Bộ Chính trị đã có chủ trương tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới. Trong đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh cần thống nhất nhận thức về bối cảnh mới đang mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam (VN) sau 40 năm tiến hành công cuộc Đổi mới…
Xung quanh nội dung này, Nhadautu đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN).
40 năm Đổi mới: “Đàng hoàng” và “sánh bước”
* Xin ông đánh giá những thành tựu nổi bật nhất của đất nước ta sau 40 năm Đổi mới?
Trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác đã định hướng là xây dựng một nước VN “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Có thể khẳng định, thành tựu nổi bật nhất theo cách tiếp cận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn”. Điều này thể hiện qua những chỉ số quan trọng như: GDP, thu nhập bình quân đầu người, xuất nhập khẩu, đô thị hoá,… với những kết quả có thể nói là ngoạn mục.
Đây là những thành tựu chưa từng có trong lịch sử, mà 40 năm Đổi mới chúng ta mới giải quyết được. Với việc chuyển sang kinh tế thị trường (KTTT) – mở cửa, dẫu chưa hoàn thành đầy đủ, song đất nước đã “đổi đời” đúng nghĩa, dân tộc đã vượt qua được tình trạng đói nghèo để bước sang quỹ đạo làm giàu và phát triển.
Tuy nhiên, Bác Hồ còn nhấn mạnh một điều quan trọng không kém là vươn lên “sánh vai các cường quốc năm châu”. Ngày xưa, ta đi một mình, giờ đi cùng loài người, cùng chung tay giải quyết vấn đề của loài người thì VN có cơ hội và cần phải “sánh vai các cường quốc năm châu”.
Đến nay, trong tiêu chí này, thành tựu đạt được là VN đã mở cửa hội nhập ở quy mô và mức độ ít quốc gia có được. Câu chuyện Việt Nam với thế giới hội nhập, hoà vào nhau, VN chia sẻ trách nhiệm với thế giới là một thành tựu đặc biệt quan trọng. Cùng với Đổi mới, VN nâng mình lên cùng với giá trị nhân loại. Đó là chính là thực chất của “sánh vai..”. Cho đến nay, những nước lớn, phát triển, có tầm quan trọng bậc nhất đều đang là đối tác chiến lược của Việt Nam.
* Nhưng theo ông, đâu là những hạn chế cần khắc phục?
Đó là câu chuyện KTTT. VN cho đến nay vẫn chưa phát triển hoàn toàn đầy đủ, vẫn chưa được nhiều nước công nhận là “nền KTTT đầy đủ”. Nghĩa là chúng ta chưa phát triển KTTT tới mức mà cả những nước có thể “không ưa” VN, hoặc rất “khó tính”, cũng phải công nhận Việt Nam đã đạt tới KTTT “đầy đủ”. Về thực chất, thể chế KTTT của chúng ta còn chưa đồng bộ, nhiều tắc nghẽn, nền tảng kinh tế còn yếu, trình độ phát triển còn “tụt hậu”, vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình”, ...
KTTT là xu thế không đảo ngược, nhưng cấu trúc thị trường – nền tảng của nền KTTT bình thường - của chúng ta chưa đồng bộ, như: Thị trường đất đai, tài chính- vốn, lao động, khoa học công nghệ… Chúng ta chưa có cơ chế cho các thị trưởng này vận hành một cách hiệu quả…
Vẫn còn sự thiên lệch chính sách…
* Thưa ông, công cuộc Đổi mới được ví như cuộc cách mạng, mà nòng cốt của cuộc cách mạng đó là doanh nghiệp (DN), bao gồm DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài (FDI). Ông có đánh giá gì về lực lượng này?
Đúng vậy! Sau Đổỉ mới, khu vực tư nhân vừa được tháo gỡ lập tức trở thành lực lượng cứu nguy cho nền kinh tế. Nhờ khu vực tư nhân sống dậy mà nền kinh tế đang trong tình trạng khủng hoảng được hồi sinh kỳ diệu, mở đầu cho công cuộc đổi mới thành công. Đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, chuyển sang KTTT, phát huy vai trò của DN tư nhân là hoàn toàn đúng.
Nhưng quá trình đổi mới không phải lúc nào cũng nhất quán theo đuổi logic đó. Tình trạng phân biệt đối xử, môi trường cạnh tranh yếu, cơ chế xin- cho và mệnh lệnh hành chính duy trì quá lâu. Thời gian đầu Đổi mới, kinh tế tư nhân còn yếu, kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể đóng vai trò chủ đạo là đúng, nhưng đáng lẽ trong thời kỳ đó, chúng ta phải ra sức thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển để nó vươn lên đúng tầm, nhưng chúng ta chưa làm được việc đó. Thực lực DN tư nhân Việt Nam cho đến nay vẫn non yếu, tuy sức chống chịu có thể là “vô đối”. Trên thế giới, ít có nền KTTT nào có mặt bằng lãi suất cao kéo dài như VN mà DN tư nhân có thể chịu đựng và sống còn. Điều này cho thấy nội lực tư nhân Việt Nam là rất lớn. Nếu chúng ta có chính sách tốt hơn, giải pháp thiết thực hơn thì khu vực kinh tế này có thể đạt được những thành tích phi thưởng.
* Thưa ông, trong khi lực lượng DN tư nhân của chúng ta chỉ đóng góp khoảng 10% GDP thì khu vực DN FDI đóng góp tới 22-23% GDP, trên 70% kim ngạch xuất nhập khẩu. Những con số đó nói lên điều gì?
Nền tảng quan trọng của KTTT là khu vực tư nhân bản địa, trong đó trụ cột là DN tư nhân. Sau 40 năm Đổi mới, khu vực tư nhân Việt Nam lại trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Tuổi thọ bình quân của DN tư nhân Việt cũng rất thấp. Chúng ta vẫn nói “nội lực là quyết định”, nhưng nội lực không chỉ là, không chủ yếu là tài nguyên, đất đai,… Nội lực quyết định chính là và phải là chủ thể của nền KTTT VN, là lực lượng DN Việt, là khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Ở đây dễ nhận thấy đã từng tồn tại những lệch lạc trong định hướng chính sách, cơ chế; Vẫn còn sự phân biệt đối xử, kỳ thị trong cơ cấu “nội lực”.
FDI dĩ nhiên rất quan trọng nhưng phải nhìn trong tương quan chức năng và vị thế với lực lượng kinh tế bản địa. Bỏ quên lực lượng bản địa sẽ là một trong những sai lầm lớn nhất về mặt chiến lược…
* Nhưng với đóng góp 23% GDP và trên 70% kim ngạch xuất khẩu, rõ ràng vai trò của khu vực FDI là rất lớn đổi với sự phát triển của VN?
Đó là điều không có gì phải nghi ngờ. Và VN ý thức rất rõ điều đó. VN nỗ lực mời gọi FDI từ rất sớm, Sau khi có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, với những điều kiện ưu đãi và tầm nhìn thông thoáng, chúng ta mời được nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào, khiến thế giới sửng sốt.
Nhưng có lẽ do duy trì cách tiếp cận chính sách cũ (dù tốt) quá lâu nên thu hút FDI trong một thời gian dài trở nên không phù hợp với các điều kiện phát triển mới biến đổi quá nhanh và rất căn bản. FDI vào nhiều là tốt nhưng đa số dự án vẫn hướng tới tận dụng những lợi thế sẵn có (tài nguyên thô và lao động rẻ) của VN, trong thế cạnh tranh công nghệ thấp với DN Việt. VN ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở cửa thị trường, càng tạo sức thu hút FDI tận dụng các lợi thế mà FTA mang lại. Và trên thực tế, họ rất thành công.
Trong khi đó, DN tư nhân VN tuy có lớn nhưng chậm, thậm chí không muốn lớn, không dám lớn. Xuất phát điểm thấp, lại chịu nhiều trói buộc cơ chế, chưa dành được sự quan tâm chính sách cần có cho lực lượng được coi là chủ công của KTTT. Như đã nói, thể chế của chúng ta chỉ ràng buộc DN VN. DN VN phải chịu lãi suất cao hơn 2- 3 lần, thủ tục hành chính phức tạp bội phần, làm cho chi phí giao dịch cao vượt bậc. Nói rằng DN VN thua ngay trên sân nhà là như vây.
Chúng ta duy trì chính sách ưu đãi tích cực cho DN FDI nhưng không ít DN FDI vẫn báo lỗ triền miên, trong khi DN tư nhân của chúng ta khó khăn là vậy vẫn trụ được. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ.
Đúng là khu vực FDI có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là đóng góp của khu vực này càng cao thì tiếng nói của họ càng có sức nặng, trong khi khu vực DN VN lại đang yếu kém. Xu hướng này có nguy cơ tác động chính sách lớn và tiêu cực.
Chúng ta chưa bao giờ tính được thiệt hại do tốc độ chậm lớn của DN VN mang lại cho nền kinh tế. Mấu chốt là thể chế KTTT không bình đẳng giữa hai khối DN. Vấn đề là phải tạo thuận lợi hơn cho khu vực nội địa, cho khối DN VN, tạo môi trường chính sách bình đẳng với khu vực FDI chứ không phải “kéo” khu vực FDI xuống. Ví dụ, phải nỗ lực kéo mặt bằng lãi suất xuống, để DN VN được tiếp cận vốn với lãi suất ngang dần khu vực và thế giới.
Thị trường phát triển thì định hướng XHCN mới phát triển
* Thưa ông, vừa qua những vụ việc như SCB, Vạn Thịnh Phát.. đang làm xấu xí hình ảnh DN tư nhân VN, liệu DN tư nhân VN có đảm nhận được vai trò dẫn dắt?
Vấn đề nằm ở thể chế. Vấn đề căn cốt là xử lý cơ chế hệ thống. Vì sao DN có những sai phạm như vậy? Quan điểm ai sai người đó chịu trách nhiệm, nhưng chịu trách nhiệm thế nào để đảm bảo cơ chế thị trường vẫn vận hành được.
Khi nhận diện như vậy thì cách tiếp cận xử lý vấn đề sẽ khác. Đừng có thủ tục nhiều quá, quy trình hành chính hóa những quan hệ thuộc về KTTT...
*Sau 40 năm Đổi mới, theo ông, bây giờ chúng ta thị trường nhiều quá hay định hướng XHCN nhiều hơn?
Cả hai đều ít. Khi chúng ta chọn KTTT để giải quyết vấn đề phát triển thì đó chính nội hàm trung tâm của cái gọi là “định hướng XHCN”. Nghĩa là khi thị trường phát triển thì định hướng XHCN cũng phát triển. Chính khu vực tư nhân là lực lượng giúp giữ định hướng XHCN tốt nhất, theo nghĩa đây chính là lực lượng chủ cộng tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Chúng ta càng làm thị trường kém đi, cản trở thị trường phát triển thì chẳng có định hướng XHCN nào tốt cả đâu. Định hướng XHXN giúp đất nước ta “sánh vai” mở cửa hội nhập. Không thị trường thì chúng ta hội nhập với ai? Không thị trường là không định hướng XHCN. Chúng ta công bằng trên nền tảng thị trường chứ không phải cào bằng, dân chủ trên cơ sở thị trường chứ không phải bảo hộ nhà nước…
Cần cuộc cải cách lần hai…
* Như tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh khi chỉ đạo tổng kết 40 năm Đổi mới là cần thống nhất nhận thức về bối cảnh mới đang mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN, theo ông bổi cảnh mới của chúng ta là gì và định hướng giải phát tới đây?
Thế lực mới, vị thế mới, thực lực mới của ta là GDP lên nhiều lần, giàu nhiều rồi, năng lực tri thức tăng lên. Đà đi lên của VN đang tốt. Việt Nam đang tích cực đi ra thế giới và kéo thế giới đến VN. Vị thế của VN trên thế giới càng có vai trò, càng được để ý, được tôn trọng, làm tăng vị thế lên. Riêng VN, bước vào giai đoạn mới, thế lực và vị thế là vậy nên phải tính tầm mới, thời đại mới.
Có 2 từ quan trọng trong phát triển bây giờ là “thời đại” và “thế giới”. Nói “thời đại” là tấm nhìn trình độ phát triển, nói “thế giới” là cấu trúc không gian, là xung đột, cạnh tranh. “Thời đại” bây giờ rất khác rồi. Trí tuệ nhân tạo AI đang thay thế nhiều công việc của trí tuệ con người. Là thời đại bán dẫn, năng lượng tái tạo, là thời đại hậu Covid… Hàm ý thời đại mới cần những năng lực khác, đòi hỏi tầm nhìn mới chứ không phải “dò đá qua sông” như xưa. Năng lực không đơn thuần năng lực thuần túy, là cuốc đất, trồng cây hay nấu gang luyện thép như xưa. Bây giờ liên quan đến trí tuệ sáng tạo, đòi tầm nhìn khác hắn, hiện đại, cấu trúc phát triển hiện đại…
Trong bối cảnh thế giới xung đột và hợp tác như hiện nay, năng lực ứng biến, trụ vững là điều đất nước cần có. Năng lực trụ vững là phải ngang tầm, sánh vai, phải nhận diện đúng xu thế thời đại, hàm nghĩa chọn những người dẫn dắt cuộc chơi.
Vấn đề của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt ra nhận diện đúng lúc này, đây là thời cơ để thay đổi, thời cơ chuyển sang tư duy phát triển, tầm nhìn phát triển mới, cách phát triển mới. Đây là thời cơ rất lớn, và vì thế nó cùng là thách thức - thách thức kiến tạo và phát triển. Muốn giải quyết đòi hỏi tư duy phải khác.
40 năm Đỏi mới kết quả đạt được là rất tốt, nhưng nhưng kết quả đó không đủ giải quyết những vấn đề trong tương lai, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị những cái mới, cái khác, cách tiếp cận cũng phải khác.
Công cuộc Đổi mới lần hai đòi hỏi phải triệt để hơn. Không những giải quyết những vấn đề nội tại mà thêm yếu tố áp lực cuộc chơi toàn cầu chúng ta đã nhập cuộc, trong bối cảnh mới…
Với tiếp cận như vậy thì tôi cho rằng bản thân chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chứa đụng 60-70% câu trả lời rồi.
*Xin trân trọng cám ơn ông!