Danh tính liên danh muốn làm cụm cảng, quốc lộ 3.400 tỷ tại Quảng Trị

Liên danh Tập đoàn Hoành Sơn - Nhà máy điện Xekong đã đề xuất đầu tư dự án Quốc lộ 15D đi qua 2 huyện Hải Lăng và Đakrông với tổng mức đầu tư trên 3.433 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Trị mới đây đã có buổi làm việc với liên danh Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn – Công ty TNHH Nhà máy điện Xekong để nghe báo cáo nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D từ cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng Mỹ Thủy và đầu tư xây dựng cụm cảng Mỹ Thủy cùng khu dịch vụ hậu cần cảng.
Dự án Quốc lộ 15D đi qua 2 huyện Hải Lăng và Đakrông với tổng mức đầu tư trên 3.433 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hình thành tuyến đường song song với Hành lang kinh tế Đông – Tây, tăng cường giao thương hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế La Lay, kết nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với khu vực Nam Lào, Đông Thái Lan và hình thành tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
Cùng đó, dự án sẽ tạo ra tuyến đường kết nối đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông với Quốc lộ 1, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tiếp cận và lưu thông trên đường cao tốc. Đồng thời, dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh, đáp ứng nhu cầu giao lưu, hợp tác thương mại, xuất nhập khẩu.
Dự án được chia làm 3 đoạn. Trong đó, đoạn 1, từ Quốc lộ 1 đến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài gần 8km; đoạn 2, từ đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34km; đoạn 3, từ đường Hồ Chí Minh nhánh Tây đến Cửa khẩu quốc tế La Lay dài hơn 11km.
Quy hoạch phân khu xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị giai đoạn 1 tỷ lệ 1/2.000 được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt vào năm 2017. Trong đó Khu dịch vụ hậu cần cảng, hỗ trợ phát triển cảng biển (logistics) với diện tích quy hoạch toàn khu là 119ha.
Theo quy hoạch chi tiết, khu bến cảng Mỹ Thủy được xác định là khu bến cảng chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp phát triển có điều kiện. Quy mô và tiến trình phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, khả năng huy động vốn của chủ đầu tư, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng kết nối đến cảng.
Tại buổi làm việc, liên danh Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn – Công ty TNHH Nhà máy điện Xekong đã đề xuất ý tưởng đầu tư xây dựng hệ thống cầu cảng để thuận tiện cho việc vận chuyển, bốc xếp hàng hóa…
Danh tinh lien danh muon lam cum cang, quoc lo 3.400 ty tai Quang Tri
NĐT nào muốn làm đường quốc lộ hơn 3.400 tỷ tại Quảng Trị? (ảnh minh họa: Internet). 
Theo dữ liệu tại Cổng đăng ký thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn có địa chỉ trụ sở chính đóng tại tổ dân phố Thuận Minh, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Công ty được thành lập ngày 19/1/2001 do ông Phạm Hoành Sơn, Chủ tịch HĐQT công ty làm người đại diện pháp luật. Công ty hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực như: Thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; sản xuất phân bón; điện mặt trời...
Trong lịch sử đấu thầu của mình, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn được công bố đã tham gia 5 gói thầu, trong đó trúng 5 gói, trượt 0 gói, với tổng giá trị trúng thầu là 1.379 tỷ đồng. Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán đạt 85,22%. Trong đó, 2 gói thầu có giá trị lớn nhất mà Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn tham gia đấu thầu và trúng thầu gồm: Gói thầu Cung cấp than nhập khẩu phục vụ chạy thử, nghiệm thu Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (giá trúng thầu là 605,1 tỷ đồng); gói thầu Cung cấp than có thông số chất bốc thấp phục vụ sản xuất Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 năm 2021, đợt 1 (giá trúng thầu là 571.998 tỷ đồng).
Một số dự án mà Hoành Sơn đã và đang thực hiện như: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng 4.415 tỷ đồng; cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn 1.410 tỷ đồng; nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh 1.200 tỷ đồng; nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên 1.458 tỷ đồng. Ngoài ra còn có các như: Dự án cảng Phước An (tỉnh Đồng Nai) dự án Cảng tổng hợp quốc tế tại Vũng Áng, trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê tại TP Hà Tĩnh, Trung tâm thương mại phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An…
Tuy nhiên, có nhiều dự án của Hoành Sơn qua nhiều năm vẫn dở dang như: Dự án cảng Phước An; dự án cảng tổng hợp quốc tế tại Vũng Áng; trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê tại TP Hà Tĩnh; trung tâm thương mại phường Hưng Dũng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Trong đó, dự án cảng Phước An (Đồng Nai) có tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Hoành Sơn (công ty con của Tập đoàn Hoành Sơn), được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Còn dự án cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn thuộc cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh đã khởi công xây dựng từ tháng 10/2016. Dự án có tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, sau hơn 5 năm triển khai, 2 lần gia hạn tiến độ, đến nay công trình vẫn ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng…
Về “đối tác” liên danh với Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn muốn đầu tư dự án tại Quảng Trị là Công ty TNHH Nhà máy điện Xekong. Đây là một công ty thuộc Tập đoàn Phonesack - nước CHDCND Lào, có thế mạnh trong lĩnh vực khai khoáng và thuỷ điện.
Liên Hà Thái (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN