Có lợi ích nhóm trong nhập test xét nghiệm không?
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa Vũng Tàu) bày tỏ, nhân dân đánh giá cao Nghị quyết 128 tạm thời ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19’. Bà Yến đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết trên. Hiện nay, các địa phương đang triển khai khác nhau. Vậy giải pháp thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn quốc ra sao?
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chất vấn đến việc loạn giá xét nghiệm, mỗi nơi một kiểu, nhiều nơi lên đến 400 nghìn đồng mỗi lần xét nghiệm. “Có lợi ích nhóm trong nhập test xét nghiệm hay không?”, đại biểu nêu chất vấn.
Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, bác sĩ chuyên môn giỏi chưa chắc quản trị giỏi. Vậy có nên tách bạch giữa quản trị với chuyên môn như một số đại biểu nêu không?
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) quan tâm đến việc xét nghiệm, cách ly trong thời gian qua, nhất là cách ly trong khu đông dân cư. “Nhiều cử tri gọi cho tôi hỏi đã tiêm 2 mũi, đeo khẩu trang, nhưng chẳng may đi cùng bệnh nhân ở cầu thang. Vậy trong trường hợp đó có bắt buộc đi cách ly không?”, đại biểu chất vấn.
Một số đại biểu cũng quan tâm đến việc quản lý trang thiết bị y tế, cũng như đặt ra các vấn đề: Tại sao trong nước không sản xuất kít xét nghiệm mà lại nhập khẩu? Giá nhiều mặt hàng khác nhau, trách nhiệm trong quản lý giá cả như thế nào?
“Nhiều địa phương, người dân chưa được tiêm mũi 1, trong khi ở địa phương khác, người dân đã tiêm mũi 2. Vậy nguyên tắc phân bổ vắc xin như thế nào?”, đại biểu nêu.
Phòng dịch hiệu quả nhưng phải tiết kiệm
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, dịch bệnh COVID-19 xảy ra là chưa có trong tiền lệ. Nhiều quốc gia phải điều chỉnh chính sách và hầu hết quốc gia đều chuyển sang thích ứng an toàn, chung sống an toàn với COVID-19. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn và kiểm soát hiệu quả COVID-19.
Bộ trưởng cũng cho biết, rất khó dự đoán tình hình dịch bệnh. Ông hy vọng trong năm 2023 COVID-19 sẽ chuyển thành bệnh mùa. Nhưng dịch vẫn có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới, vì thời gian qua, số ca mắc tăng trở lại, cuối năm tình hình dịch vẫn phức tạp, đã xuất hiện tâm lý chủ quan. Một số người dân đã không áp dụng khuyến cáo "5K".
Đối với quản lý giá xét nghiệm, theo ông Long, giá mặt hàng từng nước khác nhau sẽ có mức giá khác nhau, đồng thời cũng phụ thuộc vào từng thời điểm. Ông Long lý giải trước đây, như mặt hàng khẩu trang, có thời điểm giá rất cao, vì lúc đó nhu cầu lớn, thị trường khan hiếm.
Giảm giá thành là một trong những yêu cầu đặt ra trong phòng chống dịch bệnh. Từ đó, ngành Y tế đã tiến hành gộp mẫu xét nghiệm (gộp 5, 10, thậm chí có nơi đã gộp đến 20).
“Phòng dịch hiệu quả nhưng phải tiết kiệm”, ông Long nhấn mạnh tinh thần này.
Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta đã hỗ trợ thúc đẩy sản xuất test nhanh kháng nguyên, hiện có hai đơn vị sản xuất, hai đơn vị chuyển giao từ nước ngoài. “Chúng tôi đang thúc đẩy để đảm bảo đủ nhu cầu trong nước, phương châm là làm sao chúng ta sẽ chủ động được kit xét nghiệm", ông Long cho hay.
Về nguyên tắc phân bổ vắc xin, Bộ trưởng cho biết, dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, ưu tiên địa bàn trọng điểm, các tỉnh thành có nguy cơ rất cao, đầu mối giao thông, mật độ giao thông nhiều... Về nhóm ưu tiên, trong tháng 10/2021 các nơi phải phủ vắc xin người trên 65 tuổi, từ tháng 11 phủ cho người trên 50 tuổi, đây là hai nhóm rủi ro nhất.
“Hai tuần đầu tháng 11, Bộ Y tế triển khai tiêm cho trẻ em 12 - 17 tuổi ở một số địa bàn trọng điểm. Mũi 3 sẽ được tiêm từ cuối tháng 12/2021. Hiện cả nước đang tiêm phủ mũi 1, sau đó phủ mũi 2 rồi tiêm mũi 3”, Bộ trưởng Long trả lời chất vấn.