Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng?

Trước tình hình các ca bệnh tay chân miệng ở trẻ em đang gia tăng gần đây, bố mẹ cần lưu ý những điều sau.

Bệnh tay chân miệng là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan, do virus thuộc chủng Enterovirus gây ra, phổ biến nhất là coxsackievirus A16.

Bệnh này có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với tay chưa rửa sạch hoặc bề mặt có dấu vết của virus, hoặc tiếp xúc với nước bọt, phân, dịch tiết từ các vết phồng rộp, giọt bắn đường hô hấp sau khi ho hoặc hắt hơi.

Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng nó thường xuất hiện ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Bien chung nguy hiem cua benh tay chan mieng?
Ảnh: Healthline 

Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Các triệu chứng bắt đầu phát triển từ 3 - 6 ngày sau khi mắc bệnh, gọi là thời kỳ ủ bệnh. Khi đó, bạn hoặc con bạn có thể gặp phải các triệu chứng như sốt, chán ăn, viêm họng, đau đầu, cáu gắt, khó chịu, chảy nước dãi, mụn nước đỏ và đau trong miệng, phát ban đỏ trên bàn tay hoặc lòng bàn chân.

Sốt và đau họng thường là những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Mụn nước và phát ban là triệu chứng đặc trưng xuất hiện muộn hơn, thường là 1 hoặc 2 ngày sau khi bắt đầu sốt.

Hầu hết trẻ em mắc bệnh tay chân miệng cũng sẽ bị lở loét trong miệng. Bố mẹ hãy kiểm tra lưỡi của trẻ, bao gồm cả hai bên và cổ họng.

Bien chung nguy hiem cua benh tay chan mieng?-Hinh-2
Ảnh: Healthline  

Biến chứng do bệnh tay chân miệng

Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường tự khỏi trong vòng từ 7 đến 10 ngày. Việc tái nhiễm lần nữa hiếm khi xảy ra.

Tuy nhiên, hãy đi khám kịp thời nếu các triệu chứng trở nặng hoặc không khỏi trong vòng 10 ngày. Trong một số trường hợp hiếm hoi, coxsackievirus có thể gây ra tình trạng cấp cứu y tế.

Các biến chứng tiềm ẩn của bệnh này bao gồm mất nước, bật móng tay hoặc móng chân, viêm màng não, viêm não, tê liệt, viêm cơ tim.

Ai có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng?

Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất. Nguy cơ gia tăng nếu chúng đi học tại nhà trẻ hoặc trường học, vì virus có thể lây lan nhanh chóng ở những nơi này.

Trẻ em thường xây dựng khả năng miễn dịch đối với bệnh sau khi tiếp xúc với virus gây bệnh. Đây là lý do tại sao tình trạng này hiếm khi ảnh hưởng đến những người trên 10 tuổi.

Tuy nhiên, trẻ lớn hơn và người trưởng thành vẫn có thể bị nhiễm bệnh, đặc biệt là nếu họ có hệ miễn dịch suy yếu.

Bien chung nguy hiem cua benh tay chan mieng?-Hinh-3
 Ảnh: Healthline 

Các cách chữa trị tại nhà

Một số phương pháp điều trị tại nhà cũng có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh. Bạn có thể thử các biện pháp khắc phục sau đây để giúp bớt khó chịu hơn vì mụn nước:

- Ngậm đá bào hoặc kem que

- Ăn kem

- Uống đồ uống mát

- Hạn chế ăn trái cây họ cam quýt, đồ uống trái cây và soda

- Hạn chế thức ăn cay hoặc mặn

- Súc miệng vài lần một ngày bằng nước muối ấm để giúp giảm đau do phồng rộp miệng và loét cổ họng.

Các biện pháp phòng bệnh

- Giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi ra ngoài nơi công cộng.

- Tránh cho trẻ để tay hoặc các đồ vật khác vào hoặc gần miệng.

- Khử trùng bất kỳ khu vực chung nào trong nhà một cách thường xuyên. Trước tiên, hãy thử làm sạch các bề mặt dùng chung bằng xà phòng và nước, sau đó bằng dung dịch tẩy rửa pha loãng với nước.

- Khử trùng đồ chơi, núm vú giả và các đồ vật khác có thể bị nhiễm virus.

Nếu bạn hoặc con bạn gặp các triệu chứng như sốt hoặc đau họng, hãy nghỉ học hoặc nghỉ làm. Tốt nhất bạn nên tránh tiếp xúc với người khác khi mụn nước và phát ban phát triển để tránh lây bệnh cho người khác.

Mời độc giả xem thêm video: Hàng loạt quốc gia khẩn trương điều tra bệnh "viêm gan" bí ẩn ở trẻ em (Nguồn video: THĐT)

Lương Trâm (Theo Healthline)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN