Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình thế nào về lãng phí đầu tư công?

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát trong vấn đề đầu tư công. 

Bo truong Nguyen Chi Dung giai trinh the nao ve lang phi dau tu cong?

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng nay (6/11), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6 với phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Nguyên nhân lãng phí trong đầu tư công

Một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về vấn đề lãng phí trong đầu tư công và việc vướng mắc trong giải ngân chi thường xuyên có phải do vướng mắc từ Luật Đầu tư công, ranh giới giữa chi thường xuyên và chi đầu tư.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, vấn đề đầu tư công có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát. Việc thất thoát có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu.

Theo Bộ trưởng, công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn và không bị tăng chi phí. Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.

Về chi thường xuyên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, vấn đề không hẳn là do Luật Đầu tư công, mà còn liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước. Cụ thể, về việc sửa chữa nâng cấp, hiện nay công tác này vẫn được triển khai bình thường, không có vướng mắc. Về đầu tư mới, phải thực hiện theo quy trình quy định trong Luật Đầu tư công.

Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội nội dung, với dự án dưới 15 tỷ đồng, thì có thể thực hiện dự án từ chi thường xuyên. Vấn đề này sẽ được Quốc hội quyết định.

Trong phần điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thêm, trong thực tiễn cũng như trong quy phạm pháp luật, không có văn bản hay trường hợp nào quy định mức chi thường xuyên và chi đầu tư là căn cứ vào giá trị số tiền.

"Không phải trên 15 tỷ là đầu tư công và dưới 15 tỷ lại là chi đầu tư thường xuyên. Chúng ta chi lương là hàng trăm nghìn tỷ, chi cho giáo dục đào tạo là hàng trăm nghìn tỷ thì đều là chi thường xuyên", Chủ tịch Vương Đình Huệ nói và cho rằng, đây là tính chất của các khoản chi, không phải giá trị của các khoản chi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đến thời điểm hiện tại, không có vướng mắc trong Luật Đầu tư công và không có vướng mắc về Luật Ngân sách Nhà nước. Do đó, ông Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có đề xuất, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải thích, làm rõ thêm. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không giải thích những vấn đề đã rõ hoặc những nội dung không ai yêu cầu giải thích.

Cần nghiên cứu để giảm thời gian thực hiện các dự án ODA

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết, Nghị quyết 41 của Quốc hội đã nêu, cần khẩn trương xây dựng hoàn thiện các văn bản dưới luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong năm 2021, theo đó sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA.

"Đề nghị Bộ trưởng KH&ĐT làm rõ công tác này đã được thực hiện như thế nào và đến mùng 4/5/2023 mới ban hành Nghị định 20 thì có ảnh hưởng gì đến tiến độ giải ngân vốn ODA", đại biểu chất vấn.

Trả lời về các chính sách hỗ trợ Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã ban hành hai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. 

Theo đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 58 về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi, phát triển nhanh và bền vững đến năm 2025.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 105 năm 2023 về giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

"Đây là hai chính sách rất quan trọng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng phát triển kinh tế chung", ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Về dự án ODA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, tiến độ thực hiện của các dự án này đang chậm so với yêu cầu. Ngoài những nguyên nhân giống đầu tư công nói chung, các dự án ODA phải thực hiện theo rất nhiều quy định khác nhau.

Cụ thể, quy trình, thủ tục phức tạp hơn khi phải thực hiện theo các quy định trong nước về đầu tư công và các quy định của nhà tài trợ nước ngoài cũng như các quy trình thủ tục đàm phán các hiệp định vay, thoả thuận vay,....

Theo tư lệnh ngành KH&ĐT, các dự án sau khi hoàn tất thủ tục mà có sự điều chỉnh thì phải thực hiện lại quy trình cả trong nước và điều chỉnh các hiệp định. Do đó, các dự án này mất nhiều thời gian và tiến độ.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nghiên cứu một cách căn cơ hơn nữa để hài hoà thủ tục trong nước và nước ngoài để vừa đảm bảo chặt chẽ và rút ngắn được thời gian.

Theo Chủ tịch Vương Đình Huệ, hiện nay, còn hơn 40.000 tỷ đồng vốn ODA chưa thể phân bổ nên Quốc hội phải chấp nhận không hủy dự toán mà đưa vào phần vốn dự phòng của đầu tư công trung hạn (còn hơn 2 tỷ USD) nhưng đến nay vẫn chưa thể "nhúc nhích". Do đó, phải nhanh chóng thúc đẩy thì mới có thể giải ngân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo thêm về nội dung này vào cuối phiên chất vấn.

Theo Quang Tuyền/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN