Cổ phần hóa trung tâm đăng kiểm, đề xuất điều chỉnh phí đăng kiểm

Từ ngày 10/12, các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, Chi cục Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thực hiện cổ phần hóa.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 17/2024/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Quyết định có hiệu lực từ ngày 10/12/2024.
Theo đó, quyết định bổ sung thêm 3 ngành, lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành công ty cổ phần, trong đó có lĩnh vực kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa (trừ lĩnh vực đăng kiểm tàu biển và công trình biển).
Co phan hoa trung tam dang kiem, de xuat dieu chinh phi dang kiem
Ảnh minh họa. 
Như vậy tới đây, không chỉ các trung tâm đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT mà các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, Chi cục Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ phải thực hiện cổ phần hóa.
Điều này phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT trong việc xây dựng Đề án tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Được biết, từ năm 2016, tại nhiều địa phương, bên cạnh các trung tâm đăng kiểm tư nhân, nhiều trung tâm đăng kiểm trước đây là đơn vị trực thuộc Sở GTVT cũng đã thực hiện cổ phần hóa.
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tư nhân rất ủng hộ chủ trương này. Ông cho rằng, việc cổ phần hóa vừa giúp giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, vừa tạo sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các đơn vị đăng kiểm (trước đây đơn vị đăng kiểm Nhà nước không phải trả tiền thuê mặt bằng, lương cán bộ nhân viên được Nhà nước chi trả...).
Khi không còn những "đặc quyền" dành cho đơn vị đăng kiểm Nhà nước thì để tồn tại các trung tâm buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ khách hàng.
“Vì vậy tôi rất ủng hộ chủ trương này, vừa giảm chi phí đầu tư của Nhà nước, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh mang lại dịch vụ tốt hơn cho người dân", vị này nói.
Trao đổi với VietNamNet, lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm 29.03V (Đống Đa, Hà Nội) cho biết hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Đơn vị cũng đã tiếp nhận chủ trương và có sự chuẩn bị thực hiện cổ phần hóa từ lâu.
Là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị cũng đã sắp xếp, cơ cấu lại toàn bộ nhân sự, bộ máy gọn gàng nhất, cơ cấu chi phí hợp lý nhất với mục tiêu đảm bảo hiệu lực, hiệu quả nhất.
“Có những thời điểm, lượng cán bộ của trung tâm khoảng 25 - 30 người, đến nay sau khi sắp xếp đơn vị còn 21 cán bộ, nhân viên. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận chủ trương mới và thực hiện được ngay khi chính sách có hiệu lực thi hành”, lãnh đạo này thông tin.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng có chút lo lắng khi cổ phần hóa đồng nghĩa với việc phải tự lo toàn bộ lương, thưởng cho người lao động. Trong khi, lượng xe những tháng qua liên tục sụt giảm do quy định miễn (Thông tư 03), gia hạn chu kỳ đăng kiểm (Thông tư 08) với một số nhóm xe.
“Chưa bao giờ, đầu tháng 10 mà vắng xe đến đăng kiểm như hiện nay, trong khi phí kiểm định 10 năm chưa thay đổi”, vị này trăn trở.
Đây là lo lắng của rất nhiều lãnh đạo trung tâm đăng kiểm. Do đó, các trung tâm đăng kiểm kiến nghị, khi cho phép cổ phần hóa thì cơ quan quản lý cũng chấp thuận cho phép đơn vị được điều chỉnh phí đăng kiểm theo cơ chế thị trường.
Theo thống kê, cả nước có 292 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới với 542 dây chuyền. Trong đó có gần 200 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp, 64 đơn vị thuộc các Sở GTVT và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo N.Huyền/ Vietnamnet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN