Chuyên gia Indonesia hiến kế giúp đất nước đánh bại COVID-19

Chuyên gia dịch tễ nổi tiếng người Indonesia Pandu Riono cho rằng Indonesia cần một kế hoạch có hệ thống và mục tiêu rõ ràng chống COVID-19.
Indonesia vẫn là "tâm dịch" COVID-19 ở Đông Nam Á
Biến thể Delta với mức độ lây nhiễm cao đã khiến số ca mắc tại Indonesia tăng vọt. Dù tuyên bố làn sóng COVID-19 đạt đỉnh hồi đầu tháng 8, Indonesia hiện vẫn là tâm dịch của khu vực Đông Nam Á. Tính đến ngày 17/8, nước này ghi nhận tổng cộng hơn 3,87 triệu ca mắc, trong đó 119.000 người tử vong.
Ngày 12/8, Ủy ban Bảo vệ Trẻ em Indonesia (KPAI) cho biết, 350.000 trẻ em nước này mắc COVID-19, trong đó 777 em tử vong kể từ khi dịch bùng phát.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh viện tại Indonesia đang thiếu phòng cách ly, nguồn cung oxy, thiết bị bảo hộ cá nhân, thiết bị y tế cũng như các túi đựng thi thể. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng của Indonesia vẫn ở mức thấp.
Chuyen gia Indonesia “hien ke” giup dat nuoc danh bai COVID-19
Nhiều tình nguyện viên hỗ trợ chôn cất người tử vong vì COVID-19 tại Indonesia. Ảnh: Getty. 
CNA dẫn lời nhà dịch tễ học Pandu Riono đến từ Đại học Indonesia cho rằng Indonesia đang đối mặt với làn sóng COVID-19 kinh khủng như hiện nay bắt nguồn từ việc đánh mất cơ hội khống chế dịch bệnh vào năm ngoái.
"Nếu thủ đô Jakarta áp đặt lệnh phong tỏa thực sự nghiêm ngặt và người dân tuân thủ khi ổ dịch đầu tiên bùng phát vào đầu tháng 3/2020 thì virus 'sẽ không lây lan sang các thành phố khác ở Java hay trên các hòn đảo khác của Indonesia", ông Pandu lập luận.
Cần lập kế hoạch và mục tiêu chống dịch rõ ràng
Theo chuyên gia Pandu, Indonesia cần một kế hoạch có hệ thống và mục tiêu rõ ràng chống COVID-19 để tránh rơi vào "bẫy đại dịch" - tình cảnh mà số ca mắc và tử vong vẫn cao trong khi các bệnh viện quá tải. 
"Chính phủ nên lập kế hoạch xác định những việc cần làm và mục tiêu đạt được trong năm tới và năm sau nữa. Nếu không có kế hoạch rõ ràng, chúng ta không có cách nào có thể kiểm soát được đại dịch này", vị chuyên gia người Indonesia nói tiếp.
Chuyen gia Indonesia “hien ke” giup dat nuoc danh bai COVID-19-Hinh-2
 Nhân viên y tế kiểm tra tình hình sức khỏe của các bệnh nhân COVID-19 tại một khu cách ly ở Jakarta. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, chính phủ Indonesia cho biết họ đã có một chiến lược dài hạn để thoát khỏi đại dịch.
Cách đây hơn hai tuần, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết trên CNA rằng Indonesia dự kiến sẽ đẩy nhanh việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 lên 2,5 triệu liều mỗi ngày vào tháng 9 tới và sau đó là 5 triệu liều mỗi ngày.
Ông Luhut, người phụ trách ứng phó đại dịch của Indonesia, cho hay chính phủ đang cố gắng kiểm soát tình hình dịch bệnh ở từng hòn đảo. Ngoài ra, nước này cũng đang lên kế hoạch sống chung với COVID-19. Chẳng hạn như, người dân có thể vẫn phải đeo khẩu trang và mang theo thẻ tiêm chủng khi đi du lịch.
Khó đạt được miễn dịch cộng đồng
Theo một cuộc khảo sát được cơ quan y tế Jakarta thực hiện vào tháng 3, 44,5% trong số 10,6 triệu cư dân của thủ đô Jakarta đã mang kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2, cao hơn nhiều so với con số được báo cáo chính thức.
Dù vậy, chuyên gia Pandu cũng thừa nhận khả năng miễn dịch cộng đồng ở Jakarta khó có thể đạt được vì tỷ lệ tiêm chủng hoặc miễn dịch ở nhiều khu vực khác của Indonesia vẫn ở mức thấp.
“Khả năng miễn dịch cộng đồng ở Indonesia là rất khó đạt được. Indonesia là nước có dân số lớn với hơn 270 triệu người”, ông Pandu nói.
Vị chuyên gia cảnh báo, nếu Indonesia không thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19 một cách nghiêm ngặt hơn, thì số ca mắc sẽ liên tục biến động.
Thách thức trong cuộc chiến chống COVID-19
Chuyên gia Pandu Riono cho rằng, những thách thức trong việc phòng chống dịch COVID-19 ở Indonesia bao gồm thông tin sai lệch, nguồn cung cấp vắc xin không đủ, các biện pháp khó tuân thủ và việc mở cửa trở lại quá sớm ở một số khu vực.
Pandu Riono nhận định, Indonesia có thể không có đủ 2 triệu liều vắc xin mỗi ngày trong tháng này, kèm theo đó là thách thức về hậu cần, chẳng hạn như không có đủ nhân viên y tế để thực hiện việc tiêm chủng cho người dân.
Chính phủ nên cung cấp những thông tin chính xác về vắc xin cũng như tác dụng phụ của nó, đồng thời nên nghiêm khắc đối với những thông tin sai lệch về COVID-19 và nên cảnh báo hoặc truy tố những người phát tán thông tin sai lệch.
Cũng theo chuyên gia Pandu, chính phủ nên kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các với các ngày lễ như Hari Raya Puasa và Hari Raya Haji ở nước này.
Chuyen gia Indonesia “hien ke” giup dat nuoc danh bai COVID-19-Hinh-3
Xe cứu thương chở thi thể người tử vong vì COVID-19 tới nghĩa trang ở ngoại ô Jakarta. Ảnh: AP. 
Được biết, sau lễ Hari Raya Puasa, hay Eid al-Fitr, số ca mắc COVID-19 được báo cáo hàng ngày của Indonesia đã tăng từ dưới 5.000 vào ngày 13/5 lên hơn 50.000 vào tháng 7/2021. Từ ngày 1/8 đến 11/8, các ca mắc mới được báo cáo dao động trong khoảng 20.709 đến 39.532.
Một nguyên nhân khác khiến dịch bùng phát mạnh ở Indonesia, theo chuyên gia Pandu, là do giới chức nước này tái mở cửa đảo Bali "quá sớm".
Indonesia đã khởi động chương trình "Work from Bali" cho công chức vào tháng 5 với hy vọng phục hồi nền kinh tế dựa vào du lịch của hòn đảo.
Trong cuộc phỏng vấn với CNA gần đây, Bộ trưởng Luhut cho biết, số ca mắc ở Bali có thể ổn định vào cuối năm. Hòn đảo này đã tiêm phòng cho 85% người dân và sẽ sớm đạt được khoảng 90%.
Ông Pandu cũng kêu gọi các nước láng giềng ở Đông Nam Á không nên “cô lập” Indonesia mà hãy giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc chiến chống COVID-19 để cùng nhau vượt qua đại dịch.
Chuyen gia Indonesia “hien ke” giup dat nuoc danh bai COVID-19-Hinh-4
 

Chuyen gia Indonesia “hien ke” giup dat nuoc danh bai COVID-19-Hinh-5
 

Mời độc giả xem thêm video: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới (Nguồn video: THĐT)

An An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN