Vụ sạt lở tại quận 12, TP. HCM: Thiên tai hay “nhân tai”?

Vụ việc quán cà phê Giao Khẩu (khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. HCM) vừa bị sạt lở khoảng 40 m, cùng những vết nứt kéo dài từ mép bờ vào trong gần 20 m, khiến nhiều tài sản, cây cảnh bị cuốn trôi…

Sạt lở trên tuyến sông Sài Gòn

Mới đây, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. HCM nhận được công văn của Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Quản lý đường thủy và Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi về việc xử lý sạt lở đất trên tuyến sông Sài Gòn, thuộc khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12.

Vu sat lo tai quan 12, TP. HCM: Thien tai hay “nhan tai”?
 Vị trí sạt lở đất trên tuyến sông Sài Gòn, quán cà phê Giao Khẩu, thuộc khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12. Ảnh: Châu Tuấn

Sau khi phối hợp với một số cơ quan kiểm tra thực địa vị trí sạt lở ngày 7/8, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. HCM cho biết, vị trí sạt lở thuộc bờ phải sông Sài Gòn, tại Km 39 + 800 (đoạn qua phần đất của hộ dân kinh doanh quán cà phê Giao Khẩu, cách cầu Phú Long khoảng 2 km về phía hạ lưu), thuộc khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12.

Chiều dài sạt lở dọc bờ sông khoảng 40 m, sâu vào phía bờ khoảng 20 m và đang xuất hiện nhiều vết nứt, nguy cơ tiếp tục sạt lở xảy ra rất cao. Vị trí sạt lở nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ sông Sài Gòn và nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ công trình thủy lợi bờ hữu, ven sông Sài Gòn – nam rạch Tra.

Tuy không thiệt hại về người, nhưng đã sạt lở phần đất mép bờ sông, một nhà gỗ và một số vật dụng kinh doanh (bàn, ghế, cây kiểng…).

Vu sat lo tai quan 12, TP. HCM: Thien tai hay “nhan tai”?-Hinh-2
Sạt lở khiến nhiều tài sản, cây kiểng của quán cà phê Giao Khẩu bị cuốn trôi… 

Đánh giá sơ bộ nguyên nhân ban đầu gây sạt lở, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. HCM cho biết, khu vực sạt lở có nền đất yếu, người dân có đắp đất, gia tải và xây dựng công trình nhà tạm, sát mép bờ sông để kinh doanh quán cà phê.

Ngoài ra, tuyến sông Sài Gòn có biên độ triều cường lớn, dòng chảy mạnh, tàu thuyền thường xuyên qua lại kết hợp việc hộ dân xây dựng gia tải bên trong dẫn đến sạt lở.

Sau khi vụ sạt lở xảy ra, nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản người dân trong khu vực sạt lở, Sở Giao thông Vận tải đề nghị công bố điểm sạt lở này vào vị trí bờ sông, kênh rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn thành phố; đồng thời, yêu cầu chủ đất rào chắn lại khu vực bị sạt lở.

UBND Thành phố phối hợp với các đơn vị thiết lập hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa tại khu vực để cảnh báo cho tàu thuyền, hạn chế tốc độ khi qua khu vực sạt lở.

Trung tâm Quản lý đường thủy sẽ chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến sạt lở; phối hợp với chính quyền địa phương để cảnh báo kịp thời nguy cơ sạt lở tiếp diễn.

Do thiên tai hay nhân tai?

Đáng chú ý, sau khi vụ sạt lở xảy ra, đại diện Trung tâm Quản lý đường thủy cho biết, vị trí sạt lở này, trước đây (năm 2018), đã từng xảy ra tình trạng sạt lở tương tự với quy mô kéo dài, dọc sông khoảng 45 m, từ bờ vào trong khoảng 7 m.

Cuối năm 2019, chủ đầu tư đã thực hiện việc đóng cừ dự ứng lực gia cố bờ với chiều dài dọc sông 45 m, từ bờ tự nhiên ra 0,4 m và mỗi vị trí cách nhau 3 m.

Đặc biệt, quán cà phê Giao Khẩu còn nằm trong danh sách các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch, trên tuyến sông Sài Gòn với hành vi gia cố bờ trong hành lang bảo vệ bờ chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép, đã bị Trung tâm Quản lý đường thủy phối hợp với phường Thạnh Lộc lập biên bản xử phạt.

Vu sat lo tai quan 12, TP. HCM: Thien tai hay “nhan tai”?-Hinh-3
Theo Trung tâm quản lý đường thủy, quán cà phê Giao Khẩu do ông Nguyễn Thái Sơn làm chủ đã nhiều lần vi phạm hoạt động xây dựng trái phép trên mặt nước, hành lang bảo vệ bờ tuyến đường thủy. 

Phó giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy Nguyễn Ngọc Hải cho biết, trong quá trình kiểm tra, phát hiện và báo cáo đề xuất về các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ bờ hữu sông Sài Gòn, đoạn qua phường Thạnh Lộc và phường An Phú Đông, quận 12, tính đến nay, còn tồn tại nhiều trường hợp. Trong đó, quán Giao Khẩu đã từng bị xử phạt do vi phạm.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP. Thủ Đức và các quận, huyện, còn tồn tại 106 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ bờ và lấn chiếm sông, kênh, rạch.

Trong đó, hành vi lấn chiếm, lấp sông, kênh, rạch là 57 trường hợp, chưa được xử lý dứt điểm; hoạt động xây dựng trái phép trên mặt nước, hành lang bảo vệ bờ các tuyến đường thủy là 32 trường hợp, chưa được xử lý dứt điểm; vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa là 17 trường hợp, chưa được xử lý dứt điểm.

Được biết, việc quản lý sông lớn tại TP. HCM, do Trung tâm quản lý đường thủy (Sở Giao thông vận tải) quản lý. Do vậy, khi phát hiện lấn sông, địa phương sẽ cùng cơ quan quản lý đường thủy phối hợp xử lý.

Theo quy định, bước đầu địa phương sẽ lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu tháo dỡ công trình. Trường hợp người dân không khắc phục, sẽ xử lý theo quy định cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu.

Tuy nhiên đến nay, nhiều trường hợp vi phạm vẫn tồn tại.

Thiết nghĩ, nếu tình trạng triệt hạ kênh rạch, lấn chiếm sông nước (vì bất cứ mục đích hay lý do gì) không được chặn đứng sớm, thì di chứng sẽ khôn lường.

Bởi, một khi yếu tố tự nhiên bị xáo trộn, môi trường thiên nhiên xấu đi, quân bình sinh thái sẽ không còn, nước không còn, hoặc còn, nhưng ở dạng “dung dịch”, lúc đó dù chúng ta có nhiều tiền, cũng không dễ tái tạo.

Không đợi tương lai xa, việc xâm hại và hoang phí của Trời cho “chưa bao giờ là nguồn vô tận này” - lâu nay, đã như việc cắn vào đuôi mình để sống, là cách ăn xổi phúc lợi của tương lai, gây hậu quả nhãn tiền. Những thực tế như vậy, vẫn tồn tại. Đô thị lại không thể thiếu sông nước và khi cảm hứng về sông bị thực tế thảm hại tước đoạt - sẽ là lúc dư luận buộc phải lên tiếng…

Trước đó, đầu tháng 12/2022 - 3/2023, Báo Tri thức và Cuộc sống đã có loạt bài phản ánh tình trạng nhiều nhà hàng, quán cà phê, kho bãi, nhà ở... đang biến hành lang bảo vệ sông Sài Gòn làm của riêng, khiến người dân bức xúc. Cụ thể như:

“Quận 12 (TP. HCM): Ngang nhiên ép cọc, xây kè lấn sông Sài Gòn?”; “Phường Thạnh Lộc (quận 12, TP. HCM): Vụ chủ quán cà phê Giao Khẩu lấn chiếm sông, vì sao chưa bị xử lý?”; “Quận 12 (TP. HCM): Nhiều công trình khủng “ôm” sông Sài Gòn”… Tuy nhiên, hồi chuông cảnh báo từ báo chí đã không được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức và hệ quả xấu đã xảy ra…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc, hành trình “gõ cửa” chính quyền địa phương khi thực hiện loạt bài viết liên quan vấn đề trên.

 
PV

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN