phạt hành chính, 2 công ty trên còn bị đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn 12 tháng.
Với cùng nội dung vi phạm và lý do như trên, Công ty CP Vạn Xuân Vivanxan và Công ty CP Công nghệ cao Phúc Thái đều bị phạt với mức 60 triệu đồng/doanh nghiệp. Các công ty này cũng chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động chuẩn bị nguồn 18 tháng.
Trước khi hết thời gian đình chỉ, 4 công ty trên phải báo cáo bằng văn bản gửi Cục Quản lý lao động ngoài nước về việc chấn chỉnh hoạt động chuẩn bị nguồn theo quy định của pháp luật.
|
4 doanh nghiệp bị xử phạt do chuẩn bị nguồn đi Hàn Quốc theo thị thực E7 ngành đóng tàu khi chưa được chấp thuận của Bộ LĐTB&XH. Ảnh: Cục Quản lý lao động ngoài nước. |
Được biết, Công ty TNHH MTV đào tạo và cung ứng nhân lực - HAUI (LETCO - trực thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thành lập ngày 16/7/2010, hoạt động chính trong lĩnh vực cung ứng và quản lý nguồn lao động. Địa chỉ trụ sở chính tại nhà A5 - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, số 298 đường Cầu Diễn, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Quang Trung, chức vụ: Giám đốc công ty.
Tiếp đó, Công ty TNHH MTV Hợp tác quốc tế xây lắp 3 - INCOOP3 thành lập ngày 16/3/2017. Ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động của các trung tâm, đại lý tư vấn, giới thiệu và môi giới lao động, việc làm. Người đại diện theo pháp luật là ông Nghiêm Văn Định. Doanh nghiệp này có địa chỉ tại NV9 - 24, Khu nhà ở cho cán bộ chiến sĩ Cục B42, B57 - Tổng Cục V (Bộ Công An), đường Chiến Thắng, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội.
Còn Công ty CP Vạn Xuân Vivanxan được thành lập ngày 9/4/2007, có địa chỉ tại số 15, tổ 6 Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Hữu Giang. Ngành nghề kinh doanh chính là cung ứng và quản lý nguồn lao động.
Công ty CP Công nghệ cao Phúc Thái hoạt động chính trong lĩnh vực giáo dục khác chưa được phân vào đâu, có địa chỉ tại lô 37-S4, Khu đô thị Chùa Hà Tiên, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Doanh nghiệp này được thành lập ngày 16/7/2015; người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn Mạnh.
Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) từng cảnh báo về việc xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách tiếp nhận lao động thị thực E7 của Hàn Quốc để đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc không đúng quy định.
Theo đó, cơ quan này nhận được phản ánh về việc một số cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài quảng cáo, mời chào người lao động nộp tiền tham gia các khóa học nghề, và thi tuyển để đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7 không đúng quy định pháp luật của Việt Nam và của Hàn Quốc.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cảnh giác với các thông tin mời chào, lừa đảo nêu trên. Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành nghề kỹ thuật thị thực E7 (công nghệ, cơ khí, điện, điện tử, hàn,…) cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cơ quan này cũng yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ được tổ chức sơ tuyển, tuyển chọn lao động sau khi được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận việc chuẩn bị nguồn lao động hoặc đăng ký hợp đồng cung ứng lao động.
Trước tình trạng các doanh nghiệp đua nhau tuyển lao động sang Hàn Quốc đóng tàu không đúng quy định, loạn phí, mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đưa ra các thông tin hướng dẫn cụ thể.
Thứ nhất, bên nước ngoài tiếp nhận lao động trong ngành đóng tàu thị thực E-7 Hàn Quốc gồm: Người sử dụng lao động (doanh nghiệp trong ngành đóng tàu Hàn Quốc) hoặc (ii) Tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng giới thiệu việc làm theo quy định của Hàn Quốc (doanh nghiệp trung gian Hàn Quốc).
Theo quy định của Hàn Quốc, mỗi doanh nghiệp trong ngành đóng tàu được tuyển dụng số lao động nước ngoài thị thực E-7 tối đa bằng 20% tổng số lao động người Hàn Quốc đang làm việc tại doanh nghiệp.
Thứ hai, về một số nội dung của hợp đồng cung ứng lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng có hướng dẫn cụ thể như sau. Thời gian làm việc: 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần. Thời gian làm thêm giờ: không quá 12 giờ/tuần (52 giờ/tháng). Tiền lương của người lao động không thấp hơn quy định của Hàn Quốc đối với lao động ngành đóng tàu năm 2022 là 2.683.000 KRW/tháng và sẽ được điều chỉnh hàng năm. Tiền làm thêm giờ theo quy định của pháp luật Hàn Quốc.
Về điều kiện ăn, ở, sinh hoạt: Người sử dụng lao động cung cấp chỗ ở và ăn cho người lao động trên cơ sở thỏa thuận, bao gồm cả chỗ ở tạm thời sau khi nhập cảnh.
Trường hợp người lao động phải chi trả toàn bộ tiền ở và ăn thì mức chi trả không quá 20% tiền lương tháng của người lao động; trường hợp người lao động được cung cấp miễn phí bữa ăn thì mức chi trả tiền nhà không quá 15% tiền lương tháng.
Mặt khác, người sử dụng lao động chi trả tối thiểu 1 lượt vé máy bay cho người lao động từ Việt Nam đến Hàn Quốc hoặc trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng. Người sử dụng lao động chi trả chi phí đưa người lao động từ sân bay về nơi ở hoặc nơi đào tạo sau khi nhập cảnh và chi phí giáo dục định hướng người lao động trước khi làm việc.
Thứ ba, về các chi phí khác liên quan đến thủ tục tại Việt Nam và Hàn Quốc, đơn vị này cũng hướng dẫn thêm về các loại phí mà các bên phải chi trả.
Cụ thể, chi phí đào tạo, kiểm tra, xác nhận trình độ kỹ năng nghề, làm hồ sơ, thủ tục (khám sức khỏe, xác nhận giấy tờ xin thị thực,...) tại Việt Nam mà người lao động chi trả thì thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chi phí trả cho tổ chức dịch vụ việc làm Hàn Quốc (doanh nghiệp trung gian) được ủy quyền tuyển dụng lao động do người sử dụng lao động chi trả.
Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng yêu cầu các doanh nghiệp trực tiếp tuyển chọn và không được thu tiền của người lao động về việc tuyển chọn; thực hiện đúng các nội dung đăng ký hợp đồng đã được chấp thuận.
Trong vòng 5 ngày kể từ khi kết thúc thời gian đăng ký chuẩn bị nguồn (nếu có), thời gian đăng ký tuyển chọn hoặc khi tuyển hết số lao động được chấp thuận, báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước kết quả chuẩn bị nguồn, tuyển chọn lao động kèm theo danh sách người lao động...