Đây là nhận định, đánh giá của ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của VinaCapital.
Thứ nhất, lương công nhân ở Việt Nam thấp hơn khoảng 2/3 so với Trung Quốc, nhưng chất lượng lao động tương đương với Trung Quốc.
Thứ hai, Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, gần chuỗi cung ứng của châu Á, đặc biệt là trong ngành công nghiệp công nghệ cao.
Thứ ba, Nhật Bản và Hàn Quốc đang đối mặt với các vấn đề cơ cấu, buộc phải đầu tư ra nước ngoài. Trong khi, Việt Nam được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp hai nước này.
Đối với Nhật Bản, dân số già hóa chính là vấn đề áp lực lên nền kinh tế nước này, nên các công ty Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư ra nước ngoài trong nhiều năm tới.
Kết quả của khảo sát về các nhà đầu tư nước ngoài Nhật Bản do Deloitte công bố trong năm 2021 cho thấy, Nhật phải đầu tư ra nước ngoài và Việt Nam là quốc gia hấp dẫn nhất để các công ty này rót vốn.
Trong khi đó, vấn đề dân số của Hàn Quốc còn nghiêm trọng hơn so với Nhật Bản. Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và dân số đang già đi với tốc độ nhanh hơn so với Nhật Bản. Do đó, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong nhiều năm tới.
Ngoài 3 yếu tố trên, việc ngày càng nhiều công ty đa quốc gia tìm cách đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc cũng góp phần làm tăng sức hút đầu tư của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận loại bỏ nguy cơ Việt Nam bị gắn mác là “nước thao túng tiền tệ” trong tương lai, giúp các công ty đa quốc gia tự tin hơn khi đầu tư vào Việt Nam.
Chưa kể, chiến dịch tiêm văcxin phòng Covid-19 của Việt Nam đạt tốc độ nhanh chóng, mang lại niềm tin cho các công ty nước ngoài về cam kết của Chính phủ Việt Nam.
Như vậy có thể thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2022, nhất là khi hạn chế đi lại được nới lỏng, tạo điều kiện thuận lợi cho các lãnh đạo doanh nghiệp từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam.
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong năm 2021 ước tính đạt 31,15 tỷ, USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút hơn 18 tỷ USD.