Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế. Một trong những nội dung được cử tri, đại biểu quan tâm là quy định bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... Bệnh nhân được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ. Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn.
Thông tuyến làm trầm trọng quá tải bệnh viện tuyến trên
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, Bảo hiểm y tế (BHYT) có mục đích quan trọng nhất đó là hạn chế người dân bỏ tiền túi của mình trong việc khám chữa bệnh. Ý định người dân có thể cầm thẻ BHYT khám bệnh ở bất cứ cơ sở y tế nào là rất nhân văn, nghe qua hợp lòng người nên ai cũng sẽ ủng hộ. Vậy nhưng, trong tình hình hiện nay việc thông tuyến BHYT toàn quốc sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ.
|
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: QH. |
Thứ nhất người dân sẽ dồn lên tuyến tỉnh, trung ương hay các bệnh viện chuyên khoa khiến việc quá tải hiện nay thêm trầm trọng. Di chuyển, ăn trực nằm chờ, phí dịch vụ... chắc chắn là những chi phí không tránh khỏi. Rồi bệnh viện công quá tải, bệnh nhân sẽ tràn qua bệnh viên tư. Lúc này, tiền túi người dân bỏ ra sẽ tăng rất nhiều để chữa những bệnh thông thường có thể giải quyết ổn thoả tại tuyến huyện.
Thứ hai hệ thống y tế cơ sở mà chúng ta dày công xây dựng có nguy cơ bị gẫy đổ. Nhiều người sẽ nói, cơ chế thị trường, muốn giữ lại bệnh nhân, các trạm y tế xã phường, bệnh viện quận huyện phải nâng cao chất lượng phục vụ, phát triển khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, y tế là dịch vụ đặc biệt nên không thể so với các ngành kinh tế thị trường khác được.
“Nếu bạn có người thân dù bị bệnh đơn giản, nhưng chắc chắn sẽ đưa đến chỗ theo mình nghĩ là tốt nhất để chữa. Vậy nên nếu muốn đến đâu cũng được sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt ở nơi không thể phát triển các kỹ thuật chuyên sâu và việc "giữ người" giỏi lại tuyến huyện là chuyện không tưởng”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phân tích.
Hệ lụy thứ 3, theo BS Nguyễn Lân Hiếu, là việc lạm dụng BHYT sẽ "nâng lên một tầm cao mới". Chúng ta hình dung nếu thẻ BHYT thông tuyến không khác thẻ tín dụng, đến đâu cũng quẹt được thì quỹ BHYT sẽ phình ra ở mức nào. Việc thanh kiểm tra sẽ vô cùng phức tạp, tình trạng xin cho, trục lợi... chắc chắn sẽ ngày càng tăng.
Chinh vì vậy, BS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, chúng ta cần có lộ trình để hiện thực hoá ý tưởng rất nhân văn này. Trước mắt sẽ cho phép hưởng BHYT nội trú ở tất cả các bệnh viện trong toàn quốc nếu nằm trong danh mục Bộ Y tế cho phép. Danh sách này sẽ được rà soát theo tình hình thực tế của sự phát triển y tế cơ sở. Còn khám chữa bệnh ngoại trú vẫn nên khuyến khích người dân đến các cơ sở y tế địa phương đặc biệt các bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm nhưng cần nâng cao mức chi trả tương đương với các bệnh viện tuyến trên để bảo đảm quyền lợi công bằng của người dân khi tham gia BHYT.
Chúng ta chỉ có thể thông tuyến toàn bộ như các nước phát triển khi hệ thống bác sĩ gia đình vận hành hoàn chỉnh. Bệnh nhân muốn đến khám chuyên khoa luôn cần thư giới thiệu của bác sĩ gia đình, chỉ trừ các trường hợp cấp cứu. Lúc này không phải giấy chuyển BHYT mà là hệ thống y tế gia đình sẽ là dây bảo hiểm cho sự ổn định của hệ thống.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Chính phủ đặt những mục tiêu rất quyết liệt và trên thực tế chúng ta đã có những thành công nhất định mà điển hình là mức độ bao phủ của BHYT lên đến 93% trong toàn quốc. Rất nhiều ca bệnh hiểm nghèo được chữa trị thành công, những kỹ thuật mới phức tạp được triển khai đại trà ở Việt Nam. BHYT thực sự đã là cứu cánh cho nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn...
“Là bác sĩ thực hành, tôi được chứng kiến và cảm nhận hàng ngày giá trị to lớn của BHYT mang lại cho toàn xã hội. Rất mong luật sửa đổi lần này sẽ đi vào thực tế cuộc sống người dân, giúp cho một trong 2 trụ cột của an sinh xã hội”, BS Nguyễn Lân Hiếu cho hay.
Cần quy định chi tiết những danh mục bệnh được thông tuyến
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương) cho hay, qua quá trình tiếp xúc cử tri, các đại biểu luôn nhận được nhiều ý kiến về việc làm thế nào để vấn đề thông tuyến BHYT được đảm bảo nhanh nhất cho người bệnh.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Mai Loan. |
Thực tế, có những bệnh hiểm nghèo, những bệnh phải chuyển tuyến gấp nhưng nếu thực hiện lần lượt đầy đủ các thủ tục chuyển tuyến như hiện nay thì người bệnh sẽ mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh, nhất là những bệnh phải chạy đua với thời gian.
Tuy nhiên, cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nếu thực hiện thông tuyến BHYT có thể dẫn tới tình trạng bệnh viện tuyến trên quá tải, bệnh viện tuyến dưới lại rất ít bệnh nhân. Vì người bệnh thường có tâm lý, cho rằng bệnh viện tuyến trên chắc chắn tốt hơn tuyến dưới, nên nếu có điều kiện họ sẽ lên thẳng tuyến trên.
Ngoài ra, quá trình thanh toán khám chữa bệnh, khi phân bổ kinh phí sẽ gặp khó khăn. Nếu bệnh viện tuyến trên quá tải, tuyến dưới ít bệnh nhân sẽ dẫn đến tình trạng tuyến dưới rất khó phát triển.
Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trong dự thảo Luật đã sửa đổi cho phép thông tuyến đối với số bệnh như bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm… Tuy nhiên, để thực hiện điều này, Bộ Y tế phải có quy định một cách rất chi tiết, hợp lý những danh mục các bệnh được thông tuyến.
“Để làm sao, khi người dân mắc những bệnh này được chuyển tuyến một cách nhanh gọn nhất. Nhưng cũng không gây ra những hệ lụy”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho hay.