Mới đây, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Bộ Công an có văn bản số 1570/PC-C01-P1, chuyển đơn của công dân tới Chủ tịch UBND TP Hà Nội để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định pháp luật. Một trong số các nội dung này, có phản ánh của công dân liên quan đến vi phạm đất đai tại khu vực chùa cổ Linh Thông (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
|
Nhiều năm qua, hai bên Tam quan chùa Linh Thông (phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) phát sinh tình trạng lấn chiếm đất đai, nhưng chính quyền sở tại không xử lý được triệt để, gây bức xúc trong khu vực. |
Cụ thể, đơn thư của bà Nguyễn Thị Chinh (SN 1956) và ông Lê Đắc Mười (SN 1974, cùng ở phường Đại Mỗ) cho biết, đã kiến nghị nhiều lần, liên quan đến đất chùa Linh Thông. Thực tế là tiến trình làm thủ tục xếp hạng chùa cổ Linh Thông, bị chậm trễ nhất định, do khuôn viên trong và ngoài cơ sở tôn giáo này chưa được trọn vẹn. Cùng với đó, một số công trình dân sinh xung quanh cũng ở thế “bất ổn” do nằm trong chỉ giới quy hoạch mở đường. Nhiều năm qua, những vướng mắc này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo văn bản số 1570/PC-C01-P1, liên quan đến các nội dung đơn thư khiếu kiện của người dân, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an chuyển đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cần xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả cho Văn phòng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an biết.
Trước đó, Báo Tri thức và Cuộc sống đã có loạt bài viết nêu thông tin phản ánh của người dân về việc nhiều năm qua, hai bên Tam quan chùa Linh Thông phát sinh tình trạng một số hộ dựng nhà ở, lều lán, kinh doanh trái phép. Sau nhiều lần UBND xã Đại Mỗ (nay là phường Đại Mỗ) vào cuộc, xử lý, đa số các công trình đã bị giải tỏa.
Tuy nhiên, một số căn nhà vẫn tồn tại, thậm chí người dân cho biết những căn nhà này còn được “hợp thức hóa” cấp GCNQSDĐ, mua đi bán lại và sử dụng ổn định cho đến nay.
Trụ trì nhà chùa sư thầy Thích Diệu Phúc cho biết: Năm 2006, trước khi khởi công xây dựng Tam quan chùa, có 5 hộ dân đã lấn chiếm và sử dụng đất chùa. Trụ trì chùa, Ban lễ hội, vãi chưởng của tất cả các thôn, các cụ 2 giới cùng Ban xây dựng đã làm đơn kiến nghị với tất cả các cơ quan chức năng. Sau đó, các hộ dân lấn chiếm đất chùa đã bị cưỡng chế phá dỡ, riêng có hộ gia đình bà Đỗ Thị Hiền cố tình tái lấn chiếm.
|
Một số căn nhà phía trước Tam quan chùa Linh Thông đã được xây cao lên 4-5 tầng. |
Trước những vi phạm đất đai xung quanh chùa Linh Thông, ngày 12/8/1993, UBND huyện Từ Liêm (cũ) đã ban hành Kết luận thanh tra 97/KL-TT, trong đó xác định thửa đất có diện tích 360m2 trước cổng chùa Linh Thông đã được đổi cho một cá nhân để thu về hiện vật là vật liệu xây dựng để tu bổ các công trình trong khuôn viên chùa. Việc này được xác định là vi phạm Điều 5 Luật Đất đai lúc bấy giờ. Do đó, UBND huyện Từ Liêm đã yêu cầu UBND xã Đại Mỗ (nay là phường Đại Mỗ) phải thu hồi lại diện tích đất nêu trên.
Thực tế, UBND xã Đại Mỗ (nay là phường Đại Mỗ) không thực hiện yêu cầu tại Kết luận 97/KL-TT dẫn đến việc thửa đất 360m2 được phân lô, mua bán trao tay qua nhiều đời chủ. Riêng trường hợp căn nhà của gia đình bà Hiền nằm sát cổng Tam quan chùa Linh Thông chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ cho biết, liên quan đến nội dung đất chùa cổ Linh Thông bị xâm hại, khiến việc bao quanh tường chùa trong nhiều năm không thể thực hiện việc xếp hạng di tích lịch sử chưa hoàn thành. Sắp tới quận Nam Từ Liêm sẽ chỉ đạo và xử lý dứt điểm.
Một số nội dung khác của đơn thư được Văn phòng Cơ quan CSĐT, Bộ Công an chuyển đến UBND TP Hà Nội có nội dung, công dân cho rằng dự án đầu tư xây dựng Trường mầm non Đại Mỗ có dấu hiệu sai phạm về diện tích, thiết kế; liên quan đến các công trình xây dựng chung cư mini và nhà dân tại ngõ 203 đường Tây Mỗ; công trình tại các ngõ 117 và 167 đường Quang Tiến; công trình ở ngõ 299 đường Đại Mỗ… có dấu hiệu sai phép, thậm chí liên quan đến người nhà của nguyên cán bộ phường.
Ao chuôm Bà Đẻ (chợ Chiều) vốn là chuôm rất lớn để tiêu nước cho khu dân cư tổ dân phố Tháp và tổ dân phố Chợ, đồng thời là chuôm chứa nước cho tưới tiêu. Thế nhưng vẫn diễn ra việc mua bán, san lấp đất nông nghiệp và xây dựng trái phép. Đến khi người dân có đơn thư tố cáo, cơ quan chức năng thành phố vào cuộc kiểm tra thì cơ quan chức năng chỉ cưỡng chế 4, 5 căn nhà, rồi san ra làm chợ tạm. Tuy nhiên, họp chợ buổi chiều lại gây tắc đường, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Công dân còn phản ánh vấn đề liên quan đến gần 20 thửa đất công do UBND phường Đại Mỗ quản lý tại tổ dân phố Giao Quang; mặc dù đã có quyết định bị thu hồi của Tòa án (Bản án số: 440/HSPT ngày 30/11/2004), thế nhưng các thửa đất này vẫn được mua đi bán lại, xây nhà kiên cố, thậm chí có hộ còn được cấp “sổ đỏ”.
Công dân phản ánh, khiếu nại trách nhiệm của 1 vị cán bộ lãnh đạo quận Nam Từ Liêm liên quan đến những vấn đề, tồn tại ở địa phương…