Chứng khoán An Bình và Everest nhận án phạt do gian dối hồ sơ trái phiếu Tân Hoàng Minh
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt với Công ty CP Chứng khoán Everest và Công ty CP Chứng khoán An Bình vì có những vi phạm liên quan tới các đợt phát hành trái phiếu của Công ty CP Cung Điện Mùa Đông và Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, công ty thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Theo đó, Công ty CP Chứng khoán Everest (MCK: EVS, sàn HNX) bị xử phạt số tiền 250 triệu đồng do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được.
|
Tổng mức xử phạt của Công ty CP Chứng khoán Everest là 400 triệu đồng. |
Cụ thể, (i) Tại mục III.B Bản Công bố thông tin (CBTT) của Cung điện Mùa Đông về việc đáp ứng các điều kiện chào bán trái phiếu của Cung điện Mùa Đông theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ghi nhận “Cung điện Mùa Đông thực hiện thanh toán đủ cả gốc, lãi của trái phiếu đã phát hành”.
Thế nhưng, tại mục II.4 Bản CBTT của Cung điện Mùa Đông (trang 22) nêu nội dung về tình hình thanh toán gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành như sau: trong 3 năm trước đợt chào bán, Cung điện Mùa Đông đã phát hành 2 mã trái phiếu WTPCH2124001, WTPCH2124002 với tổng trị giá 450 tỷ đồng nhưng tính đến ngày 30/11/2021 chưa kết thúc các đợt phát hành này và chưa phát sinh nợ gốc, lãi trái phiếu.
Như vậy, thông tin ở 2 khoản mục là không khớp với nhau.
Đối với dự án sắp triển khai là Dự án Khu Du lịch phức hợp Hoàng Hải (Vị trí: Khu 6, khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), tại Everest không có hồ sơ, tài liệu thể hiện vai trò của Cung điện Mùa Đông liên quan đến Dự án này.
Bên cạnh đó, Everest cũng bị phạt tiền 150 triệu đồng do đã báo cáo sai lệch về khối lượng trái phiếu Cung điện Mùa Đông chào bán thành công do Everest làm đại lý phát hành và phương thức phát hành của trái phiếu Cung điện Mùa Đông.
Tổng mức xử phạt của Công ty CP Chứng khoán Everest là 400 triệu đồng.
Tương tự, Công ty CP Chứng khoán An Bình cũng bị xử phạt 250 triệu đồng do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được.
Công ty CP chứng khoán An Bình là tổ chức tư vấn cho Công ty CP đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (SOLEIL) thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu SOLCH2123001, giá trị 800 tỉ đồng.
Theo đó, kiểm tra hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ của SOLEIL do Công ty cung cấp dịch vụ tư vấn cho thấy, ngày 16/6/2021, Hội đồng quản trị của SOLEIL đã ban hành Nghị quyết số 1606/2021/NQ-SL để thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021. Tuy nhiên, phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2011 đính kèm Nghị quyết số 1606/2021/NQ-SL lưu giữ tại Công ty chỉ gồm các trang đánh số 1,3,5,7,9,11 và 13. Nội dung nêu tại các trang này chưa thể hiện đầy đủ thông tin về trái phiếu dự kiến
Bên cạnh đó, bản Công bố thông tin nêu công ty SOLEIL chưa thực hiện phát hành trái phiếu và cũng không tồn đọng khoản nợ đến hạn nào chưa được thanh toán tại thời điểm chào bán trái phiếu trong khi ở Báo cáo tài chính năm 2020 của SOLEIL, công ty có vay và nợ thuê tài chính bằng trái phiếu nhưng trong năm có biến động giảm và số dư bằng 0.
Song song đó, chứng khoán An Bình còn bị phạt 60 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật đối với các tài liệu của kỳ báo cáo quý IV/2021, năm 2021, bao gồm báo cáo số lượng nhà đầu tư sở hữu trái phiếu doanh nghiệp trên từng tổ chức lưu ký, báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu trong kỳ, báo cáo số lượng tổ chức phát hành đăng ký trái phiếu và khối lượng trái phiếu đăng ký, lưu ký trong kỳ, báo cáo tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Chứng khoán An Bình thừa nhận lỗi do sơ suất
Sau khi bị xử phạt, Chứng khoán An Bình vừa đưa ra những giải thích cụ thể về sự việc này.
Cụ thể, Chứng khoán An Bình cho biết do sơ suất trong quá trình làm hồ sơ nên đã scan thiếu trang, dẫn đến nội dung chưa đầy đủ thông tin.
Về thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ, phía công ty chứng khoán thừa nhận "có sơ suất khi chưa thực hiện đúng mẫu theo quy định", nhưng có dẫn chiếu đến tài liệu thể hiện đầy đủ các nội dung thông tin cần thiết mà nhà đầu tư có thể tiếp cận.
Về việc bản công bố thông tin của Soleil ghi nội dung "công ty chưa thực hiện phát hành trái phiếu", Chứng khoán An Bình thừa nhận đây là nội dung "chưa chính xác do sơ suất".
Mặc dù đầu năm 2020 Soleil có dư nợ trái phiếu hơn 699 tỉ đồng, nhưng công ty chứng khoán cho rằng do dư nợ trái phiếu thời điểm cuối năm trên báo cáo tài chính của SOLEIL bằng 0, nên công bố thông tin không tồn đọng khoản nợ đến hạn nào chưa được thanh toán tại thời điểm chào bán là đúng thực tế. Việc này cũng không ảnh hưởng đến điều kiện phát hành trái phiếu.
Về việc bị xử phạt do nộp tài liệu trễ hạn, Chứng khoán An Bình thừa nhận gửi báo cáo định kỳ tình hình chào bán trái phiếu chậm 1 ngày (báo cáo năm 2021) và chậm 10 ngày (báo cáo quý 4/2021). Đây là lỗi sơ suất trong việc gửi và nộp báo cáo định kỳ trên hệ thống báo cáo với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và theo đường chuyển phát công văn.
Cấp margin quá hạn mức, Chứng khoán VPS bị xử phạt 125 triệu đồng
Ngày 15/9/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần chứng khoán VPS.
Cụ thể, Chứng khoán VPS bị phạt tiền 125 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính khi cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng tại một số thời điểm.
Song song với đó, VPS còn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt tiền 60 triệu đồng vì đã có hành vi bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán thực hiện nghiệp vụ, vị trí mà theo quy định pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Theo đó, Công ty bố trí nhân viên chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ký tại Hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng.
Tổng số tiền phạt của Chứng khoán VPS là 185 triệu đồng.
Hồi đầu năm 2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã từng xử phạt VPS 60 triệu đồng với lý do tương tự. Cụ thể, từ ngày 1/1/2019 đến ngày 26/10/2020, VPS đã bố trí người chưa có chứng chỉ hành nghề chứng khoán ký trên một số hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán với khách hàng.
Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong bị xử phạt 250 triệu đồng
Ngày 16/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) với tổng số tiền là 250 triệu đồng do vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn.
Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong bị xử phạt do vi phạm quy định tư vấn trái phiếu và cấp margin vượt hạn mức
Theo đó, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong bị phạt 125 triệu đồng do vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn. Cụ thể, trong các hồ sơ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số công ty cổ phần chưa đại chúng năm 2022, nội dung hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa công ty và khách hàng không có thỏa thuận về đối tượng được bán trái phiếu.
Công ty chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát, đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.
Ngoài ra, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong còn bị phạt tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Công ty cho các khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản.
Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tiền thân là Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS) được thành lập năm 2006. Tháng 4/2019, TPS chính thức gia nhập hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank).
Nguồn Nhaquanly