Bà Tạ Thanh Bình: Chứng khoán phái sinh đã có những đợt biến động khác thường

Bà Tạ Thanh Bình -Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN cho biết trong 6 năm vận hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì thị trường chứng khoán phái sinh cũng bộc lộ một số hạn chế...

Ba Ta Thanh Binh: Chung khoan phai sinh da co nhung dot bien dong khac thuong

Bà Tạ Thanh Bình-Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN phát biểu tại hội thảo

Sáng 24/11, tại hội thảo "Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh" do trường Đại học Luật Hà Nội và Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Báo Pháp luật Việt Nam đồng tổ chức, bà Tạ Thanh Bình-Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN cho biết tính đến ngày 10/8/2023, thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) tròn 6 năm hoạt động, đã có bước tăng trưởng rất tốt và ổn định, giao dịch sôi động và thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường.

Theo đó, quy mô thị trường và thanh khoản của sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 có sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng bình quân 38,65%/năm trong giai đoạn 2018 - 2022, trong đó năm 2020 được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao nhất 79,9% so với năm 2019 và năm 2022 tăng trưởng 43,8% so với năm 2021.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, khối lượng giao dịch bình quân đạt 225.178 hợp đồng/phiên, giảm 17,41% so với năm 2022, tuy nhiên đây vẫn là mức giao dịch bình quân năm cao thứ nhì, chỉ sau mức cao nhất trong năm 2022.

Tính chung trong 6 năm, tăng trưởng bình quân giao dịch HĐTL chỉ số VN30 đạt 27,46%. Khối lượng hợp đồng mở (OI) của hợp đồng tương lai VN30 từ 8.077 hợp đồng tại thời điểm cuối năm 2017 đã tăng lên 62.077 hợp đồng vào cuối tháng 7/2023. Khối lượng giao dịch cao nhất đạt 647.457 hợp đồng tại phiên giao dịch ngày 25/10/2022 và OI cao nhất là 71.190 hợp đồng được ghi nhận vào ngày 30/3/2023.

Thị trường phái sinh đã ngày càng thu hút nhà đầu tư, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh liên tục tăng lên, tính đến ngày 31/7/2023, trên TTCKPS đã có 1.341.152 tài khoản, gấp 546 lần so với thời điểm mới khai trương thị trường. TTCKPS là giải pháp hữu hiệu để giữ chân dòng tiền ở lại TTCK, tránh tình trạng nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường khi thị trường cơ sở sụt giảm.

Về định hướng và giải pháp phát triển thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới, bà Tạ Thanh Bình cho biết, tại Dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, Bộ Tài chính đã đề ra mục tiêu tiếp tục phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động TTCK nói chung và TTCKPS nói riêng, phấn đấu TTCKPS tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Để đạt được mục tiêu này, theo bà Bình phải tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm chứng khoán phái sinh thông qua việc tiếp tục triển khai sản phẩm HĐTL dựa trên chỉ số chứng khoán và hợp đồng tương lai TPCP; từng bước triển khai hợp đồng quyền chọn chỉ số chứng khoán, các sản phẩm HĐTL, hợp đồng quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ hoặc nhóm cổ phiếu.

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện việc cải tiến chất lượng chỉ số hiện hành, sửa đổi bộ quy tắc chỉ số phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời phát triển thêm các chỉ số cơ sở để làm tài sản cơ sở cho TTCKPS.

Đặc biệt, sẽ tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát liên thị trường nhằm ngăn ngừa các hành vi thao túng, làm giá trên TTCK cơ sở để tác động lên TTCKPS và ngược lại.

Bà Tạ Thanh Bình cho biết, TTCKPS đã vận hành được 6 năm, bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ một số hạn chế trong đó nghi vấn liệu có thao túng liên thị trường vẫn là câu hỏi lớn. Đáng chú ý, TTCKPS đã có những đợt biến động khác thường đặc biệt là những phiên đáo hạn.

Vì vậy, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCKNN nhấn mạnh việc tăng cường năng lực giám sát là hết sức cần thiết và cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Xây dựng hệ thống tiêu chí giám sát và hệ thống cảnh báo để kịp thời phát hiện ra các giao dịch bất thường giữa TTCK cơ sở và TTCKPS; Đào tạo và nâng cao đội ngũ cán bộ, nhân lực cho UBCKNN cũng như các SGDCK và thành viên thị trường là các CTCK; Ứng dụng công nghệ thông tin và máy học hiện đại phục vụ công tác quản lý, giám sát trên TTCK đặc biệt áp dụng công nghệ tiên tiến như máy học (machine learning) hay trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu, phát hiện vi phạm và đưa ra các khuyến nghị.

"Có thể nói, TTCKPS là một thị trường mới, phức tạp. Đến nay, trải qua 6 năm hình thành và phát triển, TTCKPS đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng cũng phát sinh những hạn chế, tồn tại. Tuy nhiên, nhìn trên tổng diện thị trường, có thể nói việc vận hành TTCKPS là một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, Chính phủ", bà Bình nói.

Theo Nhật Huỳnh/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN