Đi chợ giữa biển Hoàng Sa: “Bắt tàu” ra khơi

Giờ đây chỉ cần có sức khỏe, những con tàu hậu cần lúc nào cũng sẵn lòng đưa phóng viên như tôi ra Hoàng Sa.
Thủ tục nhanh gọn
Nhờ vào uy tín của đồng nghiệp, tôi liên hệ với Lê Văn Sang (sinh năm 1985, ở Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng), người có trong tay đội tàu đánh bắt, hậu cần “khủng” nhất miền Trung, người được biết tới như điển hình của thế hệ ngư dân mới.
Trước ngày xuất phát, tôi ngồi cùng Sang ở bãi biển Mỹ Khê. Tuy là ngư dân ăn sóng, nói gió nhưng giọng của Sang lại đậm chất thủ thỉ của người gốc Huế. Sang thông báo: "Hôm nay nhà em cũng có tàu ra khơi nhưng tàu này hơi nhỏ, chỗ ăn chỗ ở không tiện. Trưa mai khoảng 1 giờ tàu to nhà em ra khơi, em sẽ bố trí anh đi tàu đó, tàu mang số hiệu ĐNa90444. Giờ anh qua xin phép bên Biên phòng để thuận tiện cho chúng em hoạt động sau này".
Di cho giua bien Hoang Sa: “Bat tau” ra khoi
Mang thịt lên tàu ĐNa 90444 để đưa ra cho ngư dân đang đánh bắt tại Hoàng Sa. ảnh: Gia Tưởng 
Sau khi nghe tôi trình bày về ý định đi theo tàu của ngư dân Đà Nẵng ra ngư trường Hoàng Sa, Trung tá Nguyễn Tống Khương (Sở chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố Đà Nẵng) nói: “Nhà báo dám đi theo ngư dân ra khơi, chúng tôi là cơ quan quản lí sẽ ủng hộ nhiệt tình. Hiện rất cần những phản ánh thực tế và đúng đắn của các cơ quan thông tin về tình hình làm ăn, sản xuất của bà con ngư dân". Để yên tâm hơn, anh Khương gọi điện xuống trạm kiểm soát của bộ đội biên phòng tại cảng cá Thọ Quang - nơi toàn bộ tàu cá của ngư dân Đà Nẵng neo đậu, trong đó có con tàu dịch vụ ĐNa 90444 mà tôi dự định đi theo ra ngư trường Hoàng Sa - dặn kiểm tra tàu, đảm bảo các phương án an toàn cho nhà báo tác nghiệp.
Trong lúc chờ lấy giấy tờ, tôi mừng thầm vì thấy chuyến này đi quá thuận lợi...
Lựa đồ đi chợ
Vừa ra khỏi trụ sở Sở chỉ huy Bộ đội biên phòng Đà Nẵng, tôi nhận được điện thoại của Lê Văn Sang - chủ tàu ĐNa 90444. Sang nói: “Anh qua cảng cá Thọ Quang đi, tàu đang bốc hàng, xếp đá, chỉ vài tiếng nữa là đi biển thôi”. Sau mấy ngày chờ đợi, tôi phấn khởi lao nhanh đến chỗ tàu đậu.
Mùa này đi biển ngắn ngày, chỉ mang khoảng 500 cây đá, chứ mùa hè đi xa, phải mang khoảng 700 cây đá. Nước thì mang đi cả chục phi, tàu nào hết là bắc máy bơm sang lấy mà không phải trả tiền. Còn gạo, rau, thịt, nước ngọt mua trong bờ thế nào, ra biển cũng tính tiền như vậy, không lấy hơn đồng nào”.
Thuyền trưởng Lê Văn Tý (tàu ĐNa 90444)
Phụ trách tàu ĐNa 90444 ra khơi chuyến này là thuyền trưởng Lê Văn Tý (49 tuổi) - một người chú họ của Lê Văn Sang. Anh Tý vừa chỉ huy công tác xếp đồ hậu cần lên tàu vừa cho biết: "Hiện tại, đội tàu hậu cần của gia đình họ Lê đang phục vụ khoảng 40 tàu cá ở ngoài khơi, những tàu cá này đều là tàu lớn, chuyên đánh bắt xa bờ của ngư dân từ Quảng Bình tới Quảng Nam".
Được biết, trên mỗi tàu cá đều có từ 20 - 40 lao động nên lương thực, thực phẩm, dầu, nước ngọt, lúc nào cũng quan trọng và cần thiết nhất, kể cả những chi tiết máy móc hỏng hóc trên tàu cá, khi họ điện vào bờ, tàu hậu cần đều chuyển ra cho kịp sản xuất.
Trong khi trao đổi với tôi, anh Tý vẫn ngồi trên ca bin tàu vừa quan sát công việc của 8 bạn tàu đi cùng, vừa mở sổ xem xét từng đơn hàng một. Dưới sàn tàu, hai chiếc máy xay đá đang chạy hết công suất, những cây đá nặng gần 50kg được đưa vào máy, đánh ào cái đã bị băm nhỏ rồi đựng vào bao tải dứa, xếp gọn vào hầm hàng. Tranh thủ lúc uống nước, anh Nguyễn Văn Trọng (41 tuổi), làm hậu cần trên tàu nói: “Bây giờ hiện đại, có máy xay đá rất nhanh và tiện, giải quyết được bao nhiêu công việc. Chứ trước kia, mỗi lần đi biển, vì không có máy xay, khi cần ướp vài tấn cá, tụi tui đập đá đến phồng cả tay".
Thuyền trưởng Tý cho biết: "Mùa này đi biển ngắn ngày, chỉ mang khoảng 500 cây đá, chứ mùa hè đi xa, phải mang khoảng 700 cây đá. Nước thì mang đi cả chục phi, tàu nào hết là bắc máy bơm sang lấy mà không phải trả tiền. Còn gạo, rau, thịt, nước ngọt mua trong bờ thế nào, ra biển cũng tính tiền như vậy, không lấy hơn đồng nào. Một quy định bất thành văn, nếu tàu hậu cần mua cá của bất cứ tàu nào trên biển đều tặng họ 1 thùng bia, bọc rau và khoảng hơn 10kg thịt, coi đó là một món quà của người mới ở bờ ra tặng những người đi trên biển dài ngày".
Ngồi nhẩm tính đã xong mọi việc, anh Tý nhắc anh Đen - người chuyên lo làm lễ trước khi đi biển - lên mũi tàu bày lễ thắp hương...
Con tàu nổ máy, hướng ra biển, tới trạm kiểm soát biên phòng thì ghé vào trình danh sách thuyền viên. Anh cán bộ biên phòng đã được thông báo trước là có phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay đi cùng, trước khi đóng dấu vào quyển sổ xuất bến, anh nói với theo: “Chúc phóng viên có một chuyến đi an toàn và thu hoạch nhiều kết quả tốt”. Tôi thì bắt đầu có cảm giác dập dờn, mơ hồ của cơn say sóng và biết được chuyến đi Hoàng Sa này đã bắt đầu...
Theo Gia Tưởng/Dân Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN