Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt gồm CBBank, OceanBank, GPBank và Ngân hàng Đông Á.
Hiện các nội dung tiếp theo đang được các bên liên quan thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Với Ngân hàng Sài Gòn (SCB) - nhà băng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, NHNN cho biết đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
"Nửa năm sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, hoạt động của SCB đang trong tầm kiểm soát, dần ổn định", NHNN cho biết.
Trong 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt nêu trên, có 3 nhà băng bị mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank). Cùng năm này, Ngân hàng Đông Á bị kiểm soát đặc biệt.
Từ giữa năm 2022, đã có những thông tin cho biết, 2/3 ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank) đã có phương án xử lý với khả năng được chuyển giao cho hai nhà băng lớn là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Quân đội (MB).
Tại ĐHĐCĐ của MB được tổ chức ngày 25/4, ông Phạm Như Ánh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban điều hành của MB, cho hay kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém của MB đang trong giai đoạn định giá, dự kiến cuối năm 2023 hoặc đầu 2024 mới có thể nhận chuyển giao.
Lãnh đạo MB cho biết, việc thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc sẽ giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.
Trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, MB được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt. Qua đó, MB có cơ hội tạo giá trị thặng dư vốn và/hoặc tăng quy mô cho MB.
Việc tham gia tái cơ cấu TCTD cũng là một trong các điều kiện để MB được ưu ái hơn trong quá trình xin nới room tín dụng và một số ưu đãi riêng theo quy định của NHNN.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VPBank, cổ đông cũng thông qua phương án góp vốn/mua cổ phần, thành lập hoặc mua lại công ty con, liên kết, hợp tác, tham gia cơ cấu lại/hỗ trợ TCTD, quỹ tín dụng yếu kém hoặc hình thức khác với các doanh nghiệp, TCTD khác. Theo thông tin xuất hiện trên thị trường gần đây, VPBank có thể nhận chuyển giao bắt buộc GPBank.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết, VPBank là một trong bốn ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, nhận chuyển giao bắt buộc. Ngân hàng đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng.
Các NHTM tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém không chỉ được NHNN xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn, mà các NHTM sáp nhập TCTD yếu kém có thể được nới trần "room ngoại" lên 49%.
Theo NHNN, hiện có 2 NHTM nhận chuyển giao bắt buộc NH yếu kém đã đề xuất nâng “room ngoại” lên 49% và được NHNN nêu quan điểm ủng hộ.