Sáng 29/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế, có hiệu lực từ 1/1/2024 với sự tham gia của 141 nước.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, áp dụng từ năm tài chính 2024.
Theo nghị quyết, thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất.
Khoảng 122 tập đoàn nước ngoài chịu ảnh hưởng
Theo Chứng khoám KB Việt Nam (KBSV), mức thuế suất tối thiểu 15% sẽ tác động tới Việt Nam khi chúng ta đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về thuế với các nhà đầu tư nước ngoài, khiến số thuế thực nộp của nhóm đối tượng này dưới 15%.
|
Ưu đãi thuế tại Việt Nam |
Qua rà soát của Tổng cục thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng, những quốc gia nơi đặt trụ sở chính của các tập đoàn nước ngoài có quyền thu phần thuế chênh lệch.
Theo đại biểu Nguyễn Quang Huân trong kỳ họp Quốc hội chiều 20/11, việc thực hiện nâng thuế suất sẽ giúp Ngân sách Nhà nước tăng thêm 14,6 nghìn tỷ đồng mỗi năm (thu thuế từ khu vực FDI đạt 205,930 nghìn tỷ năm 2022).
|
Cấu phần chính trong tổng thu Ngân sách Nhà nước (tỷ đồng) |
Ảnh hưởng của mức thuế suất mới tới dòng vốn FDI
Khoản thuế suất mới làm dấy lên lo ngại về việc giảm sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các công ty nước ngoài vì cơ chế miễn giảm thuế là một trong những điểm hấp dẫn trong công cuộc thu hút dòng vốn ngoại.
KBSV cho rằng việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết và phù hợp với bối cảnh chung, tuy nhiên Việt Nam sẽ cần phải “bù lại” bằng cách thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi khác bên cạnh việc nâng cao môi trường kinh doanh (lao động, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính ...). Cho đến hiện tại, Quốc hội vẫn tiếp tục họp bàn về các chính sách phù hợp và nhiều khả năng sẽ sớm có những chính sách mới trong tương lai gần.
KBSV cho rằng Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI do các lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi, các hiệp định FTA trong môi trường kinh tế tăng trưởng nhanh và hệ thống chính trị, pháp luật ổn định, ôn hòa. Theo đó vốn đầu tư FDI kỳ vọng vẫn là yếu tố hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế trong các năm tới, và là động lực tăng trưởng cho nhóm bất động sản khu công nghiệp.